1. Trang chủ /
  2. Thông tin sai lệch về động đất tại Nhật Bản lan truyền trên mạng xã hội

Thông tin sai lệch về động đất tại Nhật Bản lan truyền trên mạng xã hội

thứ tư, 3/1/2024 12:48 GMT+07
Một số bài đang đang được lan truyền trên các mạng xã hội cho rằng nguyên nhân của trận động đất là do sử dụng "vũ khí động đất," đồng thời mô tả sự kiện địa chấn là một "trận động đất nhân tạo."
Các tòa nhà cháy rụi do hỏa hoạn bùng phát sau động đất tại tỉnh Ishikawa, Nhật Bản, ngày 3/1/2024. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Các tòa nhà cháy rụi do hỏa hoạn bùng phát sau động đất tại tỉnh Ishikawa, Nhật Bản, ngày 3/1/2024. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Ngày 3/1, Chính phủ Nhật Bản kêu gọi công chúng thận trọng trước thông tin sai lệch liên quan đến trận động đất mạnh ở miền Trung Nhật Bản vào ngày đầu Năm mới.

Một số bài đang đang được lan truyền trên các nền tảng truyền thông xã hội cho rằng nguyên nhân của trận động đất có độ lớn 7,6 tại Bán đảo Noto và vùng lân cận trên bờ biển Nhật Bản ngày 1/1 là do sử dụng "vũ khí động đất," đồng thời mô tả sự kiện địa chấn là một "trận động đất nhân tạo."

Hãng tin Kyodo dẫn trường hợp một phụ nữ khoảng 40 tuổi yêu cầu dỡ một bài đăng về cô, trong đó công khai địa chỉ của cô tại khu vực bị thiên tai.

Trong khi đó, nhiều bài đăng khác đã chia sẻ các video đã được chỉnh sửa với mục đích mô tả sóng thần do trận động đất mới nhất gây ra nhưng sử dụng cảnh quay về trận động đất và sóng thần lớn vào tháng 3/2011 từng gây ra thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.

Thông tin sai lệch trong thảm họa có thể cản trở hoạt động cứu hộ, gây nguy hiểm đến tính mạng. Sau trận động đất ở Kumamoto, Tây Nam Nhật Bản vào năm 2016, một người đàn ông đã bị bắt vì tung tin đồn thất thiệt rằng một con sư tử đã trốn thoát khỏi vườn thú.

Ngày 2/1, Thủ tướng Fumio Kishida khẳng định việc lan truyền thông tin sai lệch là "không thể chấp nhận được." Bộ Truyền thông Nhật Bản đã kêu gọi người dân "đánh giá cẩn thận" xem các bài đăng trực tuyến có đúng hay không trước khi phổ biến chúng.

Trận động đất độ lớn 7,6 xảy ra ngày 1/1 cùng hơn 200 dư chấn tiếp đó đã gây thiệt hại lớn về cấu trúc đô thị tại tỉnh Ishikawa và nhiều khu vực lân cận. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã chính thức đặt tên cho loạt trận động đất mạnh này là "Trận động đất ở Bán đảo Noto năm 2024."

Các nỗ lực cứu hộ đang được khẩn trương tiến hành, song gặp không ít khó khăn do tình trạng đổ nát tại hiện trường, cũng như nhiều tuyến đường bị phong tỏa dẫn đến khó tiếp cận khu vực bị ảnh hưởng.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản dự kiến sử dụng trực thăng để vận chuyển hàng tiếp tế đến các khu vực bị cô lập.

ttxvn-dong-dat-ishikawa-2846.jpg
Một vết nứt lớn gây ra bởi động đất tại Wajima, tỉnh Ishikawa, Nhật Bản ngày 1/1/2024. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Thủ tướng Fumio Kishida chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa công tác cứu hộ

Hơn 40 giờ đồng hồ trôi qua kể từ thời điểm xảy ra trận động đất nghiêm trọng ở tỉnh Ishikawa, sáng 3/1, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã chỉ đạo tập trung mọi nguồn lực, đẩy nhanh hơn nữa công tác cứu hộ với ưu tiên cao nhất là bảo về tính mạng của người dân.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, phát biểu tại họp báo ở Trụ sở ứng phó thiên tai khẩn cấp, Thủ tướng Kishida nêu rõ chính phủ đã quyết định tăng gấp đôi số lượng nhân viên của Lực lượng Phòng vệ từ 1.000 người lên 2.000 người để đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cứu hộ.

Ông Kishida nhấn mạnh các lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian để triển khai cứu hộ, cứu nạn với ưu tiên cao nhất là đảm bảo tính mạng của người dân, bao gồm những người còn đang mắc kẹt trong đống đổ nát.

Đối với những gia đình buộc phải sơ tán ở các cơ sở tập trung, người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản cũng chỉ đạo các chính quyền địa phương nỗ lực hết sức để cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết và từng bước khôi phục các cơ sở hạ tầng quan trọng, nhất là giao thông.

Cũng trong sáng 3/1, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã thông báo kế hoạch điều động thêm 22 máy bay và 8 tàu tới khu vực xảy ra động đất để đánh giá thiệt hại và đẩy mạnh công tác cứu hộ, cứu nạn.

Tính đến sáng 3/1, Lực lượng phòng vệ trên không đã phối hợp với lực lượng cứu hộ tại chỗ giải cứu được 50 nạn nhân mắc kẹt, trong khi tàu khu trục Setogiri của Lực lượng phòng vệ trên biển cũng tham gia vận chuyển các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân tại khu vực xảy ra thảm họa do nhiều tuyến đường bộ và đường sắt vẫn bị phong tỏa.

Lực lượng phòng vệ mặt đất đồn trú tại thành phố Kanazawa, tỉnh Ishikawa cũng hỗ trợ việc cung cấp nước ở những cơ sở cứu nạn tập trung và tiếp nhận khoảng 1.000 người đến sơ tán tại các doanh trại của đơn vị.

Tính đến 11h00 ngày 3/1 (giờ địa phương), số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa động đất ở tỉnh Ishikawa là 64 người. Trong đó, có 31 người ở thành phố Wajima, 22 người ở thành phố Suzu, 5 người ở thành phố Nanao, 2 người ở thị trấn Anamizu, 2 người ở thị trấn Noto và 1 người ở thành phố Hakui và 1 người ở thị trấn Shika.

Số nạn nhân thiệt mạng có thể sẽ còn tăng do vẫn chưa xác nhận được thương vong trong các vụ sập nhà tại thành phố Wajima, thành phố Suzu và thị trấn Noto./.

Trận động đất xảy ra ngày đầu năm đã gây thiệt hại trên diện rộng xung quanh khu vực bán đảo Noto thuộc tỉnh Ishikawa của Nhật Bản. Tính đến đêm 2/1 đã có gần 60 người thiệt mạng.