Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh: “Tư pháp Bình Định là “người gác cổng” về các vấn đề pháp lý”
Tư pháp Bình Định đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của tỉnh
Qua theo dõi công tác tư pháp của tỉnh Bình Định và báo cáo công tác 9 tháng đầu năm của Sở Tư pháp tỉnh Bình Định, Đoàn công tác nhận thấy, công tác tư pháp của Bình Định đã có nhiều đổi mới trong chỉ đạo, điều hành, bám sát chương trình hành động của Bộ, ngành Tư pháp, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, qua đó đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của tỉnh.
Cụ thể, thời gian qua, Sở Tư pháp tỉnh Bình Định đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, quyết định, chỉ thị, kết luận triển khai các nhiệm vụ công tác tư pháp bám sát chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2023 của Bộ Tư pháp.
Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được quan tâm, thực hiện đồng bộ; kịp thời tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản đúng trình tự, thủ tục theo quy định, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, tạo hành lang pháp lý đảm bảo cho việc phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội; nội dung tham mưu, thẩm định đạt chất lượng, nhiều ý kiến của cơ quan thẩm định được đánh giá cao, được các sở, ban, ngành tin tưởng, tìm đến tham khảo ý kiến pháp lý (trong 9 tháng năm 2023 đã tham mưu ban hành 155 văn bản quy phạm pháp luật, thẩm định 121 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật).
Công tác rà soát, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng. Sở đã kịp thời cùng Bộ Tư pháp xây dựng báo cáo rà soát vướng mắc, bất cập trong hệ thống pháp luật theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội, cơ bản đảm bảo chất lượng trong bối cảnh chịu sức ép về tiến độ và nguồn lực hạn chế.
Công tác quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực tư pháp liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp như: hành chính tư pháp, lý lịch tư pháp được chú trọng, tăng cường; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ, giải đáp vướng mắc cho đội ngũ cán bộ công chức trực tiếp xử lý các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc, cung cấp dịch vụ công trực tuyến để thực hiện Đề án 06 được duy trì tốt.
Công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý có nhiều đổi mới, sáng tạo, phù hợp với điều kiện địa lý, dân cư của tỉnh, trong đó chú trọng tới đối tượng đặc thù là đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác trợ giúp pháp lý được UBND tỉnh quan tâm, triển khai thực hiện đạt hiệu quả, kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý (trong 9 tháng năm 2023 đã thực hiện được số lượng lớn với 1.785 vụ việc, mặc dù số vụ việc tư vấn có giảm hơn nhưng số vụ việc tham gia tố tụng đã tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2022, tăng 158 vụ việc).
Công tác quản lý Nhà nước về bổ trợ tư pháp trên các mặt cơ bản được triển khai đồng bộ, bước đầu hoạt động tốt, chưa để xảy ra sai sót gây bức xúc dư luận; nguồn thu vào ngân sách Nhà nước từ các hoạt động bổ trợ tư pháp như: công chứng, đấu giá tài sản đạt cao; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp tuân thủ quy định pháp luật có liên quan, qua đó giúp ngăn ngừa các sai phạm, góp phần vào duy trì trật tự an ninh trên địa bàn, sự ổn định của các giao dịch dân sự.
Công tác quản lý Nhà nước về xử lý vi phạm hành chính được quan tâm, chú trọng phối hợp liên ngành để nâng cao hiệu quả; đã kịp thời tham mưu, đề xuất xử lý đối với 77 vụ việc vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND trong các lĩnh vực nổi cộm, được dư luận quan tâm như: đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, y tế…
Tại buổi làm việc, các cán bộ, lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Bình Định cũng đã thảo luận, trao đổi thẳng thắn với các thành viên Đoàn công tác về những điểm còn hạn chế, những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các mặt công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh.
