Thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác các tỉnh hành lang kinh tế Việt - Trung
Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, TP Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) (gọi tắt là Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế Việt - Trung) lần thứ 10 có chủ đề “Mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, TP hành lang kinh tế Việt - Trung nhằm phát triển kinh tế trong tình hình mới”.
Khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh và không gian hợp tác giữa hai bên
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, sau 3 năm bị gián đoạn do đại dịch COVID-19, việc tổ chức Hội nghị thể hiện nỗ lực rất cao và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, địa phương liên quan của hai nước nhằm tiếp tục thúc đẩy cơ chế hợp tác quan trọng này.
Phó Thủ tướng khẳng định, thời gian qua, với nỗ lực chung to lớn của cả hai bên, quan hệ Việt Nam –Trung Quốc tiếp tục phát triển tích cực và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hợp tác trên tất cả các lĩnh vực không ngừng được thúc đẩy và đi vào chiều sâu. Trao đổi đoàn các cấp, các ngành, các địa phương hai bên diễn ra thường xuyên với nhiều kết quả thiết thực.
Đặc biệt, chuyến thăm Trung Quốc có ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào tháng 10/2022 đã mở ra thời kỳ phát triển mới cho quan hệ giữa hai Đảng, hai nước.
Phó Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam nhất quán xác định hợp tác hữu nghị giữa các địa phương hai nước là bộ phận cấu thành quan trọng của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.
Với đặc trưng gần gũi về địa lý, hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với tỉnh Vân Nam đã hình thành và phát triển một cách tự nhiên trên nền tảng tình hữu nghị truyền thống, gắn bó lâu đời giữa nhân dân hai bên và không ngừng được củng cố, vun đắp bởi các thế hệ tiền bối cách mạng và lãnh đạo hai nước.
Thời gian qua, các cơ chế hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam với tỉnh Vân Nam đã đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, tăng cường kết nối hạ tầng, mạng lưới giao thông, logistics; đẩy mạnh hợp tác văn hóa, giáo dục, du lịch, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, củng cố đường biên giới hòa bình, hữu nghị.
Nhắc lại những ấn tượng tốt đẹp về chuyến thăm tỉnh Vân Nam dự Hội chợ Trung Quốc – Nam Á tháng 8 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá rất cao những thành tựu phát triển của tỉnh Vân Nam cũng như quyết tâm mạnh mẽ của các tỉnh nhằm thúc đẩy hợp tác với các địa phương Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch.
Về phía Việt Nam, lãnh đạo Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm và đã có nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện cho các địa phương khu vực phía Bắc phát triển nhanh, bền vững và tăng cường hợp tác với các địa phương của Trung Quốc, trong đó có tỉnh Vân Nam.
Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng vào cơ sở vững chắc và những cơ hội lớn để thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trong hành lang kinh tế 5 tỉnh TP Việt-Trung, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh và không gian hợp tác giữa hai bên.
Tạo thuận lợi hơn nữa cho nhân dân khu vực biên giới an cư, tăng cường giao thương
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng gợi mở các địa phương cần quyết tâm cao hơn nữa, chủ động và sáng tạo hơn nữa để góp phần thực hiện tốt các thỏa thuận và nhận thức chung Cấp cao, nỗ lực không ngừng để củng cố, vun đắp cho quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc phát triển ngày càng bền vững.
Cùng với đó, cần hết sức chú trọng nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có, đi đôi với việc cùng nghiên cứu, trao đổi để thiết lập các khuôn khổ, mô hình hợp tác mới phù hợp với tiềm năng, lợi thế, điều kiện và ưu tiên phát triển của các địa phương hai bên, nhằm tạo ra những bước đột phá trong hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư; đẩy nhanh kết nối hạ tầng giao thông, nhất là đường bộ và đường sắt khu vực biên giới; mở rộng hợp tác văn hóa - du lịch; đẩy mạnh giao lưu nhân dân giữa các địa phương, đặc biệt là cho thế hệ trẻ.
Đồng thời, tăng cường hợp tác để quản lý tốt và sử dụng an toàn, hiệu quả, bền vững nguồn nước; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực; bảo đảm sinh kế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người dân hai bên.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ để củng cố vững chắc đường biên giới hòa bình, hữu nghị; đẩy nhanh việc mở mới, nâng cấp một số cửa khẩu phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển cho từng thời kỳ; tạo thuận lợi hơn nữa cho nhân dân khu vực biên giới an cư, lạc nghiệp và tăng cường giao thương.
“Với quyết tâm cao của các địa phương và sự tham gia tích cực, hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp hai bên, tôi tin tưởng rằng, hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, TP Việt-Trung sẽ đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong thời gian tới, góp phần đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc ngày càng phát triển”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
3 cụm chủ đề trung tâm
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, đây là sự kiện đối ngoại chính trị và kinh tế thiết thực chào mừng kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển, cùng có lợi giữa các tỉnh, TP trong Hành lang kinh tế.
Với chủ đề “Mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, TP hàng lang kinh tế Việt - Trung nhằm phát triển kinh tế trong tình hình mới”, Hội nghị hướng tới mục tiêu tiếp tục phát huy hiệu quả và duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa các địa phương, đề ra các nội dung hợp tác thực chất, có tính khả thi cao, phù hợp với yêu cầu phát triển và tiềm năng, lợi thế của các bên.
Theo chương trình, tại hội nghị, các địa phương của Việt Nam và Trung Quốc sẽ thảo luận về những cơ hội hợp tác cũng như khó khăn, thách thức, chia sẻ kinh nghiệm và kiến nghị hợp tác trên 3 cụm chủ đề trung tâm bao gồm đầu tư, thương mại; văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục; giao thông vận tải, logistics.
Với tinh thần đổi mới, hợp tác cùng phát triển, Chủ tịch UBND TP Hà Nội tin tưởng rằng Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, TP Việt - Trung lần thứ 10 sẽ đạt được những kết quả quan trọng, làm nền tảng thúc đẩy các hoạt động hợp tác chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, toàn diện hơn giữa các địa phương trong Hành lang kinh tế nói riêng và giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc nói chung.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương, trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn duy trì là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Về thương mại, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhật khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 175,6 tỷ USD. 10 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 138,9 tỷ USD, giảm 5,88% so với cùng kỳ năm 2022.
Về đầu tư, tính đến nay các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 4.032 dự án, tổng vốn đăng ký trên 26 tỷ USD, đứng thứ 6 trong tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Về hợp tác phát triển, Chính phủ Trung Quốc thời gian qua đã cung cấp cho Việt Nam các khoản vay tín dụng ưu đãi, viện trợ không hoàn lại để triển khai dự án trong các lĩnh vực như phát triển hạ tầng, y tế, văn hoá, giáo dục… đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam.