1. Trang chủ /
  2. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ công bố Chương trình Sức khỏe học đường

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ công bố Chương trình Sức khỏe học đường

thứ sáu, 11/2/2022 06:54 GMT+07
(PLM) - Lần đầu tiên tại Việt Nam, một chương trình quy mô, thiết thực và ý nghĩa về sức khoẻ học đường với Chương trình tổng thể, chính thống và toàn diện được thực hiện, cùng với đó là những trách nhiệm và hy vọng lớn lao về những ngôi trường an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh.

Nghi thức công bố Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025.

Chiều 10/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ công bố Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025, được tổ chức trực tuyến từ Trung tâm Hội nghị Quốc tế với 63 tỉnh, thành phố và kết nối tới hơn 41.000 trường học trong cả nước.

Cùng dự có các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; đại diện các bộ, ngành, các cơ quan Trung ương; các tổ chức, doanh nghiệp đồng hành trong triển khai Chương trình và lãnh đạo các tỉnh, thành phố.

Trước đó ngày 2/10/2021,, thông tin về Chương trình Sức khoẻ học đường, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết, Chính phủ đã ban hành quyết định số 1660 phê duyệt Chương trình Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021 – 2025 nhằm bảo đảm chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh thông qua việc duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và trường chuyên biệt.

Cùng với việc mở cửa trường học trở lại trên phạm vi cả nước, đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần khẳng định quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước trong việc nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em, học sinh, dành những gì tốt nhất có thể cho thế hệ tương lai - thế hệ góp phần quan trọng quyết định sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong những năm tới.

Chương trình Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021 - 2025 xác định 5 nhóm nội dung và 7 nhóm giải pháp về chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khoẻ, trẻ em, học sinh; giáo dục thể chất và hoạt động thể thao học đường; tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giám sát, thống kê, báo cáo; tuyên truyền, giáo dục sức khỏe học đường trong trường học.

Mỗi nội dung được giao chỉ tiêu đánh giá cụ thể như: đến năm 2025, 100% trường học có tổ chức bữa ăn học đường và căng tin trường học, bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định, sử dụng sữa học đường theo tiêu chí, tiêu chuẩn được quy định trong Chương trình Sữa học đường quốc gia…; 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần; giáo dục về dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn; 100% trường học có đủ giáo viên giáo dục thể chất và được tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ…

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá hoạt động chăm sóc bảo vệ sức khỏe học sinh, thế hệ tương lai của đất nước bước đầu đã đi vào nề nếp và ngày càng có chất lượng.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, Covid-19 đang bước sang năm thứ 3. Điều này dẫn tới tác động không nhỏ tới tâm lý, tinh thần của trẻ em, học sinh. Theo UNICEF cứ 7 trẻ em thì có 1 em bị ảnh hưởng trực tiếp do các lệnh phong toả. Nhiều vấn đề khác nảy sinh ảnh hưởng tới thế hệ tương lai. Do đó, chúng ta phải phân tích, đề ra giải pháp để xử lý.

Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương triển khai chương trình sức khoẻ học đường theo chức năng, quyền hạn. Đồng thời, phát huy trách nhiệm của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó ngành giáo dục và y tế là nòng cốt.

Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ có hiệu quả, cần coi sức khoẻ học sinh là đối tượng đặc biệt. Gia đình và nhà trường phải liên hệ, phối hợp chặt chẽ, chung tay đưa ra thông điệp, quyết tâm hành động mạnh mẽ để quan tâm, chăm lo cho thế hệ trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ sự trăn trở vì đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tâm sinh lý của học sinh, sinh viên. Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm đặt giáo dục là ưu tiên, là quốc sách hàng đầu và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm tới giáo dục, tới trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước.

“Phải hành động quyết tâm hơn, mạnh mẽ hơn hiệu quả hơn, có những chương trình phân tích kỹ lưỡng ảnh hưởng tâm sinh lý sức khoẻ của trẻ em. Từ đó, đưa ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp chăm sóc sức khoẻ cho các cháu, cải thiện điều kiện vật chất cơ sở trường học đảm bảo hợp lý khoa học chất lượng, cải thiện nhà vệ sinh trường học bếp ăn…", Thủ tướng nêu rõ.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định Bộ GDĐT sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và UBND các tỉnh/thành phố, các cơ quan truyền thông và các tổ chức, đơn vị liên quan; sẽ bám sát các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp đã được phê duyệt trong chương trình; huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệm để thực hiện thành công và sẽ thực hiện một cách hết sức, hết lòng - đúng như căn dặn của Thủ tướng, để chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 đã được Chính phủ tin tưởng giao nhiệm vụ - trước mắt thực hiện tốt kế hoạch đưa học sinh quay trở lại trường học trực tiếp đảm bảo an toàn trên phạm vi cả nước.

Cùng với đó, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ VHTT&DL, UBND các tỉnh, thành phố và các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đồng hành cùng Chương trình Sức khoẻ học đường nói riêng và các chương trình, dự án bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ trẻ em, HSSV nói chung trên tinh thần huy động sức mạnh của cộng đồng để dành những gì tốt nhất cho trẻ em.

Tại lễ công bố, đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế ký kết chương trình phối hợp về công tác y tế trường học và chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên giai đoạn 2022 - 2026. Đại diện lãnh đạo của Bộ GD-ĐT và Bộ VHTT-DL ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2022 - 2026.

Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2019 - 2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở Việt Nam tăng gấp 2,2 lần (từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020). Gánh nặng kép về dinh dưỡng ở tuổi học đường và tiền học đường gồm thiếu và thừa dinh dưỡng là cửa ngõ của nhiều bệnh mãn tính không lây nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ em, học sinh. Cả nước vẫn còn gần 40% số trường có bếp ăn tập thể, căng tin chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong năm học 2018 - 2019, tại các trường học mầm non và phổ thông, vẫn còn 22,8% nhà vệ sinh bán kiên cố, xuống cấp; số lượng nhà vệ sinh đủ nước sạch và xà phòng rửa tay chỉ chiếm khoảng 65,6%; số trường có đủ nước uống và nước sinh hoạt chỉ chiếm khoảng 62,8%. Vệ sinh môi trường kém là nguyên nhân dẫn đến gia tăng các bệnh lây nhiễm trong trường học.

Việc gia tăng gánh nặng học tập, ô nhiễm môi trường, những thay đổi về điều kiện kinh tế, xã hội là nguy cơ phát sinh nhiều bệnh học đường. Hiện nay, hơn 40% học sinh mắc tật khúc xạ; gần 90% học sinh mắc bệnh răng miệng; 7 - 15 % học sinh mắc bệnh cong vẹo cột sống... Những căn bệnh này ảnh hưởng đến khả năng học tập, hoạt động sinh hoạt, vui chơi và chất lượng sống của các em học sinh và để lại hậu quả lâu dài. Mỗi năm, cả nước có khoảng 2.000 trẻ em, học sinh tử vong do đuối nước. Tỷ lệ này cao gấp 10 lần các nước phát triển. Điều đó cho thấy sự cần thiết có những giải pháp để bảo đảm an toàn cho trẻ em, học sinh trong và ngoài trường học.

Về giáo dục thể chất và thể thao trường học, năm học 2019 - 2020 có 69% số học sinh chưa tham gia hoạt động thể dục thể thao; 76,5% số học sinh không đạt tiêu chuẩn đánh giá xếp loại thể lực theo tuổi. Việc thiếu đầu tư cơ sở vật chất cũng là một trong những nguyên nhân chưa thu hút được đông đảo học sinh tham gia tập luyện thể dục, thể thao.