Thời trang nhanh và câu chuyện hủy hoại thế giới
Thời trang nhanh hủy hoại thế giới.
Xu hướng thời trang nhanh
Ngành công nghiệp thời trang là một ngành công nghiệp toàn cầu với doanh thu lên đến 2,5 nghìn tỷ USD/năm, có quy mô rất lớn và tốc độ phát triển nhanh chóng. Trong suốt lịch sử loài người, thời trang luôn có sức ảnh hưởng nhất định đến từng giai đoạn và cho đến ngày nay thời trang còn trả lời cho câu hỏi họ là ai và họ làm gì thông qua những gì họ mặc.
Ngành công nghiệp này có tính đặc trưng bởi vòng đời sản phẩm ngắn, nhu cầu tiêu dùng thất thường, sản phẩm phong phú đa dạng và chuỗi cung ứng phức tạp. Đây cũng là nguyên nhân khiến thời trang góp phần hủy hoại thế giới và một trong những ví dụ điển hình là xu hướng thời trang nhanh.
Thời trang nhanh (fast fashion) hay còn được gọi là thời trang mì ăn liền là cụm từ được dùng để chỉ xu hướng thời trang được sản xuất với số lượng lớn liên tục và thay đổi không ngừng, nhằm chạy theo các mốt mới. Đây cũng là cụm từ được dùng để mô tả các quy trình cực kỳ nhanh và rẻ tiền được sử dụng trong ngành công nghiệp thời trang.
Mô hình này dựa trên xu hướng và sự phổ biến của chúng đối với người tiêu dùng. Thời trang nhanh trở nên phổ biến vì quần áo trở nên rẻ hơn, mẫu mới quanh năm. Người tiêu dùng ngày càng thích các phong cách mới nhất, từ đó kích thích sức mua, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Vì vậy, thời trang nhanh đang thách thức thời trang bền vững với các dòng sản phẩm được ra mắt theo mùa bởi các thương hiệu truyền thống nổi tiếng.
Tại Việt Nam, thời trang nhanh đang có chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng. Nhất là trong thời đại công nghệ 4.0, khi người trẻ dành nhiều thời gian để mua sắm quần áo giá rẻ trên các sàn thương mại điện tử. Những chiếc áo với giá chỉ 50 nghìn VND hay những chiếc quần chỉ từ 100 nghìn VND luôn thu hút hàng chục nghìn lượt mua trên mạng.
“Em thường hay mua quần áo trên Shopee hay Lazada. Đơn giản vì em thấy quần áo trên đó đẹp, đa dạng phong cách và quan trọng nhất là giá thành phù hợp với sinh viên chúng em. Chỉ cần khoảng 200 nghìn là em đã có một bộ đồ để mặc đi chơi rồi”, bạn M.Anh (20 tuổi, Yên Bái) chia sẻ. Và bởi vì giá quần áo rẻ, các công ty rất dễ dàng khuyến khích người tiêu dùng quay lại để mua quần áo mới với kiểu dáng mới nhất.
Nếu như trước đây mua sắm quần áo từng được coi là một sự kiện, người tiêu dùng sẽ tiết kiệm tối đa để mua quần áo mới vào những thời điểm nhất định trong năm. Thì giờ đây khi mua sắm trở thành một hình thức giải trí và quần áo trở nên rẻ hơn đồng nghĩa với việc quần áo sẽ được người tiêu dùng mua quanh năm suốt tháng. Tâm lý tiền ít – mua nhiều, nhu cầu chạy theo mốt nhanh chóng và để thỏa mãn những mong muốn tức thì đã hình thành xu hướng thời trang nhanh ở một bộ phận lớn người tiêu dùng ngày nay.
“Bãi rác quần áo của thế giới” tại sa mạc Atacama.
Từ tốc độ tới quá độ
Với giá cả phải chăng và sự hài lòng ngay lập tức cho người tiêu dùng, thời trang nhanh đã “lên ngôi” ở thế kỷ 21. Từ đó mang lại lợi nhuận khổng lồ cho ngành công nghiệp thời trang, trở thành thị trường có sức ảnh hưởng và giúp ngành công nghiệp này phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, tỉ lệ thuận với sự phát triển đó là những tác động xấu của thời trang đến xã hội và môi trường.
Đã từ lâu thời trang nhanh bị chỉ trích vì nó khuyến khích thái độ vứt bỏ quần áo của người tiêu dùng. Với những chiếc quần áo giá chỉ từ 100 ngàn VND đến tay người mua, để có lợi nhuận thứ đầu tiên các thương hiệu thời trang nhanh hy sinh chính là độ bền bỉ. Chỉ mới giặt vài lần đã nhăn, co rúm ró, phai màu, mất phom dáng hay đơn giản mới mặc một. hai lần đã lỗi mốt. Là lí do khiến người tiêu dùng nhanh chán, nhìn chỉ muốn vứt đi.
Vì giá rẻ nên vứt đi cũng chẳng tiếc và thời trang nhanh với giá siêu rẻ lại kích thích người tiêu dùng mua thêm những món đồ mới thay thế. Từ đó hình thành vòng lặp mua, vứt rồi lại mua. Thu lợi từ vòng lặp đó là lợi nhuận khổng lồ cho ngành thời trang mà thứ còn lại cho trái đất, cho con người lại là hàng đống quần áo bỏ đi.
