Thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện: Khẩn trương khắc phục
Khan hiếm thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế
TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, các thuốc giải độc có vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị cho bệnh nhân ngộ độc, cải thiện đáng kể tỷ lệ tử vong. Khi những thuốc đặc hiệu bị thiếu, các bác sĩ phải sử dụng tất cả biện pháp có thể để cứu chữa cho bệnh nhân, nhưng hiệu quả rất hạn chế.
Trong khi đó, TS Phạm Thanh Hà - Phó Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương Hà Nội cho biết, bệnh viện này cũng đang có khả năng hết thuốc tê phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh trong những tuần sắp tới. “Hiện nay, do một số loại thuốc tê đã hết, Bệnh viện phải thay thế bằng loại thuốc tê khác tính năng tương tự nhưng cũng rất khó” - ông Hà cho biết.
Tình trạng nói trên không phải là hi hữu, được biết, bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện K mòn mỏi chờ thuốc đặc trị, bệnh nhân mổ thủy tinh thể tại Bệnh viện Mắt trung ương phải chờ từ 3-6 tháng mới có thủy tinh thể để thay…
Viện Pasteur TPHCM cho biết, công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết của khu vực đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó thiếu kinh phí, hóa chất, thiết bị và thuốc là phổ biến. Cụ thể, hóa chất, máy phun diệt muỗi, loăng quăng dự kiến không đủ cho khu vực phía Nam trong thời gian tới. Hầu hết, việc mua sắm hóa chất cho năm nay của các tỉnh đang còn nằm trên giấy, nếu dùng hết số hóa chất cũ thì sẽ khó khăn trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, các sinh phẩm xét nghiệm chẩn đoán bệnh cũng thiếu. Nhiều bệnh viện thiếu dịch truyền cao phân tử (tức dịch truyền) để điều trị bệnh nhân nặng do khó mua sắm.
Không chỉ có các loại thuốc trên bị thiếu mà theo phản ánh của nhiều bệnh viện, tình trạng thiếu thuốc khám chữa bệnh, thiết bị y tế trở nên trầm trọng thời gian qua.
Khúc mắc ở quy định mua sắm, đấu thầu
Lý giải về nguyên nhân của tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, có tình trạng này là do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả khách quan và chủ quan. “Sau dịch Covid-19, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân tăng vọt (nhiều đơn vị thống kê so với cùng kỳ tăng từ 40-60%) khiến dự trù về thuốc, vật tư y tế không sát, vượt nhu cầu so với thực tế. Bên cạnh đó, dịch bệnh diễn ra trên toàn cầu đã khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Ngoài ra, đâu đó có tâm lý e dè của một số đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu đơn vị. Một nguyên nhân khác là do một số đơn vị của Bộ Y tế vừa qua quá tập trung vào công tác phòng, chống dịch, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia ít người mà việc thì nhiều” - ông Thuấn cho biết.
Cũng theo ông Thuấn, Luật Đấu thầu hiện tại có nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, Luật có quy định việc mua sắm, đấu thầu trong trường hợp đặc biệt, cấp bách nhưng chưa quy định cụ thể. Bên cạnh đó, Luật chưa có quy định việc mua sắm thông qua các tổ chức quốc tế với thuốc, vaccine, trang thiết bị, vật tư y tế; Trong lĩnh vực y tế, các gói thầu có quy mô nhỏ như xử lý nước thải y tế, nguy hại, mua thuốc vật chất, vật tư y tế… không thể xác định trước được số lượng do hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình thực tế, số bệnh nhân đến khám. Chính vì vậy không thể áp dụng hợp đồng trọn gói.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng nhấn mạnh, hệ thống văn bản hướng dẫn về mua sắm thường xuyên chưa được ban hành đầy đủ. Các khái niệm theo Luật Ngân sách, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công và Luật Đấu thầu chưa thống nhất như dự toán chi, dự toán mua sắm, thẩm quyền... Điều này dẫn tới việc áp dụng, vận dụng gặp nhiều khó khăn…
Bên cạnh đó, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP về mặt lâu dài đấu thầu, đàm phán giá để lựa chọn đơn vị trúng thầu nên chỉ có 1 hoặc 1 số ít đơn vị trúng thầu cung cấp thuốc, vật tư trong thời gian từ 1-3 năm cho các cơ sở y tế. Từ nguyên nhân đó dẫn đến tình trạng chỉ có một số đơn vị trúng thầu cung ứng, các đơn vị không trúng thầu sẽ không nhập hoặc sản xuất nên có thể dẫn đến tính độc quyền, mất đi tính cạnh tranh…
Chỉ thị số 16 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ngày 20/9/2022 về nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững nêu rõ: Cần chủ động nghiên cứu, sửa đổi, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp, kết nối, công khai thông tin về đấu thầu; đẩy mạnh và quản lý chặt chẽ việc tổ chức mua sắm, đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, khoa học, hiệu quả, tránh lãng phí và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.
Đẩy nhanh tiến độ cấp phép lưu hành đối với thuốc, trang thiết bị y tế. Kịp thời hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền, tạo sự yên tâm cho cán bộ, công chức thực thi công vụ, tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh, không dám chịu trách nhiệm.
Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Chỉ thị số 16 về nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững. Chỉ thị nêu rõ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành trong chức năng, quyền hạn của mình tăng cường chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan, đặc biệt là các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và các tổ chức mua sắm tập trung thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện đầy đủ các chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về mua sắm, đấu thầu để bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân và chịu trách nhiệm theo thẩm quyền trước các quy định của Đảng, Nhà nước nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế.