Thiên tai và trách nhiệm của chúng ta
Kết quả cho thấy, có 63 điểm cần phải được gia cố và cảnh báo trên các quốc lộ 20 đi từ Đà Lạt xuống TP HCM và quốc lộ 55 đi Bình Thuận. Đây là những cung đường có lượng xe lưu thông liên tỉnh lớn trong ngày nhưng lại có nhiều đoạn nguy cơ sạt lở cao. Điều đó cảnh báo tới những nguy hiểm rình rập trên các hành trình di chuyển của nhiều hành khách và sự lo lắng của người dân khi đi lại trong vùng.
Các hiện tượng sạt lở đường, vách núi hay lũ quét đều gắn với hiện tượng mưa lớn nhiều ngày. Khi nước tích tụ quá lớn gây ra sạt lở hoặc lũ và gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tải sản.
Tại sao từ nhiều năm nay ở nước ta, từ Tây Bắc cho đến miền Trung, Tây Nguyên và cả những nơi không hẳn núi cao lại thường xuyên xảy ra hiện tượng sạt lở và lũ quét? Từ hiện trạng này người ta thấy một tỷ lệ thuận với việc thu hẹp các diện tích rừng tự nhiên với lũ lụt và sạt lở. Khi rừng tự nhiên càng bị thu hẹp thì hiện tượng này sẽ tăng lên. Bởi lẽ rừng tự nhiên chính là một thảm thực vật khổng lồ có thể giữ lại lượng nước vô cùng lớn sau những đợt mưa to kéo dài, làm cho nước không bị dồn tụ, chảy đột ngột xuống các vùng thấp để hình thành ra lũ lụt và sạt lở. Khi rừng bị thu hẹp hoặc biến mất, hệ thống giữ nước không còn, tạo ra những thiên tai đáng tiếc. Rừng tự nhiên chính là hệ thống phòng hộ tốt nhất của con người trước hiện tượng lũ quét, sạt lở và ngập lụt.
Nghĩ về rừng mới thấy một hiện trạng buồn. Nước ta cũng giống nhiều khu vực khác trên thế giới đang bị suy giảm diện tích rừng nghiêm trọng. Bình quân mỗi năm nước ta suy giảm khoảng 2.500ha rừng. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, cả nước phát hiện 2.653 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ rừng. Tây Nguyên là địa bàn có hiện tượng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật thường xuyên và có quy mô lớn trong cả nước.
Theo kế hoạch quốc gia đến 2025 Việt Nam trồng thêm 1 tỷ cây xanh để bảo vệ sinh thái và nhằm phát triển bền vững kinh tế xã hội. Đây là chiến lược tốt. Tuy nhiên nếu việc trồng cây không gắn với trồng rừng, tái sinh rừng và đặc biệt là bảo vệ rừng thì sẽ khó nói tới một kết quả khả quan trong việc hạn chế thiên tai, rủi ro từ mưa lũ do mất hệ thống rừng nguyên sinh và rừng phòng hộ.
Bởi vậy mới thấy, có những thiệt hại như ngập lụt ở Bắc Kinh, Trung Quốc hay sạt lở đất ở Lâm Đồng vừa qua, chúng ta không chỉ thấy đó là hệ quả của việc mưa nhiều ngày hay do biến đổi khí hậu tạo lên. Đằng sau chuỗi thảm họa đó, cần phải thấy rõ một trách nhiệm của mỗi quốc gia và của từng cá nhân trong việc giữ gìn hệ sinh thái môi trường trong đó có việc giữ rừng khỏi bị biến mất.
Rõ ràng, rừng không chỉ là lá phổi, là sinh kế, là cội nguồn văn hóa mà còn là lá chắn bảo vệ con người khỏi những hệ quả lâu dài của biến đổi khí hậu đang ngày một gia tăng.