Theo dõi chặt biến thể mới, đẩy mạnh bao phủ vaccine COVID-19 cho trẻ
Tại TP Hồ Chí Minh, trong 4 tuần gần đây, ca mắc COVID-19 nhiễm biến chủng BA.5 đang chiếm ưu thế. Hiện tại, tất cả các bệnh viện đều có khoa điều trị COVID19 nên Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các bệnh viện theo dõi sát diễn tiến của dịch. Trường hợp cần thiết ngành Y tế thành phố sẽ cho khởi động Bệnh viện dã chiến số 13 theo các kịch bản đã được xây dựng sẵn.
Hiện Bộ Y tế cùng các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 yêu cầu các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm chủng thấp nghiêm túc rà soát, xem xét trách nhiệm các cấp, làm rõ nguyên nhân chưa hoàn thành việc tiêm vaccine để khẩn trương có biện pháp khắc phục.
Bộ Y tế tiếp tục bảo đảm cung ứng phân bổ đầy đủ, kịp thời vaccine phòng COVID-19 theo nhu cầu của địa phương, không để thiếu vaccine; rà soát, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương có tỉ lệ tiêm thấp đẩy nhanh việc tiêm vaccine; cùng với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia tiêm vaccine…
Hiện nay, tỷ lệ học sinh từ 5 đến dưới 12 tuổi, từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi tại các huyện vùng cao các tỉnh miền núi phía Bắc đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 2, mũi 3 còn thấp. Do đó, nhiều địa phương đang triển khai các biện pháp đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho học sinh.
Theo đó, tỉnh Hà Giang có gần 135 nghìn trẻ trong độ tuổi từ 5 đến 11 tuổi và hơn 88 nghìn trẻ từ 12 đến 17 tuổi cần tiêm vaccine phòng COVID-19. Đến thời điểm này, tỷ lệ tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi đạt 66%; tỷ lệ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi đạt 53%.
Còn tại Điện Biên, một số huyện vùng cao, biên giới của tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi cũng khá thấp, như huyện Tủa Chùa đạt 48,3%; huyện Mường Nhé đạt 53,2%. Tiến độ tiêm vaccine cho trẻ em ở tỉnh Sơn La nhanh hơn hai tỉnh Hà Giang, Điện Biên, song tính đến sáng 15/9, số trẻ từ 5 đến 11 tuổi của Sơn La đã tiêm mũi 2 cũng mới đạt 71,3%.
Nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêm vaccine cho trẻ ở các tỉnh miền núi phía Bắc còn thấp trước hết là do điều kiện khách quan. Các tỉnh miền núi có địa bàn rộng, địa hình bị chia cắt, đi lại khó khăn, trong khi nhân lực y tế cơ sở có hạn. Dân cư sống rải rác trên những sườn núi cao, khó huy động người lớn đưa trẻ đến trung tâm thôn, xã tiêm vaccine. Ngoài ra, một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan, chưa nhận thức đầy đủ và chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Nhiều người có tâm lý coi nhẹ tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) hoặc e ngại vì lo con em tiêm phòng xong hay bị sốt, mệt.
Chỉ đạo khắc phục ngay các biểu hiện chủ quan, thờ ơ trong phòng, chống dịch COVID-19, tỉnh Điện Biên yêu cầu các địa phương phải bám sát phương châm "truyền thông tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chuyên gia tại chỗ, ngôn ngữ tại chỗ và nhân lực tại chỗ" để vận động nhân dân cho con em mình tiêm đủ liều và thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch.
Tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo ngành chức năng, các huyện, thành phố khắc phục những khó khăn về điều kiện địa hình, các cơ sở y tế tuyến huyện, xã cũng thành lập các tổ tiêm lưu động để đi tiêm phòng tại các thôn vùng sâu, vùng xa. Phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang đề nghị lãnh đạo các trường giao trách nhiệm cho các giáo viên chủ nhiệm rà soát, lập danh sách từng học sinh đã tiêm, chưa tiêm vaccine để gửi đến cơ quan y tế địa phương.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La (CDC Sơn La) đã chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tiếp tục rà soát, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các nhóm trẻ. Trung tâm y tế các huyện, thành phố tăng cường công tác truyền thông, thực hiện "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng", để không bỏ sót đối tượng tiêm chủng…
Thiếu vaccine Moderna phòng COVID-19 cho trẻ em
Ngày 20/9, Bộ Y tế đã có thông tin liên quan tới việc thiếu cục bộ vaccine Moderna phòng COVID-19 cho trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi. Theo đó, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, đã cung cấp đầy đủ vaccine Moderna cho các tỉnh, thành phố để ưu tiên tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi đã tiêm mũi 1 vaccine Moderna. Tuy nhiên, một số địa phương đã sử dụng vaccine Moderna để tiêm nhắc lại cho người lớn dẫn tới thiếu hụt vaccine Moderna cho trẻ em.
Nguyên nhân là do nhiều gia đình có trẻ em đã tiêm mũi 1 vaccine Moderna không đưa trẻ đi tiêm tiếp mũi 2 hoặc trẻ bị ốm, mắc COVID-19 phải hoãn tiêm, trong khi vaccine Moderna chỉ được sử dụng tối đa trong 30 ngày kể từ khi rã đông. Để hỗ trợ các địa phương, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã tổ chức điều chuyển vaccine giữa các địa phương và nỗ lực phối hợp với UNICEF để có thể sớm tiếp nhận vaccine Moderna, đảm bảo trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi được tiêm đủ liều vaccine.
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 264 ra ngày 21/9/2022)