Thủ tướng: Xử lý xung đột pháp luật, lấp đầy các khoảng trống pháp lý
Chiều 25/11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 11/2022 để xem xét, cho ý kiến đối với đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và một số dự án luật khác.
Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trình bày tờ trình về đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trình bày tờ trình về xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Lãnh đạo Bộ Tư pháp phát biểu ý kiến về việc cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định đối với đề nghị xây dựng các luật. Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ báo cáo thẩm tra các Luật. Các thành viên Chính phủ thảo luận làm rõ các nội dung về hai dự thảo Luật.
Đối với đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), các thành viên Chính phủ cho rằng cần có quy định cụ thể, chi tiết việc phân cấp, phân quyền trong quản lý di sản văn hóa; việc xây dựng quỹ bảo tồn di sản văn hóa; kinh phí cho bảo vệ, gìn giữ di sản văn hóa; cơ chế thu chi trong quản lý di tích; quy định bảo tồn, phát huy di sản sắc văn hóa dân tộc và chính sách đặc thù bảo vệ, phát huy di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam; quy định tránh chồng chéo hoặc để khoảng trống pháp lý về bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới, di sản nằm trong đô thị...
Về nội dung này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng việc đề nghị xây dựng Luật là vừa đúng, vừa trúng, nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, sau hơn 20 năm Luật ban hành.
Thủ tướng đề nghị bổ sung, hoàn thiện theo hướng chính sách phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật có liên quan; cần cụ thể, rõ ràng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý xung đột pháp luật, bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế, lấp đầy các khoảng trống pháp lý; chính sách phải rõ, hợp lý, có tính khả thi cao.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực trong quản lý di sản; huy động nguồn lực, nhất là hợp tác công tư trong quản lý di sản; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan tổ chức; đưa nội dung quản lý, giáo dục quản lý di sản vào hệ thống giáo dục; ứng dụng công nghệ số vào quản lý di sản; khai thác du lịch gắn liền với di sản...
Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục chỉ đạo rà soát, đánh giá kỹ tác động của các chính sách mới, hoàn thiện các giải pháp, bảo đảm tính toàn diện, rõ ràng, thống nhất, khả thi; chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật; phối hợp với các Bộ, cơ quan tổng hợp, hoàn thiện để Chính phủ trình Quốc hội; giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo việc hoàn thiện đề nghị xây dựng Luật.
Về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản thống nhất về sự cần thiết, mục tiêu xây dựng Luật, các đề nghị chính sách nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của các quy định hiện hành, bảo đảm tương thích với các cam kết quốc tế và nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Thủ tướng đề nghị làm rõ tên, mục tiêu, phạm vi của từng chính sách để làm cơ sở xây dựng nội dung chính sách; đổi mới quy trình, rút gọn thủ tục, phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn; rà soát kỹ các tiêu chuẩn, quy chuẩn để bảo đảm thống nhất với các luật chuyên ngành để vừa bảo đảm tính thống nhất, vừa linh hoạt để cập nhật thêm cho phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục chỉ đạo rà soát, đánh giá các chính sách, bổ sung hoàn thiện các giải pháp, bảo đảm tính toàn diện, rõ ràng, thống nhất, khả thi; chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật; phối hợp với Bộ Tư pháp tổng hợp, lập đề nghị của Chính phủ để trình Quốc hội; giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo việc hoàn thiện đề nghị xây dựng Luật.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự chuẩn bị của các Bộ, ngành, đơn vị chủ trì, thẩm định các dự án Luật; nhất là các ý kiến tâm huyết, tập trung tại phiên họp của các thành viên Chính phủ; yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện các đề nghị xây dựng luật, trình theo quy định.
Cùng với đó, cần rà soát lại các quy định về tính phù hợp so với chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, các hiệp định thương mại tự do, công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; rà soát lại các chính sách để thể hiện rõ ràng, khả thi, hiệu quả các nội dung; lưu ý tính định lượng, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cấp dưới, phân bổ nguồn lực, tăng cường kiểm tra, giám sát; hướng đến người dân, khơi thông nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững.
Đặc biệt, cần có cơ chế hợp tác thu hút nguồn lực hợp tác công tư; tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động; rà soát kỹ các tiêu chuẩn, quy chuẩn để thống nhất với luật chuyên ngành, tránh việc bỏ sót hoặc có khoảng trống pháp lý./.