1. Trang chủ /
  2. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu: "Diều hâu" trong mắt bão

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu: "Diều hâu" trong mắt bão

thứ tư, 26/7/2023 21:59 GMT+07
Vị thủ tướng lâu nhất trong lịch sử Israel, lãnh đạo đất nước từ năm 1996-1999, 2009-2021 và 12/2022 đến nay, với 6 nhiệm kỳ, đang trong tâm bão của những căng thẳng liên quan tới một trong những chính sách nổi bật của ông - cuộc đại tu bộ máy tư pháp.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu phát biểu tại Căn cứ Không quân Palmachim, Israel ngày 5/7/2023. Ảnh: REUTERS/Amir Cohen Thủ tướng Benjamin Netanyahu phát biểu tại Căn cứ Không quân Palmachim, Israel ngày 5/7/2023. Ảnh: REUTERS/Amir Cohen

Theo Hãng tin Reuters, ông Benjamin Netanyahu (tên gọi thân mật là “Bibi”) bắt đầu cuốn tự truyện bán chạy nhất của mình có tựa đề "Bibi: My Story" xuất bản hồi tháng 10/2022 với câu chuyện về một cuộc đột kích táo bạo của lực lượng đặc biệt mà ông tham gia để giải thoát các hành khách Israel khỏi một chiếc máy bay bị không tặc tấn công năm 1972 - một sự kiện giúp hình thành hình ảnh của nhà lãnh đạo "diều hâu" trong hơn 3 thập kỷ hoạt động chính trị.

Chỉ vài tuần sau khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ sáu kỷ lục, ông Benjamin Netanyahu đã vấp phải những phản đối gay gắt về một trong những chính sách nổi bật của mình - một cuộc đại tu bộ máy tư pháp - đã gây ra những căng thẳng trong quân đội, đến mức Bộ trưởng Quốc phòng phải ra cảnh báo an ninh quốc gia đang gặp nguy hiểm.

Cùng với làn sóng bạo lực leo thang khắp Bờ Tây, cuộc cải cách tư pháp đã chi phối chương trình nghị sự của Chính phủ được nhiều người coi là cánh hữu nhất trong lịch sử Israel.

 Biểu tình phản đối cuộc đại tu tư pháp của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ở Tel Aviv, Israel ngày 18/7/2023. Ảnh: REUTERS/Ammar Awad

Những người phản đối dự luật lập luận rằng, việc tòa án có thể bác bỏ một quyết sách của bộ máy hành pháp là sự giám sát tư pháp giúp ngăn ngừa tham nhũng và lạm dụng quyền lực.

Trong khi những người ủng hộ dự luật nói, sự thay đổi sẽ tạo điều kiện quản lý hiệu quả bằng cách hạn chế sự can thiệp của tòa án, các thẩm phán có những biện pháp pháp lý khác để thực hiện giám sát.

Thủ tướng Benzamin Netanyahu khẳng định, cải cách tư pháp là tiến trình cần thiết nhằm làm tăng hiệu quả điều hành và quản trị đất nước.

Hôm 24/7, trở lại Knesset (Quốc hội Israel) chỉ một ngày sau khi trải qua ca phẫu thuật cấy máy tạo nhịp tim, ông Netanyahu, 73 tuổi, đã có mặt khi các nhà lập pháp bỏ phiếu thông qua điều khoản chính trong dự luật liên quan đến việc hạn chế quyền lực của Tòa án Tối cao.

