Tháp chuông nổi tiếng ở di tích chùa Đậu chi chít những dòng chữ cầu an
Sử sách ghi lại, chùa vốn thờ Đại Bồ Tát Pháp Vũ (thần mưa), ngay từ khi mới lập ngôi chùa đã nổi tiếng ứng nghiệm khi các bậc trí sĩ đến lễ bái về sau đều được như ý nguyện. Đời Vua Lê Thần Tông (thế kỷ XVII), chùa Đậu được phong “Đệ nhất danh lam”, suốt chiều dài lịch sử có không ít bậc vua, quan đến đây cầu an, vãn cảnh.
Kiến trúc ngôi chùa là một điểm độc đáo khi được xây dựng với quy mô lớn kết cấu theo kiểu “nội công ngoại quốc”, mặc dù trải qua nhiều đời vua và những lần sửa chữa, tôn tạo nhưng kết cấu này vẫn được giữ nguyên không đổi.
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong chùa còn lưu trữ nhiều di vật và đồ thờ cổ có giá trị như bia đá từ thế kỷ 16 - 18, khánh chuông, sách cổ… và hai pho tượng là nhục thân của hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường đã trụ trì chùa vào khoảng thế kỷ 17. Qua nhiều năm, những di vật này đều đã nhuốm màu thời gian do yếu tố khách quan. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là gác chuông trên cổng tam quan chùa đang bị khách du lịch phá hoại tương đối nghiêm trọng.
Được biết, quả chuông treo ở đây có niên đại lâu đời, đúc vào năm Cảnh Thịnh thứ 9 (1801) thời Tây Sơn. Tuy nhiên, có một tình trạng không hay, khá mất mỹ quan là hiện nay, trên thân quả chuông đã xuất hiện nhiều vết bút mực, bút xóa với đa số nội dung đều là cầu an, cầu thi cử…
Hội chùa Đậu diễn ra vào ngày mùng 8 đến mùng 9 tháng Giêng theo lịch âm hàng năm. Những ngày này chùa đón hàng ngàn lượng khách tham quan và Phật tử gần xa đến với lễ hội. Tương truyền, nếu muốn đỗ đạt thì đến đây sắp lễ sẽ được như ý.
Có lẽ bởi điều đó mà không ít bạn học sinh khi ghé qua đã để lại “vết tích” với hy vọng lời cầu nguyện của mình sẽ thành sự thật. Những nét bút mới chồng lên nét cũ đang vô tình phá hỏng những giá trị cổ kính của nơi này.
Trao đổi với phóng viên, thầy Thích Quang Minh - trụ trì chùa chia sẻ: “Chùa giờ chỉ có 3 sư thầy, lượng du khách đến chùa lại rất đông bất kể lễ tết hay ngày thường. Việc khách thập phương viết, vẽ lên gác chuông nhà chùa cũng đã nắm được nhưng chưa có cách nào để khắc phục”. Thầy Minh cũng cho biết, việc vệ sinh hay bảo quản chiếc chuông cổ hiện nay là rất nan giải.