Thị Trường xăng dầu: Doanh nghiệp bán lẻ “than khó”
Đối mặt khó khăn
Bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Công ty (Cty) TNHH MTV Xăng dầu Chiến Thắng Yên Bái cho biết, Cty của bà đang đối mặt rất nhiều khó khăn do mức chiết khấu xăng dầu hiện nay thấp. 6 năm trước, mức chiết khấu khoảng 600 đồng/lít, doanh nghiệp mới đủ chi phí vận hành. Hiện nay, Chiến Thắng có 5 cửa hàng và 10 đại lý, hàng hóa chiết khấu bằng 0 đồng/lít giao tại kho Đức Giang (Hà Nội), vận chuyển từ Đức Giang đến Yên Bái chi phí khoảng 450 đồng/lít.
Trong khi đó, các đại lý của Cty cách thành phố Yên Bái khoảng 100 - 120km, lại chủ yếu là đường đất, vùng sâu, vùng xa, thậm chí lũ lụt sạt lở nên việc vận chuyển đi lại khó khăn hơn nhiều. Ông Nguyễn Đức Hạnh, Giám đốc Cty Cổ phần Dầu khí Sơn Hải cũng cho biết, từ tháng 7/2022 đến nay, chiết khấu từ các đầu mối nhập khẩu cho thương nhân phân phối xăng dầu và doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu rất thấp, có những thời điểm chiết khấu bằng 0 hoặc từ 50 - 100 đồng/lít tại kho đầu nguồn.
Với chiết khấu như vậy, thương nhân càng bán càng lỗ, chi phí không đủ bù đắp cho chi phí kinh doanh cố định, lỗ chồng lỗ. Nhưng doanh nghiệp muốn đóng cửa ngừng kinh doanh cũng không được do không được phép đóng cửa. Ông Hạnh phân tích, chi phí tối thiểu cho 1 lít xăng dầu từ cảng đầu nguồn cho đến khâu bán lẻ mất khoảng 375 đồng/lít, chi phí tiền lương bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn cho người lao động tại cửa hàng tối thiểu là 300 - 350 đồng/lít.
Cùng với đó là chi phí hao hụt tồn, chứa, nhập, xuất khoảng trên 100 đồng/lít xăng và 46 đồng/lít dầu… cùng với rất nhiều chi phí khác. Giá thành thực tế phải chi phí cho 1 lít xăng từ khâu vận chuyển, kho đầu nguồn đến bán lẻ vào khoảng 1.200 - 1.341 đồng/lít, với dầu là 1.130 - 1.254 đồng/lít. Do đó, theo ông Hạnh, các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát chặt chẽ giá thành đầu vào của các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí thực tế cho các đầu mối nhập khẩu.
Ông Hạnh kiến nghị: “Nhà nước cần có quy định yêu cầu các đầu mối nhập khẩu cho các tổng đại lý, đại lý, chiết khấu hoa hồng mức tối thiểu để đảm bảo đủ chi phí trong kinh doanh”.
Bà Lê Thị Nhã, Doanh nghiệp tư nhân Văn Phúc (Thường Tín, Hà Nội) lại cho biết, mặc dù thời gian gần đây xăng dầu xuống giá nhưng hoa hồng chiết khấu gần như vẫn bằng 0 nên đơn vị cũng chỉ nhập đủ bán. “Tôi chỉ mong các ban ngành nghĩ đến các doanh nghiệp nhỏ, làm sao để khi chúng tôi vẫn bán hàng đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng nhưng cũng có đủ nguồn thu để trả tiền lương cho nhân công, tiền điện, chi phí khác… Chưa kể chúng tôi phải vay tiền để đầu tư, kinh doanh, buôn bán” - bà Nhã kiến nghị.
Cung ứng xăng dầu nhỏ giọt
Không chỉ chuyện chiết khấu hoa hồng, chuyện thiếu xăng dầu để cung ứng cũng khiến cho nhiều cửa hàng bán lẻ lo lắng. Bà Nguyễn Thị Sinh cho biết, từ khoảng tháng 8/2022 đến nay, tình trạng khan hiếm, đứt hàng xảy ra liên tục, không có hàng để cấp. Thời gian trước, doanh nghiệp đầu mối cấp xăng dầu cho Cty theo sản lượng bình quân của 3 tháng trước đó, song hiện nay khi nào có hàng mới cấp.
Thời điểm cấp hàng nhiều là khoảng 27m3/ngày, trong khi khu cầu thực tế của 5 cửa hàng và 10 đại lý của Cty gấp khoảng 2,5 lần con số đó. Điều này dẫn tới tình trạng khi doanh nghiệp nhập xăng dầu về không biết phân chia sản lượng thế nào cho các cửa hàng, đại lý trong hệ thống. “Nếu lấy hàng tại nơi khác, doanh nghiệp gặp khó khăn vì kho xa thì chi phí cao, thời gian dài khoảng 2 - 3 ngày sẽ dẫn tới đứt nguồn cung. Trong trường hợp đứt nguồn cung, không có xăng dầu bán, doanh nghiệp lại chịu áp lực kép khi lực lượng quản lý thị trường, Sở Công Thương xuống kiểm tra” - bà Sinh nói.
Bà Lê Thị Nhã, Doanh nghiệp tư nhân Văn Phúc (Thường Tín, Hà Nội) chia sẻ, thời gian gần đây, sản lượng bán ra của doanh nghiệp rất thất thường. Có thời điểm vừa nhập xe hàng xong thì khách hàng “kéo đến ùn ùn như Tết” vì nhiều cửa hàng khác đóng cửa. “Chúng tôi vẫn phục vụ nhu cầu của khách hàng, bán hết đến giọt xăng dầu cuối cùng nhưng nhiều cửa hàng vì chiết khấu hoa hồng thấp nên không nhiệt tình bán hàng, luôn mở cửa muộn và đóng cửa sớm gây nên sự bất bình đẳng giữa các cửa hàng với nhau” - bà Nhã nói.
Ngoài ra, theo bà Nhã, Nghị định 83 quy định mỗi cây xăng chỉ được mua xăng từ một nguồn để dễ quy trách nhiệm trong khâu phân phối là không có sức thuyết phục. Quy định này thực chất là có vấn đề, bởi việc độc quyền đầu vào cũng làm cho bên đầu mối luôn chèn ép đại lý về giá và điều kiện giao hàng. Do đó, bà Nhã kiến nghị bỏ quy định cửa hàng bán lẻ chỉ được lấy hàng từ một đầu mối.
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 265 ra ngày 22/9/2022)