1. Trang chủ /
  2. Tháo gỡ các chi phí “treo”, “vượt trần, vượt quỹ” khám chữa bệnh BHYT

Tháo gỡ các chi phí “treo”, “vượt trần, vượt quỹ” khám chữa bệnh BHYT

thứ tư, 3/8/2022 13:42 GMT+07
(PLM) - Đến thời điểm này, tổng chi phí khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) vượt trần thanh toán, vượt dự toán hoặc do một số nguyên nhân khác chưa được quyết toán do các địa phương đề nghị thanh toán bổ sung (tại 28 tỉnh, thành phố, 320 cơ sở KCB) là 1.601 tỷ đồng.


Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, BHXH Việt Nam sẵn sàng cùng ngành Y tế làm rõ các vướng mắc, cùng nhau xử lý dứt điểm

BHXH Việt Nam vừa tổ chức hội nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT chiều ngày 2/8.

Hội nghị có sự chủ trì của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh và Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, hội nghị chuyên đề về công tác KCB BHYT được tổ chức nhằm để hai ngành trao đổi, cung cấp thông tin và giải quyết khó khăn vướng mắc liên quan đến công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT.

Đồng thời, định hướng giải quyết những vướng mắc thuộc về cơ chế chính sách đang được Bộ Y tế và BHXH Việt Nam phối hợp thực hiện.

"Mục tiêu lớn nhất chúng ta hướng tới là đảm bảo nguồn kinh phí KCB BHYT để tạo điều kiện tốt cho các cơ sở KCB tổ chức cung ứng dịch vụ y tế (DVYT) cho người tham gia BHYT, qua đó đảm bảo quyền lợi cho người bệnh BHYT theo đúng các quy định của pháp luật; mặt khác phải tối ưu hóa nguồn quỹ BHYT, quản lý và sử dụng hiệu quả hơn nữa, đúng quy định của pháp luật nguồn kinh phí KCB BHYT", Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá, về cơ bản hai ngành đã đạt được sự đồng thuận, phối hợp chăm sóc sức khỏe người dân. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều vướng mắc phát sinh mà trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Y tế cũng như BHXH Việt Nam chưa thể bao phủ hết.

“Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 phức tạp vừa qua, các vấn đề phát sinh trong KCB BHYT chưa từng có tiền lệ nên chưa thể giải quyết dứt điểm”, ông Thuấn nói.

Còn vướng mắc về cơ chế chính sách

Tổng hợp các vướng mắc cần tiếp tục xử lý, tháo gỡ, ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, đến thời điểm này, tổng chi phí KCB BHYT vượt trần thanh toán, vượt dự toán hoặc do một số nguyên nhân khác chưa được quyết toán do các địa phương đề nghị thanh toán bổ sung (tại 28 tỉnh thành phố, 320 cơ sở KCB) là 1.601 tỷ đồng.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh

Các chi phí này đang được BHXH Việt Nam tích cực phân tích hồ sơ, phân loại để xác định các chi phí đủ điều kiện thanh toán, tổng hợp báo cáo Hội đồng quản lý xem xét cho phép đưa vào quyết toán chi phí KCB BHYT năm 2021.

Theo ông Phúc, quá trình thẩm định cần sự phối hợp chặt chẽ của cơ sở KCB, BHXH tỉnh và Sở Y tế về chuẩn bị hồ sơ, chứng từ chịu trách nhiệm khi đề nghị thanh toán chi phí vượt tổng mức, vượt dự toán Chính phủ giao.

Ông Phúc cũng chỉ rõ một số khó khăn vướng mắc thuộc về cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, Chính phủ.

Cụ thể, nột số chi phí thuốc, vật tư y tế (VTYT) chưa được thanh toán cho các bệnh viện (BV); thanh toán chi phí dịch vụ kỹ thuật (DVKT) từ các máy mượn, máy đặt, máy xã hội hoá chưa chuyển đổi hình thức sở hữu theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.

Đặc biệt, hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn quyết toán chi phí KCB BHYT năm 2021, trong khi năm 2021 đã phát sinh một số vấn đề mới mang tính đặc thù, số lượt người đến KCB giảm do tình hình dịch bệnh Covid-19 dẫn đến việc áp dụng xác định tổng mức thanh toán theo quy định tại Nghị định số 146 đã có những bất cập nhất định.

Tại nhiều cơ sở KCB, chi phí KCB BHYT sau giám định cao hơn rất nhiều so với chi phí được quyết toán theo tổng mức thanh toán (có cơ sở KCB chênh đến 15%-20%).

“BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh phối hợp với cơ sở KCB tổng hợp, chuẩn hoá, hoàn thiện số liệu chi phí đưa vào quyết toán năm 2021 (bao gồm số phát sinh trong năm 2021 và trước năm 2021); thực hiện xác định tạm thời tổng mức thanh toán theo hướng dẫn của Bộ Y tế. BHXH Việt Nam sẽ chỉ đạo, hướng dẫn khi có quyết định của cấp thẩm quyền về phương thức quyết toán chi phí KCB BHYT năm 2021”, ông Phúc cho biết.

