1. Trang chủ /
  2. Thúc đẩy hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam – Pháp

Thúc đẩy hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam – Pháp

thứ năm, 3/11/2022 07:59 GMT+07
Sáng 2/11, Đoàn công tác của Pháp đã đến thăm và làm việc với Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc; tổ chức Toạ đàm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự.

Tại buổi tiếp xã giao ông Anthony Manwaring, phụ trách các vấn đề châu Âu và quốc tế, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc điểm lại quá trình hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp trong 10 năm qua, hai Bên đã ký nhiều văn kiện hợp tác, được cụ thể hóa bằng nhiều kế hoạch thực hiện cụ thể theo giai đoạn. Đặc biệt, trong nhiều năm qua, lãnh đạo Bộ Tư pháp Việt Nam thường xuyên tham gia các đoàn cấp cao của Đảng và nhà nước thăm Cộng hòa Pháp.

Thứ trưởng nhấn mạnh, năm 2023 tới đây là dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp, qua đó hai Bên có thể xây dựng một mô hình hợp tác xứng tầm với quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp; có tính kết nối, thúc đẩy mạnh mẽ hơn hoạt động đã có và triển khai thực hiện những ý tưởng mới theo nhu cầu của hai Bên.

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc tiếp xã giao ông Anthony Manwaring, phụ trách các vấn đề châu Âu và quốc tế.

Việt Nam và Pháp đã có nhiều văn kiện thiết lập quan hệ hợp tác từ cấp Chính phủ, do vậy Thứ trưởng đề nghị ký văn bản hợp tác cấp chính phủ để kết nối tất cả các văn kiện đã ký và tạo cơ sở pháp lý để thành lập Trung tâm pháp luật Việt – Pháp đặt tại Trường Đại học Luật Hà Nội. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc bày tỏ tin tưởng, nếu hai Bên hiện thực hóa được ý tưởng này, đây sẽ là một hoạt động rất ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và kỷ niệm 30 năm quan hệ hợp tác về pháp luật, tư pháp trong năm 2023.


Cảm ơn sự tiếp đón của Bộ Tư pháp Việt Nam, ông Anthony Manwaring nhấn mạnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa hai nước. Ông Anthony Manwaring cũng cho biết Đại sứ quán Pháp sẽ có những thoả thuận, bàn bạc với Bộ Tư pháp Việt Nam về những hoạt động hợp tác song phương trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập ngoại giao, 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược và kỷ niệm 30 năm hợp tác pháp luật và tư pháp.

Cùng ngày, Tổng Cục Thi hành án dân sự (THADS) đã phối hợp với chuyên gia của Hội đồng Thừa phát lại và đấu giá viên quốc gia Pháp tổ chức Toạ đàm Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác THADS nhất là trong công tác thu hồi tài sản trong các vụ việc có yếu tố nước ngoài; kinh nghiệm xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử quản lý hồ sơ THADS và bảo mật thông tin dữ liệu điện tử.

Tham dự Toạ đàm có ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục THADS, Bộ Tư pháp; bà Agnès Carlier - Phó Chủ tịch Ủy ban Tư pháp quốc gia Pháp; ông Lionel Decotte - Ủy viên Ủy ban Tư pháp quốc gia Pháp.

Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Thắng Lợi phát biểu khai mạc Toạ đàm.

Phát biểu khai mạc Toạ đàm, Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Thắng Lợi khẳng định Cộng hòa Pháp là một trong những nước phương Tây đầu tiên có quan hệ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực pháp luật chính thức được thiết lập bằng việc ký kết Hiệp định giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Pháp về hợp tác pháp luật và tư pháp năm 1993.

Nhìn chung, trong những năm qua các hoạt động hợp tác giữa Tổng cục THADS với các đối tác của Pháp đã được thực hiện theo đúng kế hoạch, thỏa thuận hợp tác của hai bên. Qua các hoạt động, Tổng cục THADS đã được học tập, tham khảo kinh nghiệm của Pháp trong công tác THADS. Đặc biệt, nhân chuyến thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính năm 2021, Bộ trưởng Lê Thành Long và Chủ tịch Hội đồng Thừa phát lại và đấu giá viên quốc gia đã cùng ký Chương trình hợp tác năm 2022-2023.

Chuyên gia Pháp chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác THADS.

Tổng cục THADS hiện nay đang tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác THADS, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng thực tiễn cho thấy vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành đối với một số loại tài sản đặc thù, các loại việc thu hồi tài sản có yếu tố nước ngoài. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế về cơ sở hạ tầng cũng như các điều kiện đảm bảo vận hành, kết nối, bảo mật.

Tọa đàm hôm nay Tổng cục THADS sẽ chia sẻ những vấn đề cơ bản mà phía Việt Nam đang gặp phải để các chuyên gia có thêm thông tin và từ đó trao đổi những kinh nghiệm, giải pháp mà Hội đồng Thừa phát lại và Đấu giá viên Quốc gia Pháp đang áp dụng để giải quyết những vấn đề mà chúng tôi còn gặp phải. Đồng thời Phó Tổng cục trưởng cũng rất mong được học hỏi, nắm bắt thêm những điểm mới, những thành tựu mới của Cộng hòa pháp Pháp trong công tác thi hành các bản án, quyết định dân sự của Tòa án, nhất là sau khi chức danh “Thừa phát lại” và “Đấu giá viên” được hợp nhất.


Bà Agnès Carlier, Phó Chủ tịch Ủy ban Tư pháp quốc gia Pháp cũng bày tỏ mong muốn có thể chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân trong 30 năm làm nghề để có thể đối mặt với những khó khăn, thách thức liên quan đến công tác thi hành án. Bà cũng hy vọng qua những trao đổi, chia sẻ, các đại biểu có thể hiểu được lý do, động cơ mà cơ quan Pháp đã sáp nhập hai chức danh “Thừa phát lại” và “Đấu giá viên”.

Tại Toạ đàm, các đại biểu và chuyên gia Pháp đã trao đổi, thảo luận về thực trạng của Việt Nam cũng như chia sẻ kinh nghiệm của Pháp trong việc nâng cao hiệu quả công tác THADS và công tác thu hồi tài sản ở nước ngoài, nhất là trong việc thi hành án đối với tài sản là cổ phần, cổ phiếu; thi hành án đối với tài sản hình thành trong tương lai; thi hành án có yếu tố nước ngoài… Đồng thời các chuyên gia Pháp cũng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử quản lý hồ sơ THADS và bảo mật thông tin dữ liệu điện tử, các biện pháp phòng, chống khi xảy ra sự cố rò rỉ dữ liệu…

Đoàn công tác của Pháp là đoàn có quy mô lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây, gồm nhiều đại diện đến từ các cơ quan khác nhau của Pháp: Bộ Tư pháp Cộng hoà Pháp, Cơ quan hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp, Hội đồng công chứng tối cao và Phòng Uỷ ban Tư pháp Quốc gia. Điều này thể hiện sự quan tâm của Pháp đến hoạt động của Bộ Tư pháp Việt Nam nói riêng và hoạt động hợp tác pháp luật, tư pháp nói chung giữa hai nước.