1. Trang chủ /
  2. Thu hồi đất thực hiện dự án Bệnh viện Bắc Quảng Bình: Địa phương giải thích “đã thực hiện đúng luật”

Thu hồi đất thực hiện dự án Bệnh viện Bắc Quảng Bình: Địa phương giải thích “đã thực hiện đúng luật”

thứ ba, 9/5/2023 12:27 GMT+07
Mới đây, một số người dân ở Tổ dân phố Thọ Đơn, phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình bị thu hồi đất để thực hiện dự án BV đa khoa Bắc Quảng Bình (Cơ sở 2) cho rằng không được đền bù, hỗ trợ thỏa đáng.
Chủ tịch UBND phường Quảng Thọ (đứng) cùng ông Đinh Nguyên Lượng giải thích thông tin với người dân về dự án. (Hình chụp ngày 5/5) Chủ tịch UBND phường Quảng Thọ (đứng) cùng ông Đinh Nguyên Lượng giải thích thông tin với người dân về dự án. (Hình chụp ngày 5/5)

Giá đền bù “chưa thỏa đáng”?

Dự án trên do Sở Y tế tỉnh làm chủ đầu tư, mục đích xây mới BV quy mô 200 giường bệnh nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn phía Bắc tỉnh Quảng Bình và các khu vực lân cận. Với tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng, dự kiến BV đi vào hoạt động từ 2025.

Theo thông báo thu hồi đất ngày 3/4/2023 của UBND tỉnh, diện tích thu hồi là 6,65ha thuộc phường Quảng Thọ (trong đó đất do UBND phường sử dụng 5,52ha; đất do UBND phường quản lý 1,13ha). Đến nay, phương án chi tiết hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) đã được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất thị xã Ba Đồn (BQL) công khai cụ thể với 42 hộ bị ảnh hưởng. Nhưng 38 người vẫn chưa đồng ý bàn giao mặt bằng, gửi đơn khiếu nại, đề nghị chính quyền giải quyết việc đền bù, hỗ trợ. Theo đó, đến nay họ vẫn “mập mờ”, không hiểu cách hỗ trợ, đền bù trong việc thu hồi đất, bồi thường của dự án trên.

Cũng theo một số người dân, cán bộ địa phương từng đề nghị họ ký vào Biên bản kiểm kê nhưng không thực hiện việc kiểm kê là sai luật. Người dân mong cơ quan thẩm quyền cung cấp thông tin dự án, thu hồi, bồi thường để họ được biết rõ hơn.

Về nguồn gốc đất, những hộ này cho rằng đây là đất nông nghiệp được giao từ 1945. Đến 1994, người dân nơi đây chuyển sang trồng mía, rồi tiếp tục cải tạo để trồng lúa đến nay. Những thửa ruộng này được người dân sử dụng ổn định, không hề có tranh chấp.

Theo ông Đoàn Hữu Xàng (68 tuổi, ngụ xóm Thìn), đất ruộng những hộ này sử dụng đều là loại đất 5%, chưa được cấp sổ đỏ. Mới đây, địa phương có đưa phương án chi tiết về việc hỗ trợ, GPMB; người dân chỉ được hỗ trợ tài sản trên đất chứ không hề được hưởng đền bù, hỗ trợ về đất. Vì vậy, người dân không đồng tình.

Ông Xàng nói: “Tôi nghe rằng một số người có ruộng sát dự án trên cũng bị thu hồi đất để phục vụ dự án khách sạn, nhà hàng và DN thực hiện dự án này đã đền bù cả trăm triệu đồng/1 sào (500m2). Đất kề nhau, sao giá lại chênh vài chục lần như vậy?”.

Người có diện tích đất ruộng bị thu hồi nhiều nhất là ông Trần Văn Thận (52 tuổi, ngụ xóm Ất), sử dụng gần 5000 m2 từ bố để lại để trồng lúa năm 2 vụ. Ông Thận nói: “Tôi muốn cơ quan thẩm quyền thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, GPMB theo đúng quy định, không để dân thiệt thòi”.

