THI CÔNG CAO TỐC BẾN LỨC - LONG THÀNH: Vì sao VEC chưa trả tiền nhà thầu dù đã chấm dứt hợp đồng?
Trước đó, ngày 27/6/2022, VEC có văn bản đề nghị Bộ Tài chính ký đơn rút vốn số 0036V thanh toán cho hợp đồng xây lắp gói thầu A6 thuộc dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành cho liên danh BMT – Hanshin E&C (nhà thầu) hơn 98,8 tỷ đồng. Theo VEC, do nhà thầu có ý định chấm dứt hợp đồng nên VEC và nhà thầu đã bố trí thời gian để đàm phán trao đổi. Sau đó, hai bên đều đã có thông báo chính thức chấm dứt hợp đồng gói thầu A6. Nhà tài trợ ADB không phản đối việc chấm dứt.
Tuy nhiên, sau khi Ngân hàng Phát triển (NHPT) xác nhận thanh toán (ngày 4/9/2020), Bảo lãnh thực hiện hợp đồng hết hạn (ngày 9/9/2020), nhà thầu đã không thực hiện việc gia hạn bảo lãnh theo quy định của hợp đồng. Để có cơ sở thanh toán, VEC đã có nhiều văn bản thúc giục nhà thầu thực hiện việc. Nhà thầu không thực hiện, khiến VEC không có cơ sở thanh toán cho nhà thầu. “Đến nay, hợp đồng đã chấm dứt, nhà thầu cũng trình VEC một bảo lãnh thanh toán bằng đúng số tiền đã đề nghị, do vậy việc thanh toán khối lượng hoàn thành mà nhà thầu đã thực hiện là phù hợp với quy định. Để giảm thiểu chi phí khiếu kiện từ phía nhà thầu, VEC đề nghị Bộ Tài chính xem xét sớm xác nhận giải ngân cho nhà thầu”, VEC đề nghị.
Đến nay, theo báo cáo từ VEC, hợp đồng ký giữa VEC và liên danh BMT – Hanshin E&C được cho là đã chấm dứt, nhà thầu cũng đã hoàn trả lại cho VEC số tiền tạm ứng hợp đồng còn lại gói thầu A6 hơn 78 tỷ đồng; VEC đã hoàn trả ADB số tiền trên vào tài khoản của ADB ngày 28/4/2022. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, các giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư cho các khối lượng thanh toán phát sinh từ năm 2018 - 2020 đều được NHPT (cơ quan kiểm soát chi) thực hiện kiểm soát chi vào tháng 8/2020 và tháng 9/2020 thuộc kế hoạch năm 2020. Trong khi cuối tháng 6/2022, VEC mới có công văn đề nghị rút vốn để thanh toán cho các khối lượng thanh toán nêu trên.
Liên quan vấn đề này, tháng 7/2022, Bộ Tài chính đã liên tiếp có 2 văn bản đề nghị VEC làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm các bên của việc thanh toán chậm trễ. Theo Bộ Tài chính, VEC căn cứ Điều 144 Luật Xây dựng 2014, Điều 19 Nghị định 37/2015/NĐCP và khoản 14.7 Hợp đồng BLLT/A6-VEC-20-011 để có ý kiến: "...việc VEC thanh toán các IPC còn lại cho nhà thầu gói thầu A6 là phù hợp quy định hợp đồng và pháp luật".
Tuy nhiên, theo Điều 144 Luật Xây dựng, việc thanh toán hợp đồng xây dựng phải phù hợp loại hợp đồng, giá hợp đồng và các điều kiện trong hợp đồng các bên đã ký kết, thỏa thuận phương thức, thời gian, hồ sơ và điều kiện thanh toán. Bên cạnh đó, theo giải trình, do VEC chậm thanh toán nên nhà thầu mới yêu cầu chấm dứt hợp đồng. Như vậy, việc thanh toán của VEC đã không phù hợp thời gian thanh toán theo thỏa thuận tại hợp đồng.
Bộ Tài chính cũng đề nghị VEC cung cấp văn bản liên quan việc thanh lý hợp đồng/biên bản thanh lý hợp đồng làm rõ quyền và nghĩa vụ của các bên sau khi chấm dứt hợp đồng; văn bản của cấp có thẩm quyền quyết định chấm dứt hợp đồng giữa VEC - nhà thầu, và ý kiến của nhà tài trợ ADB với việc thanh toán cho nhà thầu.
Được biết, gói thầu A6 là 1 trong 3 gói thầu thi công đoạn 3 phía Đông dự án (cả tuyến có 11 gói thầu). Theo Bộ GTVT, gói A6 hiện đã thi công đạt 33,93%; VEC đang thực hiện các thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công mới, dự kiến hoàn thành thi công trước 31/12/2023. Liên quan đề xuất rút vốn thanh toán cho hợp đồng xây lắp gói thầu A6 của VEC, Bộ Tài chính cho biết đang lấy ý kiến một số bộ, ngành khác trước khi trình báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 276 ra ngày 3/10/2022)