1. Trang chủ /
  2. Thúc đẩy thành lập Mô hình liên ngành một điểm dừng hỗ trợ ban đầu cho phụ nữ bị bạo lực

Thúc đẩy thành lập Mô hình liên ngành một điểm dừng hỗ trợ ban đầu cho phụ nữ bị bạo lực

thứ năm, 6/4/2023 21:13 GMT+07
Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em. Điểm nhấn là việc nghiên cứu, thành lập Mô hình liên ngành một điểm dừng hỗ trợ ban đầu cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại.
Các đại biểu Hội LHPN TP Hà Nội thăm mô hình “Địa chỉ tin cậy-nhà tạm lánh cộng đồng quận Hoàn Kiếm”
Các đại biểu Hội LHPN TP Hà Nội thăm mô hình “Địa chỉ tin cậy-nhà tạm lánh cộng đồng quận Hoàn Kiếm”

Hiệu quả từ mô hình “Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh cộng đồng" quận Hoàn Kiếm

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành từ năm 2007 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2008, đến nay, sau 15 năm triển khai, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong thực tế, bạo lực gia đình vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp với mức độ nghiêm trọng.

Trên địa bàn Hà Nội, từ năm 2019-2021, thành phố có 387 vụ bạo lực gia đình, trong đó nạn nhân chủ yếu là phụ nữ. Từ năm 2020-2022, Tòa án thụ lý 260 vụ xâm hại trẻ em, trong đó trẻ em nữ chiếm đại đa số. Bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật phòng ngừa bạo lực, việc phát hiện giải quyết kịp thời các vụ việc bạo lực, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em là yêu cầu cấp thiết.

Để nâng cao công tác phòng chống bạo lực, UBND thành phố Hà Nội đã thí điểm thành lập mô hình “Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh cộng đồng" quận Hoàn Kiếm.

“Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh cộng đồng quận Hoàn Kiếm” tại 360 phố Phúc Tân (phường Phúc Tân)

“Ðịa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh cộng đồng" được hiểu là nơi trú ẩn khẩn cấp cho nạn nhân của bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, do đó đây phải là những nơi đem đến sự an toàn cho các nạn nhân. Với mục đích đó, mô hình điểm “Địa chỉ tin cậy – nhà tạm lánh cộng đồng" quận Hoàn Kiếm được triển khai thực hiện thí điểm từ tháng 8/2018 tại 360 Phúc Tân (phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội.

Sau 3 năm từ 2018 đến 2020, mô hình đã hỗ trợ 6 vụ việc, 73 cuộc hỗ trợ qua điện thoại. Năm 2022 vừa qua, mô hình đã hỗ trợ 3 vụ, 25 cuộc hỗ trợ qua điện thoại. Từ đầu năm 2023 đến nay đã hỗ trợ 1 vụ, 8 cuộc hỗ trợ qua điện thoại....

Đến đây, họ được tư vấn về tâm lý, pháp luật cơ bản, chăm sóc sức khỏe, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ ban đầu về tạm lánh khẩn cấp và chuyển tuyến trong trường hợp cần thiết. Sau đó, các đội ngũ cán bộ, cộng tác viên tại quận sẽ hỗ trợ họ trở về gia đình sau thời gian tạm lánh khi bảo đảm đủ an toàn; Tiếp tục theo dõi, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập, giúp bạo lực không tái diễn. Trung tâm có hai đường dây nóng 024.38252627 và 0988.528.568, giúp các nạn nhân của bạo lực gia đình có thể liên hệ khẩn cấp 24/24 giờ để kịp thời ứng phó với tình huống bạo lực; Tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân khi có thông tin…

Qua thời gian triển khai hoạt động, mô hình “Địa chỉ tin cậy – Nhà tạm lánh” tại địa bàn quận Hoàn Kiếm đã khẳng định được sự cần thiết và hữu ích đối với cộng đồng, góp phần đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ và trẻ em trước tình hình bạo lực gia đình, bạo lực giới ngày càng gia tăng.

Để mô hình đạt hiệu quả cao, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức các hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng phòng chống bạo lực trên cơ sở giới cho các cán bộ làm công tác trẻ em của 18 phường và 556 lượt cộng tác viên tại địa bàn dân cư. Đặc biệt, có 681 lượt chủ nhà trọ trên địa bàn được tập huấn các kỹ năng phát hiện, tự vệ và cung cấp thông tin về bạo lực trên cơ sở giới.

Theo ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, để tiếp tục phát huy kết quả đạt được của Mô hình Địa chỉ tin cậy – Nhà tạm lánh, trong thời gian tới, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ nghiên cứu nâng cấp địa chỉ, bổ sung cơ sở vật chất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mô hình; Nghiên cứu các quy định của thành phố để mở rộng đối tượng được tạm thời đưa vào mô hình.

Xúc tiến thành lập Mô hình liên ngành một điểm dừng hỗ trợ ban đầu cho phụ nữ

Tại tọa đàm khảo sát, đánh giá mô hình “Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh cộng đồng quận Hoàn Kiếm” vừa diễn ra tại Hà Nội, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh cho biết, thực hiện Quyết định số 3101/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Đề án “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2026”, thành phố giao Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội chủ trì nghiên cứu, thành lập Mô hình liên ngành một điểm dừng hỗ trợ ban đầu cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại.

Mô hình liên ngành tới đây được thành lập với mục tiêu đặt ra là phối hợp thực hiện hỗ trợ ban đầu, giúp nạn nhân bị bạo lực, xâm hại ổn định tâm lý, sức khỏe, tư vấn pháp luật, hướng dẫn thủ tục, hỗ trợ kết nối tới các cơ quan điều tra, đảm bảo an toàn cho nạn nhân. Việc đánh giá các hoạt động, cơ chế phối hợp trong tổ chức triển khai mô hình “Địa chỉ tin cậy – nhà tạm lánh cộng đồng quận Hoàn Kiếm” sẽ giúp cung cấp dữ liệu cho Hội LHPN Hà Nội trong quá trình nghiên cứu, triển khai thành lập thí điểm Mô hình liên ngành.

Các đại biểu Hội LHPN TP Hà Nội thăm mô hình “Địa chỉ tin cậy-nhà tạm lánh cộng đồng quận Hoàn Kiếm”

Bà Trịnh Thị Huệ, Chủ tịch Hội LHPN quận Hoàn Kiếm, Phó ban quản lý mô hình đề xuất cần tiếp tục duy trì các hoạt động của mô hình, đồng thời cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp Hội Phụ nữ, cán bộ Hội trong công tác tuyên truyền, phòng ngừa, phối hợp với chính quyền và các ngành chức năng, kịp thời hỗ trợ các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bạo lực…

Các ý kiến khác tại tọa đàm cũng thống nhất mô hình “Địa chỉ tin cậy-nhà tạm lánh cộng đồng quận Hoàn Kiếm” đã phát huy hiệu quả trong việc chăm sóc ban đầu đối với các trường hợp bị bạo lực, bạo hành, xâm hại... Nhiều đối tượng có hành vi bạo lực, bạo hành khi thấy người thân được công đồng nuôi dưỡng, chăm sóc cũng như được tuyên truyền, giáo dục, răn đe đã có thay đổi về nhận thức, hành vi...

Tại tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thành lập, vận hành mô hình; Công tác phối hợp liên ngành trong thực tiễn vận hành mô hình. Các đại biểu cũng nêu lên những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân và kinh nghiệm; Đồng thời, kiến nghị, đề xuất để xây dựng mô hình bảo đảm tính hiệu quả, thiết thực, góp phần tham gia giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ và trẻ em trên địa bàn thành phố.