Kết quả, Quốc hội 120 ghế của Israel đã thông qua điều khoản với tỷ lệ biểu quyết 64-0, sau khi các nhà lập pháp thuộc phe đối lập tẩy chay cuộc bỏ phiếu này.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngồi giữa Bộ trưởng Tư pháp Yariv Levin và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant khi các nhà lập pháp tập trung tại Hội nghị Toàn thể Knesset để bỏ phiếu về dự luật hạn chế một số quyền lực của Tòa án Tối cao, tại Jerusalem ngày 24/7/2023. Ảnh: REUTERS/Amir Cohen 

Dự luật do Chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đề xuất, với các quy định hạn chế quyền phán quyết của Tòa án Tối cao về "tính hợp lý" trong các quyết định của Chính phủ. Theo luật hiện tại, tòa án có thể bác bỏ một quyết sách của bộ máy hành pháp, gồm cả Chính phủ, nếu cho rằng nó "thiếu hợp lý" hoặc chưa được cân nhắc đầy đủ, kể cả trường hợp quyết định đó không vi phạm pháp luật.

Trước và trong khi diễn ra phiên bỏ phiếu ngày 24/7, hàng nghìn người Israel đã tập trung biểu tình phản đối bên ngoài trụ sở Quốc hội Israel ở thành phố Jerusalem để gây sức ép.

Cảnh sát chống bạo động Israel đã phải dùng vòi rồng phun nước giải tán đám đông người biểu tình tìm cách phong tỏa lối vào tòa nhà Quốc hội.

Cùng lúc, hàng chục nghìn người ủng hộ kế hoạch cải cách tư pháp cũng đã tập trung biểu tình tại thành phố Tel Aviv để bày tỏ sự ủng hộ với bước đi này của Chính phủ.

Đất nước đang phải đối mặt với "tình trạng khẩn cấp quốc gia", theo như cảnh báo của Tổng thống Israel Isaac Herzog - người đã cố gắng tìm kiếm thỏa hiệp giữa các bên sau nửa năm biểu tình rầm rộ trên đường phố nhưng bất thành.

 Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và các nhà lập pháp tại phiên bỏ phiếu về dự luật hạn chế một số quyền lực của Tòa án Tối cao, tại Jerusalem ngày 24/7/2023. Ảnh: REUTERS/Amir Cohen

Thủ tướng Netanyahu, người đang bị cáo buộc tội tham nhũng, nói rằng những thay đổi được đề xuất là cần thiết để kiềm chế các thẩm phán hoạt động "lấn sân" chính trị.

Các nhà phê bình lưu ý rằng, các đề xuất có khả năng giúp ông Netanyahu khỏi bị kết án và bỏ tù vì các cáo buộc nhận quà một cách bất hợp pháp và giúp một cặp đôi kinh doanh giành được nhiều hợp đồng béo bở, đổi lại sẽ đưa tin thuận lợi cho Thủ tướng trên một trang tin mà họ kiểm soát.

Ông Netanyahu phủ nhận những cáo buộc tham nhũng, gọi đây là một cuộc "săn phù thủy" nhằm "loại bỏ một thủ tướng cánh hữu mạnh mẽ".

Kế hoạch cải cách gây tranh cãi của ông Netanyahu không chỉ bị toàn bộ các nghị sỹ phe đối lập tẩy chay phiên bỏ phiếu ngày 24/7, mà ngay sau khi kết thúc phiên này, Nhóm Giám sát chính trị Israel của phe đối lập mang tên “Phong trào vì chất lượng quản trị tại Israel” tuyên bố sẽ kháng án lên Tòa án Tối cao nhằm vô hiệu hóa dự luật.

Trong khi đó, người đứng đầu Liên minh Các nghiệp đoàn lớn tại Israel cũng thông báo sẽ tiến hành thảo luận với lãnh đạo các nghiệp đoàn về khả năng tổ chức tổng đình công trên toàn quốc để phản đối kế hoạch cải cách tư pháp.

Nỗ lực của Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhằm thay đổi hệ thống tư pháp là nguyên nhân của các cuộc biểu tình chưa từng có, làm dấy lên lo ngại về sức khỏe nền dân chủ của Israel và gây tổn hại cho nền kinh tế.

Những diễn biến mới nhất gần như chắc chắn sẽ khiến tình hình Israel tiếp tục rơi vào bất ổn.