Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh làm việc tại tỉnh Ninh Bình
Tiếp và làm việc với Đoàn Kiểm tra đại diện chính quyền địa phương có ông Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Phạm Minh Thường, Giám đốc Sở Tư pháp cùng lãnh đạo các Sở, ban ngành trực thuộc tỉnh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình: Thời gian qua, công tác theo dõi THPL và cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật trên địa bàn luôn được lãnh đạo UBND tỉnh và các đơn vị liên quan chú trọng, chỉ đạo triển khai trên từng lĩnh vực cũng như bám sát với tình hình thực tiễn, hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ quản lý nhà nước thuộc trách nhiệm của các địa phương trên địa bàn tỉnh. Để đảm bảo công tác theo dõi THPL và XLVPHC được thực hiện đúng theo quy định pháp luật, hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành Kế hoạch, quyết định thực hiện công tác quản lý theo dõi THPL theo các quy định Trung ương hướng dẫn thi hành. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền được giao đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.
Trong năm 2023, UBND các cấp và các cơ quan ngành dọc trên địa bàn tỉnh đã ban hành 98 văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi và đồng bộ. Tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao, từ tháng 03/2023, Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 34/KH-STP về theo dõi THPL; Kế hoạch số 332/KH-STC ngày 15/02/2023 của Sở Tài Chính thực hiện công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính …. Qua kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh, chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền khắc phục những hạn chế, tồn tại trong việc theo dõi THPL.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn tồn tại những khó khăn, vướng mắc nguyên nhân là do một số văn bản hướng dẫn thi hành trong công tác theo dõi THPL chưa bao quát được hết các tình tiết phát sinh trong thực tiễn dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng. Một số địa phương chưa kiên quyết trong việc xử lý các hành vi vi phạm, thực hiện các biện pháp cưỡng chế, như trong lĩnh vực xây dựng, cơ quan chức năng chưa cương quyết tháo dỡ các công trình vi phạm. Thực hiện chủ trương tinh giảm biên chế, nên việc bố trí số lượng biên chế thực hiện công tác THPL và xử lý vi phạm hành chính chuyên trách chưa thực hiện được. Trình độ, năng lực, kỹ năng của một bộ phận cán bộ, công chức thực hiện công tác THPL còn hạn chế nhất là ở cơ sở. Kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác tổ chức triển khai các nhiệm vụ về theo dõi THPL, quản lý XLVPHC nói chung và công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc
Tại hội nghị, lãnh đạo các Sở, ban ngành chức năng đã trao đổi, làm rõ một số vấn đề mà Đoàn kiểm tra quan tâm như: Công tác chỉ đạo, triển khai theo dõi THPL và cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật; tổ chức bộ máy, biên chế, trang thiết bị phục vụ công tác THPL về XLVPHC; quy chế phối hợp trong theo dõi THPL và xử lý VPHC; công tác thi hành các quyết định xử phạt; trách nhiệm của cơ quan, cá nhân trong việc theo dõi, chấp hành xử phạt của đối tượng vi phạm; hiệu quả của công tác kiểm tra, kiểm tra liên ngành… Đồng thời chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, vướng mắc, kiến nghị, nhất là giải pháp trong thời gian tới để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao tỉnh Ninh Bình trong công tác THPL đồng thời cũng chỉ ra những tồn tại, nguyên nhân về THPL, cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật và mong muốn UBND tỉnh Ninh Bình tăng cường tập huấn nghiệp vụ về xử lý VPHC và theo dõi THPL nhất là triển khai thi hành Luật sửa đổi bổ sung Luật Xử lý VPHC cho các chức danh có thẩm quyền xử phạt.
Chia sẻ với UBND tỉnh Ninh Bình về những khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện, Thứ trưởng cũng đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình tiếp tục khắc phục những hạn chế do nguyên nhân thuộc về chủ quan bằng các giải pháp cụ thể như: Tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, bồi dưỡng nghiệp vụ và bố trí các chức danh pháp chế viên, tăng cường cơ sở vật chất, kinh phí, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số… Bộ Tư pháp luôn sẵn sàng phối hợp cử các chuyên gia để hỗ trợ UBND tỉnh Ninh Bình thực hiện tốt lĩnh vực này.
Ngoài ra, Thứ trưởng Oanh cũng lưu ý UBND tỉnh Ninh Bình cần có các giải pháp quyết liệt đối với các quyết định chưa được thi hành và với các quyết định đã hết thời hiệu. Việc thanh, kiểm tra dù được thực hiện tích cực nhưng so với vi phạm việc xử phạt vẫn còn ít.
Thứ trưởng đề nghị trong thời gian tới, UBND tỉnh Ninh Bình cần tiếp tục rà soát, bảo đảm các nhiệm vụ của địa phương bám sát nhiệm vụ trọng tâm và phương hướng, sớm hoàn thiện công tác THPL và xử lý VPHC năm 2023 trọng tâm, trọng điểm, triển khai nhiệm vụ công tác Tư pháp năm 2024. Tăng cường công tác quản lý nhà nước và đẩy mạnh công tác truyền thông về xử lý VPHC và theo dõi THPL; hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp để phát triển, chủ động, kịp thời nhận diện chính xác những hạn chế, vướng mắc phát sinh, sửa đổi các văn bản chưa phù hợp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công tác của các Bộ, ngành, địa phương trên các lĩnh vực công tác như: Tài nguyên môi trường, kế hoạch đầu tư, tài chính, công thương, thuế …
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng cám ơn Bộ Tư pháp trong thời gian qua đã phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ tỉnh Ninh Bình trong nhiều lĩnh vực công tác, đặc biệt trong triển khai xử lý VPHC và theo dõi THPL. Ông Tùng cho biết theo dõi thi hành pháp luật về xử phạt VPHC luôn được lãnh đạo tỉnh Ninh Bình xác định là 1 nhiệm vụ trọng tâm. Qua công tác kiểm tra của Bộ Tư pháp sẽ là cơ hội đúc rút kinh nghiệm, tiếp thu, nâng cao hiệu lực hiệu quả trong công tác xử lý VPHC và theo dõi THPL của UBND tỉnh Ninh Bình và các cấp ban ngành liên quan. Sau kiểm tra UBND tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục giải trình, làm rõ thêm những vấn đề Đoàn kiểm tra quan tâm và sẽ triển khai nghiêm túc các kết luận của Đoàn sau thời gian kiểm tra. Ông Tùng khẳng định, trong thời gian tới, các cấp, các ngành trong tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong hoạt động theo dõi thi hành pháp luật về xử phạt VPHC với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng.
Trên cơ sở các ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình giao Sở Tư pháp tăng cường phối hợp với các sở ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật nâng cao chất lượng tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
Đồng thời, mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Bộ Tư pháp cũng như các cơ quan liên quan để tỉnh Ninh Bình thực hiện hiệu quả công tác THPL về xử lý VPHC hơn nữa, qua đó, góp phần phục vụ hiệu quả sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.