1. Trang chủ /
  2. Thiết bị tiết kiệm điện có thể làm hỏng thiết bị điện tử trong gia đình?

Thiết bị tiết kiệm điện có thể làm hỏng thiết bị điện tử trong gia đình?

thứ năm, 8/6/2023 22:44 GMT+07
Rất nhiều thiết bị được quảng cáo có thể tiết kiệm hàng chục triệu đồng mỗi năm lại chỉ có giá vài trăm nghìn đồng. Theo chuyên gia, thiết bị này không tiết kiệm được điện mà còn làm hỏng đồ điện tử trong nhà.
Quảng cáo thiết bị tiết kiệm điện trên mạng xã hội. Quảng cáo thiết bị tiết kiệm điện trên mạng xã hội.

Thiết bị tiết kiệm điện chỉ là chiêu trò lừa đảo?

Gần đây, trên các mạng xã hội hay sàn thương mại điện tử xuất hiện nhiều bài đăng quảng cáo bán thiết bị tiết kiệm điện, cam kết giảm đến 40% tiền điện mỗi tháng, hoàn tiền 100% nếu không sử dụng. Thậm chí, ngoài việc tiết kiệm điện tiêu thụ, một số thiết bị còn có thể chống sét lan truyền, giúp đảm bảo an toàn cho hệ thống điện của cả gia đình.

Theo đó, chỉ cần cắm vào bất cứ ổ điện nào còn trống trong gia đình, ưu tiên cắm gần các thiết bị sử dụng có công suất lớn và hoạt động liên tục như điều hòa, tủ lạnh. Khi đó các thiết bị điện khi hoạt động sản phẩm tiết kiệm điện sẽ tối ưu hóa toàn bộ công suất của thiết bị điện đó. Nguyên lý tiết kiệm điện của thiết bị này dựa theo nguyên lý lọc sóng hài, thiết bị tiêu thụ điện cũ sẽ hao phí điện nhiều hơn, sản phẩm này giúp lọc sóng hài giảm hao tổn điện năng.

Tin vào lời quảng cáo: "Chỉ với chi phí 499.000 đồng một lần duy nhất - bạn tiết kiệm được 43% điện tiêu thụ hàng tháng và tiết kiệm được 5 - 20 triệu đồng cho năm đầu tiên của hộ gia đình", anh Trần Tuấn Anh (Cầu Giấy- Hà Nội) đã mua một thiết bị tiết kiệm điện về dùng. Theo hướng dẫn sử dụng, chỉ cần cắm thiết bị vào nguồn điện là tự động có thể tiết kiệm điện, nhưng kết quả lại khiến anh thất vọng. Lượng điện tiêu thụ của gia đình anh vẫn tăng đều. "Tháng đầu tưởng là tiết kiệm điện, tháng sau thậm chí tiền điện còn tăng lên. Tôi gọi điện thoại hỏi nơi bán họ vẫn khăng khăng khẳng định rằng thiết bị của họ có thể tiết kiệm điện".

TS Trần Văn Thịnh, nguyên Trưởng Bộ môn Thiết bị điện, ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết,về mặt kỹ thuật, tất cả các thiết bị điện khi cắm vào nguồn điện và hoạt động đều tiêu thụ một lượng điện năng nhất định. Các thiết bị đấu vào mạch điện phía sau công tơ chỉ có thể cải thiện một phần hệ số công suất của thiết bị điện, làm giảm tổn thất điện năng của dây dẫn và giảm một phần hao phí. Tuy nhiên, không thể có thiết bị nào đấu nối sau công tơ làm giảm tới 30-40% lượng điện năng tiêu thụ như quảng cáo. Có thể nói đây chỉ là chiêu trò lừa đảo khách hàng, lợi dụng tâm lý muốn tiết kiệm chi tiêu của người tiêu dùng.