Ngoài ra còn bất cập trong quy định về tạm ứng, thanh quyết toán theo Điều 32 Luật BHYT và Nghị định số 146. Luật BHYT quy định quyết toán theo quý nhưng tổng mức thanh toán quy định tại Nghị định số 146 được xác định theo năm, chưa có hướng dẫn xác định số quyết toán theo quý.

Phối hợp xử lý dứt điểm


Chia sẻ khó khăn từ phía cơ sở y tế, PGS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai và TS Nguyễn Trí Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy (TP HCM) cùng bày tỏ lo ngại về những chi phí bị “treo” từ các máy mượn, máy đặt, máy xã hội hoá chưa chuyển đổi hình thức sở hữu theo quy định tại Nghị định số 151.

Hiện tại theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Y tế, chưa có căn cứ để thanh toán các chi phí này. Tuy nhiên, đại diện các BV đề nghị Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đề xuất giải pháp thanh toán phù hợp với thực tế sử dụng của cơ sở y tế, đề nghị sửa đổi các quy định sát với thực tế hơn để không lãng phí các thiết bị y tế này.

“Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 phức tạp vừa qua, các vấn đề phát sinh trong KCB BHYT chưa từng có tiền lệ nên chưa thể giải quyết dứt điểm”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nói.

Phản ánh khó khăn của địa phương thường rơi vào tình trạng “vượt trần, vượt quỹ KCB BHYT”, ông Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An cho biết, đặc thù của Nghệ là địa bàn rộng, dân số lớn, nhưng mức đóng của phần lớn người dân lại thấp, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nên thường gặp khó khăn từ quy định khoán chi phí KCB BHYT.

Ông Chỉnh cũng chia sẻ khó khăn từ thực tế chưa tính đúng, tính đủ 7 yếu tố cấu thành giá DVYT, nhưng lại yêu cầu các cơ sở y tế phải tự chủ. Hiện nay hầu như các BV trên địa bàn Nghệ An (trừ BV tâm thần) đều đã thực hiện tự chủ.

“Đề nghị BộY tế sớm thực hiện đúng việc tính đủ giá DVYT, giảm sức ép lên các cơ sở y tế”, ông Chỉnh nêu.

Chia sẻ những tháo gỡ từ phía Bộ Y tế, ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế) cho biết, cục đang gấp rút thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, sửa đổi Thông tư về định mức kỹ thuật, danh mục DVKT, rút gọn từ trên 18.000 dịch vụ xuống còn khoảng 10.000 dịch vụ tương đương để thuận lợi cho việc thanh toán chi phí KCB BHYT.

Với vướng mắc về chi phí từ máy mượn, máy đặt tại các BV công, theo ông Lê Thành Công, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), bộ này đang trình Chính phủ cho phép tiếp tục thanh toán chi phí KCB từ các máy này vào dự thảo nghị quyết của Chính phủ; đồng thời đề nghị Bộ Tài chính xem xét sửa đổi quy định về máy xã hội hóa theo thực tiễn hiện nay trong quá trình sửa đổi Nghị định số 151.

Đồng thuận với kiến nghị của các cơ sở y tế về tính tính đúng tính đủ giá DVYT, ông Công chia sẻ “chưa tính đủ 7 yếu tố cấu thành giá, nhưng lại chạy theo tự chủ, trong khi không có quy định ngân sách nhà nước được cấp bù sẽ ảnh hưởng tới các cơ sở y tế, nhất là tuyến cơ sở. Với vai trò của mình, Vụ cũng đang thảo luận về lộ trình sớm tính đúng tính đủ giá DVYT”.

Hiện Bộ Y tế đã soạn thảo Thông tư về giá KCB theo yêu cầu, đề nghị các cơ quan chức năng xem xét...

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị các vụ, cục của Bộ Y tế nhanh chóng xác định danh mục công việc theo thẩm quyền, trách nhiệm của mình, đặt ra thời hạn xử lý cụ thể từng vấn đề, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho cơ sở y tế, đảm bảo quyền lợi của người bệnh.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng nhấn mạnh, BHXH Việt Nam sẵn sàng cùng ngành Y tế làm rõ các vướng mắc, cùng nhau xử lý dứt điểm. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam hướng dẫn, chỉ đạo BHXH các tỉnh phối hợp với các cơ sở KCB tiếp tục rà soát các chi phí KCB BHYT chưa được thanh toán trước năm 2021, đảm bảo đủ hồ sơ, điều kiện để báo cáo, đề xuất với Hội đồng quản lý đưa vào quyết toán năm 2021 và cần xử lý dứt điểm, không kéo dài.