Đất 5% nên không được đền bù hỗ trợ về đất

Nói về loại đất 42 hộ trên bị thu hồi, ông Nguyễn Văn Hữu (Chủ tịch UBND phường) cho biết, toàn bộ đất trên là đất dự phòng, đất công ích do phường quản lý (còn gọi đất 5%), chỉ cho người dân sản xuất. Theo luật, phường được hưởng hỗ trợ 1 sào (500m2) là 17,5 triệu đồng. Tổng cộng, phường nhận gần 2 tỷ đồng và sẽ chi số tiền này đúng mục đích làm công ích cho người dân địa phương.

Người dân đem thắc mắc trình bày với phóng viên báo Pháp luật Việt Nam.
Người dân đem thắc mắc trình bày với phóng viên báo Pháp luật Việt Nam.

“Phường có nhận được đơn phản ánh, cũng muốn cho dân nhận được nhiều tiền hỗ trợ, đền bù lắm nhưng không có cơ sở, vì đó là đất công ích 5%. Tôi mong rằng người dân phải hiểu luật, bình tĩnh. Tôi cũng khẳng định hội đồng GPMB không có sự tham ô, tham nhũng, trục lợi cá nhân hay làm sai điều gì. Thời gian tới, chúng tôi sẽ gắng làm tốt tư tưởng nhân dân để việc GPMB đúng tiến độ dự kiến”, ông Hữu nói. 

Ông Đinh Nguyên Lượng (Phó GĐ BQL), cho hay BQL đã đảm bảo tính công khai, minh bạch với dân. Sau khi có thông báo thu hồi đất của UBND tỉnh ngày 3/4/2023, thì 1 ngày sau, BQL đã phối hợp với chủ đầu tư là Sở Y tế, UBND phường, niêm yết công khai thông báo tại nhà văn hoá TDP Thọ Đơn, trụ sở phường. Ngày 6/4, BQL đã thực hiện kiểm đếm tài sản trên đất, việc này được lập biên bản, có xác nhận của đại diện các hộ gia đình. “Hôm đó, người dân đi thực địa tại đồng ruộng khá đầy đủ, chỉ thiếu 4 hộ. Hai ngày sau, tại nhà văn hoá TDP Thọ Đơn cũng đã diễn ra Hội nghị cốt cán của TDP về việc trên”, ông Lượng nói. 

“Ngày 13/4, chúng tôi đã tiến hành niêm yết công khai và lấy ý kiến về phương án bằng hình thức họp trực tiếp, phát phiếu lấy ý kiến cho từng hộ. Người dân đi tương đối đầy đủ nhưng đều bỏ về, không viết vào phiếu lấy ý kiến. Đến ngày 5/5, BQL tiếp tục phát phiếu ý kiến, chúng tôi sẽ tổng hợp nếu có các ý kiến không đồng ý với phương án thì sẽ tiếp tục đối thoại lần nữa. Chúng tôi đã làm đầy đủ, đúng trình tự thủ tục, chức trách. Ý kiến phản ánh không biết thông tin về dự án, BQL không thực địa kiểm kê thực tế về đất, tài sản trên đất là chưa chính xác”, ông Lượng nói.

Lý giải việc khu đất bên cạnh cũng là đất 5% nhưng khi bị thu hồi người dân được nhận giá đền bù, hỗ trợ cao; ông Lượng giải thích, đó là dự án đầu tư khách sạn, nhà hàng của một DN. Nhà nước cũng chỉ hỗ trợ cho phường 613 triệu tiền đất mà phường này quản lý, còn người dân sử dụng đất đó không hề được Nhà nước hỗ trợ gì về đất. “Với dự án đó, có thể DN có thoả thuận riêng để đền bù cho dân. Còn dự án này làm BV phục vụ mục đích công cộng nên việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ đúng theo pháp luật”, ông Lượng nói.

Được biết trong tuần này, Đảng uỷ phường Quảng Thọ sẽ tổ chức sinh hoạt Chi bộ ở TDP Thọ Đơn, trong đó trọng tâm là phổ biến về dự án trên để đảng viên Chi bộ hiểu và về tuyên truyền, ổn định tư tưởng cho dân. Ngoài ra, những hộ còn vướng mắc thì phường sẽ phân loại và giao Hội Cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Hội nông dân tiếp tục giải thích.