Thực hư việc tu sửa cấp thiết di tích đặc biệt đình Chèm hơn 2.000 năm tuổi
Theo tìm hiểu của PV, Đình Chèm, phường Thuỵ Phương đã xếp hạng di tích cấp Quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2080/QĐ-TTg ngày 25/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ, hiện do UBND quận Bắc Từ Liêm quản lý trực tiếp theo phân cấp của UBND Thành phố Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại, đình Chèm đã có niên đại hơn 2.000 năm tuổi.
Theo tìm hiểu của PV Báo Pháp luật Việt Nam, trước khi triển khai thực hiện việc tu sửa cấp thiết, ngày 17/6/2020, chủ đầu tư là Ban QLDA Đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm đã có văn bản gửi Sở VHTT&DL Hà Nội về việc, xin ý kiến việc tu sửa cấp thiết di tích Quốc gia đặc biệt đình Chèm.
Sau khi có văn bản từ chủ đầu tư, ngày 24/6/2020, Sở VHTT&DL Hà Nội đã có văn bản số 1614 gửi UBND TP Hà Nội. Trong văn bản này, Sở VHTT&DL cho biết, hiện tại UBND quận Bắc Từ Liêm đang triển khai lập nhiệm vụ, lập quy hoạch đình Chèm và lập Dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đình Chèm theo chấp thuận của UBND Thành phố.
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh thì việc triển khai đầu tư dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đình Chèm chỉ được thực hiện khi Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể di tích.
Tuy nhiên, để kịp thời khắc phục tình trạng xuống cấp, bảo đảm bền vững cho di tích Quốc gia đặc biệt đình Chèm; Căn cứ nội dung hướng dẫn tại Điều 19, 20 Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2019 của Bộ VHTT&DL quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Căn cứ quy định phân cấp quản lý di tích ban hành theo Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND ngày 16/9/2016 của UBND Thành phố.
Sở VHTT&DL đề nghị UBND TP chấp thuận chỉ đạọ giao UBND quận Bắc Từ Liêm chủ động thực hiện việc tu sửa cấp thiết di tích Quốc gia đặc biệt đình Chèm bằng nguồn vốn ngân sách Quận và nguồn kinh phí xã hội hoá.
Chỉ đạo các Sở, ngành phối hợp với UBND quận Bắc Từ Liêm trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, báo cáo và triển khai thực hiện việc tu sửa cấp thiết di tích Quốc gia đặc biệt đình Chèm theo quy định.
Sau khi Sở VHTT&DL có văn bản số 1614, ngày 13/7/2020, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã ký công văn số 3061 gửi Sở VHTT&DL, UBND quận Bắc Từ Liêm.
Theo đó, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý thống nhất chủ trương đề xuất của Sở VHTT&DL về việc tu sửa cấp thiết di tích Quốc gia đặc biệt đình Chèm, phường Thuỵ Phương, quận Bắc Từ Liêm.
Giao Sở VHTT&DL hướng dẫn UBND quận Bắc Từ Liêm thực hiện đảm đúng quy định pháp luật.
Tiếp đến, ngày 20/11/2020, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lưu Ngọc Hà ban hành Quyết định việc phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật Dự án tu bổ cấp thiết di tích Quốc gia đặc biệt đình Chèm.
Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng; Quy mô, chỉ tiêu kỹ thuật và giải pháp thiết kế chủ yếu của công trình, tu bổ trên nguyên tắc giữ nguyên quy mô vốn có của các hạng mục di tích gốc.
Bảo tồn tối đa các cấu kiện kiến trúc gỗ còn khả năng sử dụng. Loại bỏ các cấu kiện hư hỏng nặng không còn khả năng sử dụng do mối mọt, mục, mùn nứt gãy gây ảnh hưởng tới kết cấu của di tích, thay thế bằng các cấu kiện mới gia công bằng gỗ lim có qua xử lý mối mọt.
Hình dáng và hoạ tiết hoa văn trang trí trên các cấu kiện phục chế phải đúng với cấu kiện nguyên gốc của di tích, phù hợp và ăn khớp với các bộ phận liên quan khác.
Bổ sung các cấu kiện mới thay thế cấu kiện bị mất hoặc bị sai lệch trong lần tu bổ trước đây. Các thành phần bổ sung phải đảm bảo nguyên tắc hình thức kiến trúc cổ truyền và phù hợp với di tích gốc.
Trong báo cáo kinh tế kỹ thuật, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lưu Ngọc Hà cũng yêu cầu giữ nguyên các cây lưu niên trong di tích.
Trao đổi với PV Báo Pháp luật Việt Nam về quá trình triển khai thực hiện dự án và việc chặt hạ cây đa nhiều năm tuổi ngay trong di tích đình Chèm, ông Nguyễn Vă Lương, giám sát thi công dự án cho biết: “Hiện đơn vị thi công và chủ đầu tư đang triển khai tu sửa những hạng mục xuống cấp cấp thiết theo đúng các văn bản chỉ đạo của UBND TP Hà Nội và Sở VHTT&DL. Đối với cây đa nhiều năm tuổi ở ngay trong di tích không nằm trong phạm vi dự án”.
“Việc chặt cây đa trong di tích là do một số cụ quản lý bảo vệ di tích chặt vì các cụ cho rằng, cây đa Ấn Độ được một mạnh thường quân cung tiến từ năm 1996 mang về đây trồng. Tuy nhiên thời gian qua, do cây đa bị nghiêng về phía cổng đình nên sợ cây đổ đè vào cổng đình nên các cụ đã chặt hạ”.
“Trước khi chặt hạ, nhiều năm trước đó, các cụ quản lý di tích cũng đã báo cáo về tình trạng cây đa bị nghiêng cho UBND phường Thuỵ Phương nắm biết”, ông Lương cho hay.
Còn theo một cán bộ Ban QLDA Đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm cho biết: “Việc chặt cây đa là do các cụ quản lý di tích làm, phía chủ đầu tư không thực hiện, vì cây đa không nằm trong phạm vi thực hiện dự án”.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục đưa tin về dự án này.