Vậy vứt quần áo cũ đi đâu? Như nhiều gia đình ở Việt Nam sẽ dùng quần áo cũ để làm giẻ lau nhà nhưng so với chỗ quần áo bỏ đi thì cũng không nhằm nhò. Một giải pháp khác được nhiều người trên thế giới áp dụng là đem quần áo đi gửi từ thiện. Nghe thì rất hợp lý, mang đồ của người không cần đến cho người cần. Nhưng sự thật lại không phải như vậy…
Tại thủ đô Accra, Ghana – một nước Châu Phi, một phần của sa mạc Atacama, nơi có bãi rác khổng lồ, được mệnh danh là “bãi rác quần áo của thế giới”. Có đến 60% trong bãi rác này là quần áo. Mỗi tuần nơi đây nhận được 15 triệu chiếc quần áo cũ, trong đó có cả đồ từ thiện từ khắp nơi trên thế giới gửi về và 40% trong số đó có chất liệu quá tệ đến nỗi bị đem vứt ra bãi rác ngay lập tức.
Theo Cục Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (EPA), năm 2018, 11,3 triệu tấn hàng dệt may đã được đưa vào các bãi chôn lấp và 3,2 triệu tấn được đốt, thải ra một lượng lớn khí nhà kính. Bạn có biết, 1kg quần áo sẽ tương đương với 23kg khí nhà kính và ngành thời trang tiêu thụ một phần bốn chất hóa học toàn cầu.
Mỗi năm có đến khoảng 39 nghìn tấn quần áo bị thải bỏ được tập kết ở sa mạc này. Trong đó, ngoài quần áo từ thiện còn có quần áo bị vứt bỏ và quần áo lỗi, quần áo ế của các thương hiệu thời trang nhanh. Và để có thể phân hủy vải vóc hay quần áo thì cũng cần tới hàng trăm năm nên hầu hết quần áo sẽ ở lại đó vĩnh viễn.
Vậy là với giá trị thấp tương xứng với giá tiền, những bộ đồ của thời trang nhanh sẽ bị thải bỏ rất nhanh và đích đến cuối cùng của chúng là tập kết ở những “bãi rác quần áo” giống như này. Và cứ như vậy, hàng chục năm nữa liệu sẽ có bao nhiêu bãi rác như vậy rải rác khắp thế giới? Thật đáng lo ngại khi mà những bãi rác như tại sa mạc Atacama hoàn toàn có thể dẫn đến thảm họa cho sinh vật sống, gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước.
Nếu không vứt vào bãi rác, quần áo bỏ đi sẽ được chôn lấp và tiêu hủy bằng cách đốt. Vậy nhưng, polyester - loại sợi được sử dụng phổ biến nhất trong thời trang nhanh, được làm từ nhựa và không bao giờ bị phân hủy hoàn toàn. Thay vào đó, chúng hoạt động giống như các dạng nhựa khác (hạt vi nhựa), hiếm khi được tái chế, mất nhiều năm để phân hủy, gây hại tới nguồn nước và động vật hoang dã.
Bên cạnh đó còn là vấn đề về nước thải. Cần dùng đến 20 nghìn lít nước chỉ để sản xuất 1 kilogam (kg) sợi bông (cotton) tương đương với 1 cái áo phông và 1 chiếc quần bò. Theo một báo cáo năm 2019 của Liên Hợp quốc, sản lượng quần áo toàn cầu đã tăng gấp đôi từ năm 2000 đến năm 2014. Ngành công nghiệp này chịu trách nhiệm cho 20% tổng lượng nước thải trên toàn cầu.
Sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của thời trang nói chung và thời trang nhanh nói riêng đã tàn phá môi trường theo rất nhiều cách. Công nghiệp thời trang được xem là ngành gây ô nhiễm lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau ngành dầu mỏ. Nó chiếm 10% lượng khí thải carbon toàn cầu do năng lượng được sử dụng trong sản xuất, chế tạo và vận chuyển.
Không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, nạn nhân tiếp theo của thời trang nhanh còn là nhân quyền ở những nước đang phát triển và kém phát triển. Để giữ giá sản phẩm thấp cũng như nhu cầu lao động cao, nhiều thương hiệu thời trang nhanh đã cắt giảm chi phí sản phẩm. Bằng cách thuê nhân công rẻ ở các nước nghèo nhất thế giới.
Thuê nhân công giá rẻ ở các nước nghèo.
Hầu hết các công ty thời trang nhanh đều không quan tâm đến điều kiện lao động của nhân công nơi đây cũng như không minh bạch về chuỗi cung ứng của họ. Điều đó dẫn đến điều kiện làm việc tồi tệ, trả lương thấp và các hành vi lạm dụng, bóc lột khác.
Vào tháng 4/2013, toà nhà công xưởng Rana Plaza, Bangladesh chuyên gia công quần áo cho các hãng thời trang nhanh đã bị sập do xây vượt quá số tầng được cấp phép. Có đến 1.134 người bỏ mạng vì một vết nứt đã được nhận ra trước đó nhưng những công nhân vẫn bị ép trở lại làm việc nếu không sẽ không được trả lương. Dù đã xảy ra từ năm 2013 nhưng Rana Plaza vẫn là ví dụ kinh điển cho điều kiện sản xuất tồi tệ trong ngành công nghiệp thời trang nhanh.
Thời trang nhanh có thể sẽ giúp bạn chạy theo mốt nhanh nhất mà tiết kiệm ví tiền nhất. Nhưng xu hướng thời trang nhanh lại đang hủy hoại thế giới theo cách mà bạn không thể ngờ tới. Vì vậy để bảo vệ trái đất, hãy trở thành một người tiêu dùng thông thái bằng cách lựa chọn thời trang bền vững, ưu tiên chất lượng hơn số lượng.