Thay mặt Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Sở Tư pháp tỉnh Bình Định trong thời gian qua đã khắc phục khó khăn, thách thức để nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao phó, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh và góp phần vào thành công chung của Bộ, ngành Tư pháp. Thứ trưởng cũng cơ bản tán thành với các ý kiến của các cán bộ, lãnh đạo Sở Tư pháp và chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Nhiệm vụ của các cơ quan Tư pháp Bình Định là vô cùng quan trọng
Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh, Bình Định là tỉnh đang có sự phát triển về mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, thu hút nhiều dự án đầu tư, do đó nhiệm vụ của các cơ quan Tư pháp Bình Định là vô cùng quan trọng. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, Thứ trưởng đề nghị Sở Tư pháp tỉnh Bình Định tập trung làm tốt một số nhiệm vụ, giải pháp.
Cụ thể, một là, tiếp tục chủ động, tích cực tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng liên quan đến công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Sở Tư pháp cần chủ động rà soát những quy định có nội dung mâu thuẫn, không còn phù hợp với thực tiễn địa phương để đề xuất sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền, nhất là những lĩnh vực liên quan trực tiếp tới quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp nhằm kịp thời xử lý những vấn đề khó khăn, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Hai là, tiếp tục chủ động tham gia xây dựng, hoàn thiện thể chế, tham mưu, giúp UBND, HĐND chú trọng các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác xây dựng, góp ý, thẩm định văn bản, kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; tham mưu xử lý các vấn đề pháp lý, kể cả các quyết định hành chính, việc xử lý các sự kiện pháp lý ở địa phương, nhất là các lĩnh vực liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư kinh doanh, phòng ngừa các tranh chấp quốc tế khi trên địa bàn tỉnh có nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Ba là, Bình Định là tỉnh thực hiện nghiêm túc công tác quản lý Nhà nước về xử lý vi phạm hành chính, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác này, Sở Tư pháp cần chủ động tham mưu, giúp UBND tỉnh tiếp tục tổ chức thi hành hiệu quả các nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực cụ thể. Ngoài ra, đây là những lĩnh vực có tính liên ngành cao, đòi hỏi nguồn lực để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Do đó, Sở Tư pháp cần có sự phối hợp, nâng cao trách nhiệm của các sở, ngành, các cấp chính quyền để đưa các công tác này đạt hiệu quả.
Bốn là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bổ trợ tư pháp; tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, nhất là trong hoạt động luật sư, công chứng, đấu giá tài sản; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chứng viên, đấu giá viên; nâng cao trách nhiệm, vai trò tự quản của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực luật sư, công chứng; nâng cao chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu của người dân, không để xảy ra sai sót.
Năm là, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp; kịp thời giải quyết hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người dân và giải quyết các nhiệm vụ phát sinh theo thẩm quyền. Lưu ý, tập trung nghiên cứu, tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 9/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Sáu là, Sở Tư pháp cần tích cực tham mưu cho tỉnh quan tâm kiện toàn, bổ sung đội ngũ cán bộ tư pháp, pháp chế; tăng cường biên chế cho Sở, Phòng Tư pháp và Tư pháp - Hộ tịch cấp xã, đáp ứng được yêu cầu công việc. Đồng thời, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ Phòng Tư pháp và công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã (tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cấp chính quyền chỉ bố trí cán bộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm công tác tư pháp, hộ tịch).
“Với truyền thống đoàn kết, tôi tin tưởng rằng, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Sở Tư pháp tỉnh Bình Định sẽ phát huy sức mạnh, đoàn kết, gắn bó, không ngừng sáng tạo, bồi đắp lòng yêu ngành, yêu nghề, khắc phục mọi khó khăn để làm tốt vai trò, nhiệm vụ là “người gác cổng” về các vấn đề pháp lý cho hệ thống chính trị của tỉnh và là “cánh tay nối dài” của Bộ Tư pháp tại các địa phương”, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh.
Thay mặt lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Bình Định, ông Lê Văn Toàn - Giám đốc Sở Tư pháp trân trọng cảm ơn Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh và Đoàn công tác đã dành thời gian làm việc với Sở Tư pháp và bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tư pháp trong thời gian tới đối với công tác tư pháp địa phương. Ông Toàn cũng đề nghị toàn ngành Tư pháp Bình Định tiếp tục ra sức triển khai, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để công tác tư pháp trong thời gian đến đạt hiệu quả cao hơn, góp phần tích cực vào sự phát triển của toàn ngành Tư pháp và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định.