1. Trang chủ /
  2. THI HÀNH ÁN HÀNH CHÍNH: Vẫn gian nan bởi cơ chế “tự thi hành”

THI HÀNH ÁN HÀNH CHÍNH: Vẫn gian nan bởi cơ chế “tự thi hành”

thứ tư, 10/8/2022 13:57 GMT+07
(PLM) - Công tác theo dõi thi hành án hành chính (THAHC) thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các vụ án hành chính được thi hành đã góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự, tuy nhiên vẫn có một số địa phương, đơn vị tổ chức thi hành bản án hành chính còn chậm do còn nhiều hạn chế, vướng mắc trong công tác này.
Ảnh minh hoa Ảnh minh hoa

Phụ thuộc tính tự giác của người phải thi hành án

uan đến đất đai, thuế, môi trường... là lĩnh vực vốn phức tạp và nhiều bất cập về pháp lý. Đặc biệt, liên quan đến giao đất, đền bù, giải tỏa, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… thường qua nhiều giai đoạn, mất rất nhiều thời gian và hiện trạng việc sử dụng đất trên thực tế đã thay đổi qua nhiều chủ sử dụng. Do đó, việc trả lại quyền sử dụng đất hoặc cấp giấy chứng nhận cho người được thi hành án theo bản án hành chính gặp rất nhiều khó khăn; việc bồi thường giá trị quyền sử dụng đất cũng mất nhiều thời gian như khảo sát, thẩm định giá, lập phương án bồi thường.

ủa Tòa án đối với một số vụ án không nhận được sự đồng thuận cao; một số bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ, thiếu tính khả thi, đề nghị giải thích, sửa đổi, bổ sung dẫn đến vụ việc kéo dài; một số vụ việc không có sự hợp tác từ phía người được thi hành án cũng như tổ chức, cá nhân, có liên quan.

Trong các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, người phải thi hành án thường là cơ quan nhà nước, việc thi hành án chủ yếu phụ thuộc vào tính tự giác của các cơ quan này, việc áp dụng các chế tài theo quy định của Nghị định 71/2016/NĐ-CP đối với cơ quan, tổ chức chậm thi hành trên thực tế cũng chưa triệt để. Trường hợp bên phải thi hành án là UBND cấp huyện, UBND cấp tỉnh không tự nguyện THAHC mà Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) là Trưởng Ban Chỉ đạo THADS thì khó khăn cho công tác theo dõi THAHC của cơ quan THADS cùng cấp.

Công tác tập huấn nghiệp vụ THAHC về trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực này chưa thật cụ thể, chưa được thường xuyên, liên tục; chưa được tập huấn chuyên sâu về công tác THAHC mà thường lồng ghép vào tập huấn nghiệp vụ THADS.

Thiếu chế tài đủ mạnh

Những khó khăn, vướng mắc nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó khách quan phải kể đến do quy định của Luật Tố tụng Hành chính năm 2015 về THAHC và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP quy định chưa rõ ràng về đối tượng bị áp dụng, quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án chưa được rõ ràng. Thẩm quyền của Viện kiểm sát và cơ quan THADS về quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính còn hạn chế.

THAHC hiện nay vẫn là cơ chế “tự thi hành” của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước là bên phải thi hành án. Pháp luật về THAHC vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, nhất là thiếu cơ chế đủ mạnh và khả thi để buộc người phải thi hành án thực hiện nghiêm phán quyết của Tòa án; Chế tài xử lý đối với người phải thi hành án còn chưa đồng bộ, khó khăn trong thực thi thực tế. Trường hợp người phải thi hành án là cơ quan nhà nước không đồng tình với bản án, quyết định của Tòa án thì quá trình THAHC thường gặp khó khăn, người dân bức xúc tiếp tục khiếu kiện kéo dài.

Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan là do việc kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm của cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án đôi lúc chưa kịp thời, sâu sát. Nhận thức về vai trò, trách nhiệm trong công tác THAHC của người đứng đầu tại một số địa phương chưa cao nên còn biểu hiện chưa tự giác nghiêm chỉnh chấp hành bản án, quyết định của Tòa án.

Trách nhiệm của cơ quan THADS đối với các bản án, quyết định của Tòa án về THAHC chủ yếu là theo dõi THAHC nên chưa được chấp hành viên quan tâm thực hiện. Một số chấp hành viên cơ quan THADS tác nghiệp ngại va chạm, chưa nắm chắc trình tự, thủ tục theo dõi THAHC, nhất là về thời điểm phát sinh trách nhiệm theo dõi THAHC.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước với Cơ quan THADS, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân trong công tác THAHC còn chưa chặt chẽ, nhịp nhàng và cơ chế thông tin, trao đổi giữa các cơ quan có liên quan có lúc chưa thật sự đồng bộ, nhịp nhàng.

Để có thể khắc phục những tồn tại nêu trên, các cơ quan THADS cần chỉ đạo chấp hành viên, cán bộ THADS trong toàn tỉnh nghiên cứu sâu các quy định Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Tố tụng Hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành và đưa vào áp dụng, đảm bảo tổ chức thi hành kịp thời, liên tục, thống nhất, đúng quy định pháp luật.

Cùng với đó, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS cần mở thêm các lớp tập huấn về nghiệp vụ THAHC. Các cơ quan Tư pháp Trung ương cần có hướng dẫn, thống nhất cụ thể Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành bản án quyết định của Tòa án về vụ án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án, đảm bảo việc THAHC được thi hành đúng pháp luật.

(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 222 ra ngày 10/8/2022)