1. Trang chủ /
  2. Thủ đô Hà Nội phải là hình mẫu cho sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước

Thủ đô Hà Nội phải là hình mẫu cho sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước

thứ bảy, 6/5/2023 22:46 GMT+07
Tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội sáng 6/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn Hà Nội phát huy hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo… Thủ đô phải là hình mẫu cho sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 6/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023, kết quả giữa nhiệm kỳ Đại hội XVII của Đảng bộ thành phố Hà Nội; xử lý những kiến nghị và trao đổi tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, cuộc làm việc thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Chính phủ với Thủ đô Hà Nội anh hùng, nghìn năm văn hiến. Trong nhiệm kỳ này, Bộ Chính trị đã có hai Nghị quyết liên quan tới Hà Nội và trên cơ sở Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và hai Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ đang cùng các cơ quan xây dựng, hoàn thiện sửa đổi Luật Thủ đô trình Quốc hội, bảo đảm tổng thể, bao trùm, khả thi, hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Kết luận cuộc làm việc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo và ý kiến tại cuộc làm việc, ghi nhận, biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Hà Nội, đóng góp quan trọng và sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước…

Người đứng đầu Chính phủ đánh giá những thành tựu, kết quả của Hà Nội đã góp phần cùng cả nước thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh; thúc đẩy hội nhập và đối ngoại; phát triển văn hóa; chuyển dịch cơ cấu kinh tế…

Nhận định tình hình sắp tới vẫn còn khó khăn, thách thức, nhưng cũng có nhiều cơ hội và thuận lợi, Thủ tướng mong muốn Hà Nội phát huy hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, xây dựng và phát triển Thủ đô toàn diện, nhanh, bền vững, văn hiến, xứng đáng là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ của cả nước. Thủ đô phải là hình mẫu cho sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước.

Cùng với đó, Chính phủ và Hà Nội cần nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tiềm năng, tầm quan trọng của Thành phố trong sự phát triển chung của cả nước - Thủ đô vì cả nước, cả nước vì Thủ đô.

Nhận diện rõ các khó khăn, thách thức, tồn tại hạn chế yếu kém trong quá trình phát triển của Thành phố, phát huy hiệu quả mọi tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá…

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu ý kiến tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình, không để bị động, bất ngờ; nâng cao khả năng dự báo những tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế Thành phố; phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.

Thứ hai, khẩn trương hoàn thành lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065. Tổ chức triển khai quy hoạch đô thị thật tốt, vừa hiện đại và bản sắc, mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thành phố.

Thứ ba, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về miễn, giảm, thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; giảm lãi suất, cơ cấu lại nhóm nợ, giãn, hoãn nợ… theo thẩm quyền và quy định.

Thứ tư, trong bối cảnh lạm phát trên cả nước vẫn được kiểm soát và giảm dần theo các tháng, cần ưu tiên hơn cho mục tiêu tăng trưởng, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng chính (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), tăng cả cung và cầu.

Thứ năm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền; giảm thủ tục, chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ sáu, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân. Chú trọng đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, giải quyết ngay những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền.

Thứ bảy, đẩy mạnh hợp tác công - tư, huy động các nguồn lực xã hội với các mô hình lãnh đạo công - quản trị tư (như Nhà nước xây dựng chính sách, đấu nối hạ tầng khu công nghiệp, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng bên trong khu công nghiệp và kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp), đầu tư công - quản lý tư (ví dụ Nhà nước xây dựng công viên, giao tư nhân quản lý và khai thác); đầu tư tư - sử dụng công (ví dụ tư nhân xây dựng trụ sở, cơ quan nhà nước sử dụng).

Thứ tám, đổi mới, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành từ thủ công truyền thống sang môi trường điện tử; đẩy mạnh chuyển đổi số, Đề án 06 và tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Thứ chín, phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nghìn năm văn hiến và bảo vệ môi trường. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm. Tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực.

Thứ mười, tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả…

Toàn cảnh buổi làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành, các Phó Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã trả lời, cho ý kiến về các kiến nghị liên quan tới việc đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, các dự án đường sắt đô thị, về phát triển nhà ở, các vấn đề liên quan tới đất đai...

Cơ bản đồng tình với các kiến nghị của Hà Nội, Thủ tướng nhấn mạnh 3 nguyên tắc giải quyết các kiến nghị này. Theo đó, thứ nhất, các Bộ trưởng trực tiếp giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của các bộ. Thứ hai, những việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng thì các Bộ trưởng phối hợp với Hà Nội đề xuất. Nguyên tắc thứ ba là bảo đảm khả thi, hiệu quả, đúng hạn, kịp thời. Thủ tướng giao Hà Nội rà soát, thống kê các công việc đang vướng mắc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/5...

Trong đó, với các dự án đường sắt đô thị, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xử lý các vướng mắc liên quan tới dự án, Bộ Tài chính xử lý các vướng mắc về vốn, Bộ Giao thông vận tải xử lý các vướng mắc liên quan tới hướng tuyến; hoàn thành trong Quý II/2023.

Về hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của Quỹ phát triển đất, Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng Nghị định về tổ chức và hoạt động Quỹ phát triển đất, trình Chính phủ trong Quý III/2023. Về việc ứng vốn từ Quỹ phát triển đất để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, Bộ Tài chính nghiên cứu xử lý kiến nghị của Hà Nội, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2023.

Về đề nghị Hà Nội được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất từ 10 ha đất trồng lúa trở lên sang các loại đất phi nông nghiệp phù hợp với quy hoạch, đây là nội dung được nhiều địa phương kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao các bộ, ngành khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét ban hành Nghị quyết phù hợp.