Thủ tướng Phạm Minh Chính sắp dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản
Theo Thông cáo của Bộ Ngoại giao, nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản và tiến hành các hoạt động song phương tại Nhật Bản từ ngày 15 - 18/12/2023.
Quan hệ đối tác đối thoại giữa ASEAN và Nhật Bản bắt đầu thiết lập vào năm 1973. Trải qua chặng đường 50 năm, ASEAN và Nhật Bản đã xây dựng mối quan hệ hợp tác trải rộng trên nhiều lĩnh vực và trở thành những đối tác tin cậy của nhau. Cơ sở để tạo dựng niềm tin cho mối quan hệ hợp tác này là việc hai bên luôn coi trọng quan hệ đối tác chiến lược của nhau.
Nhật Bản luôn ủng hộ sự đoàn kết của ASEAN, coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, tôn trọng và đóng góp trách nhiệm vào các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, như: ASEAN+3 (bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+). Xác định quan hệ lâu dài, Nhật Bản thúc đẩy hợp tác toàn diện với ASEAN trên cả bốn trụ cột: đối tác vì hòa bình và ổn định, đối tác vì sự thịnh vượng, đối tác vì chất lượng cuộc sống và đối tác “từ trái tim đến trái tim”.
Đáng chú ý, trong lĩnh vực kinh tế, từ lâu, Nhật Bản đã là một trong những đối tác kinh tế “đáng tin cậy nhất” của ASEAN. Với sự can dự khéo léo, Nhật Bản đã giúp các quốc gia Đông Nam Á tiếp tục tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ rút lui, thúc đẩy đầu tư hàng tỷ USD vào khu vực và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật đáng kể để mở rộng kết cấu hạ tầng khu vực.
Nhật Bản triển khai chính sách ngoại giao kinh tế hướng đến ba mục tiêu cụ thể: vực dậy nền kinh tế Nhật Bản, khắc phục tình trạng thiếu hụt tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm Nhật Bản không bị gạt ra bên lề “cuộc chơi” hội nhập kinh tế trong khu vực. Chính sách này được triển khai toàn diện cả trên lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và viện trợ phát triển chính thức (ODA). Hiện nay, đầu tư FDI của Nhật Bản vào ASEAN lớn thứ tư trong số các nước đối tác của khối; năm 2021, đạt 12 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2020(1).
Riêng trong năm 2022, 12% tổng vốn FDI của Nhật Bản chảy vào các nước ASEAN. Về thương mại, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Nhật Bản với ASEAN tăng 11,6% năm 2022(2).
Ngoài quan hệ kinh tế, Nhật Bản còn đóng vai trò quan trọng trong hợp tác tài chính với các nước trong khối. Thông qua khuôn khổ ASEAN+3 được thành lập năm 1999, Nhật Bản hỗ trợ ASEAN trong thời kỳ khó khăn của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ ở châu Á...
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, ngày 27/11, tại Phủ Thủ tướng Nhật Bản, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.
Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”.