Thi tốt nghiệp THPT trên máy tính có phù hợp cho học sinh trong quá trình học và thi cử?
Theo dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra, giai đoạn 2025 - 2030 sẽ vẫn thi trên giấy, đồng thời tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin nhằm từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện. Có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính.
Giai đoạn sau năm 2030, phấn đấu để tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện tổ chức thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.
Về vấn đề này, chia sẻ với báo chí mới đây, thầy Vũ Khắc Ngọc - giáo viên môn Hóa học tại tại Hệ thống giáo dục HOCMAI băn khoăn, kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra cùng một lần trên cả nước nhưng có địa phương thi trên máy tính và một số địa phương thi trên giấy thì tính công bằng sẽ như thế nào. Hơn nữa, kết quả của thí sinh thi trên giấy và thi trên máy tính sẽ công bố cùng lúc hay thí sinh thi trên máy tính sẽ được biết kết quả trước?
Theo thầy Ngọc, việc thi tốt nghiệp THPT trên máy tính có thể thực hiện liên kết linh hoạt giữa các địa phương, hỗ trợ nhau về hạ tầng sẽ đồng bộ hơn.
Còn theo TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, tiến tới phương thức tổ chức thi trên máy tính là phù hợp, thuận lợi cho học sinh trong quá trình học và thi cử. Khi thi các môn trắc nghiệm trên máy, sẽ được trả kết quả nhanh và chính xác. Vấn đề ở chỗ, các địa phương sẽ phải chuẩn bị nguồn lực, máy móc đủ nhiều, đáp ứng nhu cầu của thí sinh dự thi ra sao.
TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, đối với những địa phương thuận lợi về điều kiện, kỹ thuật thì có thể triển khai trước, còn nơi nào khó khăn có thể thí điểm theo từng huyện, thị xã. Học sinh ở những trường khó khăn sẽ phải di chuyển đến nơi thuận lợi để dự thi.
Cũng đồng quan điểm, thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng cho biết, lộ trình như dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD&ĐT đưa ra mới đây là phù hợp. Theo xu thế, việc số hóa hay thi trên máy tính là điều không thể tránh khỏi. "Các kỳ thi đánh giá năng lực và đánh giá tư duy đã thực hiện, chúng ta có thể rút ra điểm hay/dở của kỳ thi này để áp dụng rộng rãi hơn".
Theo thầy Bình, điều quan trọng của việc số hóa trong kỳ thi là con người sẽ dễ dàng can thiệp bên ngoài vào nên ngay từ bây giờ, Bộ GD&ĐT cần chuẩn bị bài bản, khoa học, chính xác để đảm bảo tính minh bạch của kỳ thi đó.
ThS. Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng ủng hộ việc thi tốt nghiệp THPT trên máy tính.
Theo ThS. Phạm Thái Sơn, địa phương nào có điều kiện thì thi tốt nghiệp trên máy tính trước, địa phương nào chưa có điều kiện thì thực hiện sau. Tuy nhiên, đến năm 2030, nội dung này nên được bắt buộc cho tất cả thì các tỉnh mới tập trung đầu tư thiết bị, phần mềm để tổ chức thi.
"Khi tổ chức thi, việc xây dựng ngân hàng đề thi phải phong phú, có tính mở, thời sự và chính xác. Định kỳ hằng năm, Bộ GD&ĐT nên rà soát xét lại ngân hàng đề thi, tìm kiếm những chuyên gia, những giáo viên giỏi để đánh giá đề thi và đưa vào ngân hàng đề, từ đó có bộ đề thi chất lượng", ThS. Phạm Thái Sơn cho biết.