THEN TRỞ THÀNH DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ CỦA NHÂN LOẠI: Giữ “sức sống” cho điệu hát niên đại 600 năm
Điệu hát, tiếng đàn gắn với 200 nghi lễ
Các lễ Then diễn tả hành trình thầy Then (ông Then, bà Then) điều khiển đoàn âm binh đi từ Mường Đất lên Mường Trời để dâng lễ vật và thỉnh cầu trong lễ: cầu an, chữa bệnh, cầu mùa, chúc mừng năm mới...
Di sản Thực hành Then tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng Đông Bắc (Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang), vùng Tây Bắc (Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai) và một số địa phương khác ở Việt Nam.
Về cơ bản, hát Then - đàn tính ở mỗi vùng miền đều có cung quãng giống nhau nhưng về lời hát thì có nhiều dị bản để phù hợp với đặc điểm, cũng như phong tục của từng địa phương. Đàn tính được cấu thành từ 6 bộ phận gồm: bầu đàn, cần đàn, dây đàn, khóa đàn, ngựa, mặt đàn. Người Tày rất coi trọng cây đàn tính. Khi trình diễn, họ thường tổ chức lễ cúng nhỏ để xin phép tổ sư. Đàn tính được treo trang trọng trên vách gần bàn thờ tổ sư, những khi đi đâu, người Tày thường bọc đàn tính trong vải đỏ và bầu đàn luôn hướng về phía trước mặt mình. Đàn tính chủ yếu được dùng để đệm hát và có thể diễn tấu một mình hoặc nhiều cái cùng một lúc.
Hát Then rộn rã sân trường, bản làng
Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của Then, trong những năm học gần đây, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã đưa hát Then vào học đường. Các nhà trường từ bậc tiểu học đến THPT ở Lạng Sơn đã gắn việc gìn giữ hát Then với phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, hoạt động giáo dục truyền thống và hoạt động ngoại khóa trong mỗi tháng. Khi đưa hát Then vào hoạt động giáo dục, đa số học sinh thấy gần gũi và nhanh chóng hiểu được giá trị cũng như ý nghĩa của hát Then trong đời sống của đồng bào Tày, Nùng từ bao đời nay.
Huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh cũng là địa phương có nhiều hình thức để bảo tồn và phổ biến làn điệu hát Then trong đời sống xã hội. Phòng VH-TT huyện đã sưu tầm hơn 70 bài hát Then - đàn tính qua các thời kỳ, sưu tầm được 2 trích đoạn Then cổ, cải biên nhưng vẫn giữ những nét đặc trưng làn điệu hát Then, hướng dẫn thành lập 11 câu lạc bộ hát Then ở mỗi xã nhằm tập hợp các nghệ nhân, những người biết hát và yêu thích hát Then để luyện tập, phục vụ cộng đồng ở nơi cư trú.
Thái Nguyên nhiều năm qua rất chú trọng đầu tư thành lập CLB Dân ca của các tộc người. Trong đó loài hình hát Then - đàn tính đã đứng vững được tại các sân chơi văn hóa bổ ích với cuộc sống cộng đồng. Các tổ, đội văn nghệ Tỉn Keo (xã Phú Đình), Khau Diều (xã Điềm Mặc), Làng Chủng, Đồng Mon (xã Trung Hội), Nà Lọm (Phúc Chu), CLB dân ca dân Vũ Xã (Bảo Linh)… đã đóng góp rất lớn cho công tác bảo vệ và phát huy các làn điệu hát Then - đàn tính ở địa phương. Hiện nay Tuyên Quang có gần 60 nghệ nhân Then, hơn 100 thầy Tào, thầy Pụt, gần 100 CLB hát Then, đàn tính hoạt động thường xuyên…
Trường THPT Canh Tân, Thạch An, tỉnh Cao Bằng có nhiều biện pháp hiệu quả và đổi mới trong hình thức đưa nghệ thuật hát Then vào các buổi ngoại khóa. Đối với học sinh, việc lồng ghép nghệ thuật hát Then vào các hoạt động ngoại khóa không chỉ đem lại hiểu biết về giá trị tinh hoa của dân tộc mà còn có tác động mạnh mẽ vào tâm tư, tình cảm của học sinh, giúp phát triển khả năng thẩm mỹ, tình cảm đạo đức tốt đẹp, hình thành ý thức dân tộc, tình yêu với quê hương. Đều đặn mỗi tuần, thầy và trò Trường THPT Canh Tân lại say sưa với các làn điệu Then. Mục tiêu CLB hát Then hướng đến cho các học sinh, cán bộ, giáo viên giữ gìn và phát huy bộ môn hát Then - đàn tính.
Huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn có 7 dân tộc, trong đó dân tộc Tày chiếm trên 70% số dân toàn huyện. trên địa bàn huyện Chợ Đồn có 5 nghệ nhân Then, chủ yếu là người Tày có trên 100 cây đàn tính được lưu giữ, 3 hộ gia đình chế tác đàn tính. Để lưu giữ và phát huy di sản hát Then, đàn tính, thời gian qua, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã thực hiện nhiều hoạt động như: hằng năm khảo sát, bảo tồn các làn điệu hát Then, đặc biệt là Then cổ, Then mới; phát huy di sản này thông qua các hội diễn, liên hoan hay trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Tổ chức các chương trình, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong cộng đồng...
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 250 ra ngày 7/9/2022)