Những thiết bị trôi nổi được quảng cáo này có thể làm hỏng thiết bị điện trong gia đình do làm cho dòng điện không ổn định. Trường hợp nếu có loại thiết bị có tác dụng can thiệp trực tiếp vào hoạt động công tơ điện làm cho công tơ điện chạy chậm lại, thì cũng có nghĩa là người sử dụng thiết bị này đang thực hiện hành vi ăn cắp điện, như vậy đã vi phạm quy định sử dụng điện và sẽ bị truy thu tiền điện, thậm chí có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

"Các thiết bị này sử dụng các tụ bù (loại tụ này dễ bị phồng rộp, chập mạch gây cháy nổ), ngoài ra có nhiều thiết bị chỉ là một bo mạch gồm các điện trở và tụ bù lắp lại với nhau với mục đích làm sáng đèn led khi chúng ta cắm vào nguồn điện. Do đó, không những không làm giảm điện năng tiêu thụ mà các thiết bị này còn tốn thêm tiền điện và tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ" - TS Thịnh cho hay.

Đừng mất tiền oan

TS Nguyễn Bách Phúc, Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học TP HCM (EEI) cho biết, trong khoa học, không thể có chuyện chỉ cần gắn một cục gọi là thiết bị tiết kiệm điện vào một ổ cắm trong nhà mà lại có tác dụng tiết kiệm điện cho các thiết bị tiêu thụ điện khác. Sóng hài là một dạng nhiễu không mong muốn, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng lưới điện và cần được chú ý tới khi tổng các dòng điện hài cao hơn mức độ giới hạn cho phép. Sóng hài có thể làm cho cáp bị quá nhiệt, phá hỏng cách điện. Do đó, thiết bị siêu tiết kiệm điện rất có thể cũng sẽ gây hại cho hệ thống điện.

"Chỉ cần quan sát cấu tạo là có thể khẳng định đây chỉ là một bộ lọc tích cực có tác dụng loại bỏ sóng hài do các thiết bị điện tử như máy tính, thiết bị di động, làm cho điện áp nguồn bị méo, không còn hình sin nữa. Đối với những thiết bị này thì có thể tiết kiệm được điện ở một mức cực kỳ nhỏ nào đó, nhưng đây cũng là những thiết bị có công suất rất nhỏ nên so với cả hệ thống điện trong nhà thì nó gần như không có tác dụng gì. Điện áp trong nhà vẫn luôn là hình sin, sản phẩm này không thể làm thay đổi được toàn bộ điện áp trong gia đình. Tốt nhất là không nên mất tiền oan để mua loại thiết bị này, vừa không tiết kiệm điện, vừa có nguy cơ hỏng hệ thống điện", TS Nguyễn Bách Phúc cho biết

Những thiết bị trôi nổi được quảng cáo này có thể làm hỏng thiết bị điện trong gia đình do làm cho dòng điện không ổn định. Khả năng tiết kiệm điện của thiết bị là không có cơ sở khoa học. Trường hợp nếu có loại thiết bị có tác dụng can thiệp trực tiếp vào hoạt động công tơ điện làm cho công tơ điện chạy chậm lại, thì cũng có nghĩa là người sử dụng thiết bị này đang thực hiện hành vi ăn cắp điện, như vậy đã vi phạm quy định sử dụng điện và sẽ bị truy thu tiền điện, thậm chí có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Để tiết kiệm điện, các chuyên gia khuyên nên tắt các thiết bị điện không được sử dụng đến, rút phích cắm ngay cả khi không sử dụng thiết bị điện. Vệ sinh thường xuyên các thiết bị điện tử đang sử dụng trong nhà, đặc biệt là quạt, điều hòa. Một trong những cách tiết kiệm điện trong ngôi nhà nhỏ của bạn chính là sử dụng đèn chiếu sáng huỳnh quang (CFL) hoặc bóng đèn LED thay cho các thiết bị đèn thông thường.

Mở rộng cửa sổ để sử dụng ánh sáng tự nhiên cũng là một cách tiết kiệm điện. Buổi sáng nhân lúc mặt trời còn chưa gay gắt bạn có thể mở cửa sổ, kéo rèm để tận dụng nguồn năng lượng từ bên ngoài vừa sáng lại vừa thông thoáng căn nhà.