Thiếu thuốc, vật tư y tế do bất cập trong đấu thầu
“Cơn bão” thiếu thuốc, vật tư y tế
Tại buổi làm việc, nêu ra những khó khăn, vướng mắc với Đoàn kiểm tra số 1, PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc BV Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, BV Tai Mũi Họng Trung ương là cơ sở y tế tuyến cuối, giai đoạn cao điểm mùa hè, BV dùng tối đa công suất giường bệnh (gồm 350 giường nội trú, 10 phòng mổ). Mỗi ngày nơi đây có tới 80-90 ca mổ. Tuy nhiên, “cơn bão” thiếu vật tư, thuốc, trang thiết bị đã khiến BV trên phải chuyển bệnh nhân sang các nơi khác để thực hiện dịch vụ kỹ thuật như chụp CT, MRI, giải phẫu bệnh...
Vật tư tiêu hao, trang thiết bị thiếu cung ứng khiến một số máy không hoạt động được. Số lượng máy hoạt động được rất ít ảnh hưởng tới các cuộc phẫu thuật. Thiếu vật tư ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn điều trị và chất lượng dịch vụ, sự hài lòng người bệnh, nhân viên y tế.
“Đã có tình trạng bệnh nhân xin ra viện hoặc chuyển đến BV khác để điều trị; cùng đó BV phải áp dụng kỹ thuật, phương pháp cũ để điều trị cho người bệnh... Điều này làm ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn, chất lượng dịch vụ cũng như sự hài lòng của người bệnh đối với BV và chính nhân viên y tế cũng cảm thấy áp lực”, PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh nêu thực trạng.
Báo cáo với đoàn kiểm tra của Bộ Y tế, ông Cảnh cho hay việc sử dụng một số thiết bị chẩn đoán hình ảnh cũng gặp khó khăn do trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng. Các thiết bị này chỉ có một nhà phân phối tại khu vực phía Bắc, không cung cấp được hợp đồng, không có đủ báo giá để lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu...
Còn tại BV Bạch Mai tình trạng thiếu thuốc, vật tư, hoá chất cũng không ngoại lệ. Viện này thiếu thuốc thiết yếu dùng trong điều trị tim mạch, kháng sinh, giải độc và hoá chất điều trị ung thư... PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc BV cho biết, số bệnh nhân tăng gấp 5 lần rất đột biến gây ra quá tải BV và đã xảy ra tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư, hóa chất. Mỗi ngày, BV tiếp nhận 6.500-8.000 lượt bệnh nhân đến thăm khám, khoảng 10% trong số đó phải nhập viện. Số bệnh nhân điều trị nội trú khoảng 4.000 người. Chỉ 6 tháng đầu năm, BV đã thực hiện gần 250.000 ca thủ thuật; trên 8.900 ca phẫu thuật; chưa kể các kỹ thuật cao được triển khai, trong đó có ghép tạng...
Nguyên nhân do đâu, giải pháp thế nào?
Dù thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế nhưng khi đấu thầu thầu thuốc, hai BV này đều có nhiều gói thầu bị "trượt". Lý giải về việc trượt thầu, "thiếu thuốc" mà không mua được, đại diện hai BV đề cho biết, do giá dự thầu cao hơn giá kế hoạch dẫn đến tình trạng trượt thầu.
Hiện nay, BV Tai Mũi Họng Trung ương có 262 danh mục gồm hóa chất, vật tư không chọn được nhà thầu. BV Bạch Mai cho thấy, 18 công ty trúng thầu thuốc, vật tư chưa cung ứng đủ theo đơn đặt hàng của BV. Trong đó, một số thuốc thiết yếu thiếu ceftriaxone, cefazolin, amikacin, vancomycin, clindamycin… Đặc biệt, một số gói thầu hóa chất, vật tư y tế dùng trong tiêu hóa và can thiệp tim mạch trượt thầu với tỷ lệ từ 23% đến 70%. Điều này đã gây ảnh hưởng tới công tác khám chữa bệnh của BV.
Theo đại diện BV Bạch Mai, một trong những nguyên nhân thiếu trang thiết bị, vật tư, hóa chất... mà BV chỉ ra là do dịch COVID-19 kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng thuốc của doanh nghiệp. Nhiều mặt hàng không có nhà thầu tham dự do không có hàng, giá tăng cao không có lợi nhuận, không đạt kỹ thuật. Năm 2022 có tới 77/1.690 khoản thuốc nhà thầu không cung ứng đủ theo đơn đặt hàng, đã ảnh hưởng đến lượng thuốc dự trữ của BV trong thời gian chờ kết quả thầu.
Đại diện BV Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, lý do không lựa chọn nhà thầu do không có nhà thầu tham dự (36 danh mục gồm thuốc nhuộm, Javel, dung dịch rửa máy...); 66 danh mục (như phim X-quang; tay dao Plasma, lưỡi cắt Hummer, các loại mũi khoan...) không vượt qua vòng đánh giá về năng lực và kinh nghiệm; 20 danh mục không vượt qua vòng đánh giá về kỹ thuật; 140 danh mục giá dự thầu cao hơn giá kế hoạch...
Do đó, tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra, đại diện các BV đề xuất, đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn duy trì hiệu lực giấy phép lưu hành, đơn hàng nhập khẩu thuốc hiếm, thuốc độc, thuốc hướng tâm thần. Bổ sung hướng dẫn xử lý tình huống thay thế thuốc, mua sắm thuốc khi nhà thầu không cung ứng đủ thuốc. Đồng thời triển khai đấu thầu tập trung và cấp số đăng ký trang thiết bị y tế.
Đại diện các BV cũng kiến nghị với một số thuốc biệt dược gốc nên thực hiện đàm phán giá, một số mặt hàng trang thiết bị y tế và vật tư nên tổ chức đấu thầu tập trung cấp quốc gia; xây dựng các cấu hình, thông số để tránh rơi vào bẫy chỉ định thầu.
PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh kiến nghị tổ chức đấu thầu tập trung quốc gia tất cả các danh mục thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Đồng quan điểm, đại diện BV Bạch Mai kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế có chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh triển khai đấu thầu tập trung cấp quốc gia và cấp địa phương, giảm bớt danh mục đấu thầu tại các cơ sở y tế.
Đấu thầu tập trung sẽ tăng tính cạnh tranh, thường có giá trúng thầu thấp hơn đấu thầu tại từng cơ sở y tế. Bên cạnh có giá thống nhất trên toàn địa bàn, đấu thầu tập trung còn giảm được nhân lực, thời gian, chi phí tổ chức đấu thầu ở tất cả các BV, đồng thời cán bộ tham gia đấu thầu tập trung có tính chuyên nghiệp cao hơn, ít sai sót, xử lý tình huống chính xác hơn đấu thầu tại BV...
Về các giải pháp trước mắt là cơ quan quản lý cần nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung, hướng dẫn và xây dựng giá kế hoạch để đảm bảo cho các cơ sở y tế có thể mua sắm được; đồng thời hoàn thiện hệ thống văn bản, quy trình và sớm ban hành các văn bản về đấu thầu để các BV có cơ sở thực hiện; có văn bản hướng dẫn việc mua sắm các trang thiết bị chỉ có duy nhất 1 nhà cung cấp và làm dịch vụ sau bán hàng như bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa…
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 230 ra ngày 18/8/2022)