1. Trang chủ /
  2. THỰC TIỄN SINH ĐỘNG ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG: Đường lối, chủ trương sát thực tiễn, sớm đi vào cuộc sống

THỰC TIỄN SINH ĐỘNG ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG: Đường lối, chủ trương sát thực tiễn, sớm đi vào cuộc sống

thứ hai, 3/10/2022 09:33 GMT+07
Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chủ trương lớn, các nghị quyết là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng, là khởi nguồn của các chính sách, luật pháp, kế hoạch, đề án về phát triển các lĩnh vực của đời sống xã hội được triển khai trong thực tiễn. Đổi mới việc xây dựng, ban hành và nâng cao chất lượng các nghị quyết của Đảng tạo cơ sở đưa chủ trương, đường lối vào cuộc sống nhanh và hiệu quả, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy đảng.
Đại hội XIII của Đảng đề ra sáu nhiệm vụ trọng tâm và ba đột phá chiến lược cho lộ trình hiện thực mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. (Ảnh: DUY LINH) Đại hội XIII của Đảng đề ra sáu nhiệm vụ trọng tâm và ba đột phá chiến lược cho lộ trình hiện thực mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. (Ảnh: DUY LINH)

Xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng là nhiệm vụ chính trị thường xuyên trong hoạt động của các cấp ủy đảng. Làm tốt công việc này, các cấp ủy đảng nâng cao tính khoa học, giữ vững và tăng cường vai trò, năng lực và hiệu quả lãnh đạo đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội. Khảo sát kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị tại các địa phương, đơn vị càng khẳng định để mỗi nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống và thực hiện đạt hiệu quả cao, cần bảo đảm yêu cầu về lý luận, tính nguyên tắc, định hướng, đồng thời đáp ứng đòi hỏi giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn khách quan, có tính khả thi cao.

Rút ngắn khoảng cách giữa nghị quyết và cuộc sống

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI được ban hành ngày 16/1/2012, sau một năm của nhiệm kỳ Đại hội XI. Với thái độ nhìn thẳng vào sự thật, tư duy tạo sự đột phá mạnh mẽ về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Trung ương chọn tập trung vào 3 vấn đề cấp bách nhất. Mục tiêu được đề cập trong nghị quyết chỉ vỏn vẹn 81 từ và phần lớn nội dung của nghị quyết là 4 nhóm giải pháp. Mỗi nhóm giải pháp có từ 3 đến 7 công việc cụ thể mà Đảng chỉ đạo, yêu cầu các cấp, các ngành khẩn trương thực hiện, trong đó, có công việc được ấn định thời gian hoàn thành là ngay trong năm 2012.

Lần đầu tiên, Trung ương nhận ra vấn đề cấp bách xuất phát từ thực tiễn là phải xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và chỉ trong một năm, Ban Tổ chức Trung ương đã hoàn thiện đề án. Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương thảo luận dân chủ, chi tiết về quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, thống nhất mục tiêu, yêu cầu, đối tượng, tiêu chuẩn và độ tuổi. Đến nay, các nhóm giải pháp trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI vẫn đang được các cấp ủy đảng thực hiện nghiêm túc, nhiều công việc trở thành nền nếp.

5 năm sau, Đảng ta đánh giá việc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã tạo được những chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị, nhưng một số việc chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Trung ương ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, tập trung chỉ rõ 27 biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đề ra 4 nhóm giải pháp cơ bản, quan trọng, với 29 giải pháp cụ thể. Từ khi bắt đầu đổi mới đến trước Đại hội lần thứ XII của Đảng, vấn đề suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên liên tục được Đảng ta cảnh báo.

Thế nhưng trong đấu tranh tự phê bình và phê bình, trong dư luận vẫn băn khoăn không biết làm thế nào, căn cứ vào đâu để chỉ rõ “một bộ phận không nhỏ” đó. Sự ra đời của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn. Và sau 5 năm, thực tiễn đã chứng minh, từ Trung ương đến cấp ủy đảng các cấp, việc nhận diện, đấu tranh, loại trừ “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái đã trở thành quyết tâm chính trị và việc làm thường xuyên.

Nhiều địa phương có cách làm sáng tạo, cụ thể hóa 27 biểu hiện thành các biểu hiện chi tiết hơn để dễ nhận diện và thực hiện tại cơ sở. Tỉnh ủy Bắc Kạn cụ thể hóa thành 135 biểu hiện và phổ biến, triển khai thực hiện trong toàn đảng bộ. Tỉnh ủy Trà Vinh vận dụng thành 82 nội dung biểu hiện, đồng thời phân tích, làm rõ từng nội dung. Tỉnh ủy Vĩnh Long cụ thể hóa 27 biểu hiện thông qua 2 phiếu tự đánh giá. Tỉnh ủy Hậu Giang cụ thể hóa thành 71 dấu hiệu nhận biết với 3 mức độ khác nhau. Tỉnh Ninh Bình cụ thể hóa thành 90 biểu hiện cùng với quy định “10 xây”, “10 chống” giúp cán bộ, đảng viên nhận diện đầy đủ, dễ thực hiện soi chiếu, khắc phục...

Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, tăng cường kiểm tra, giám sát trên cơ sở 27 biểu hiện suy thoái đã giúp cấp ủy đảng các cấp phát hiện, đấu tranh và ngăn ngừa, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm, xua tan sự hoài nghi về “một bộ phận không nhỏ”, là cơ sở vững chắc để Đảng ta tiếp tục thực hiện các giải pháp làm trong sạch đội ngũ, vững mạnh tổ chức. Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Trung ương thảo luận và thống nhất cao tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, đồng thời ban hành Kết luận số 21-KL/TW, trong đó bổ sung nhấn mạnh thêm 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Phương châm đổi mới cách ban hành nghị quyết, chỉ ra nghị quyết khi thật cần thiết, không ra quá nhiều nghị quyết ở một nhiệm kỳ đã được Trung ương và các cấp ủy đảng kiên trì thực hiện. Trước khi ban hành nghị quyết, các cơ quan tham mưu của Trung ương đều khảo sát thực tế, tổ chức nhiều hội thảo ghi nhận ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý, cán bộ, đảng viên, bảo đảm cho đường lối, chính sách của Đảng là sản phẩm trí tuệ của Đảng, đồng thời là sự kết tinh trí tuệ và tình cảm của mọi tầng lớp xã hội, thể hiện sinh động “ý Đảng, lòng dân”.

Với những nghị quyết có nội dung mới liên quan đến tổ chức, bộ máy, cơ chế hoạt động (như Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII), Trung ương đều tổ chức thực hiện thí điểm, sơ kết, rút kinh nghiệm, sau đó nhân rộng. Nhiệm kỳ Đại hội XIII, nghị quyết của Đại hội đã nhanh chóng được triển khai học tập, quán triệt, được Trung ương, Bộ Chính trị sớm cụ thể hoá thành những quy định sát thực tế, cập nhật chủ trương, yêu cầu mới. Trong đó, đồng chí Tổng Bí thư trực tiếp chủ trì một số hội nghị, thể hiện sự đổi mới trong nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII chuyên sâu theo các lĩnh vực, theo tinh thần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường xuyên quán triệt là “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”.

Không lý luận suông, rõ trách nhiệm và thời gian

Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành các chương trình công tác, kế hoạch, đề án cụ thể để triển khai trong hệ thống chính trị và toàn xã hội là phương thức lãnh đạo quan trọng, hiệu quả của các cấp ủy đảng, thể hiện năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng. Những nhiệm kỳ trước, sau khi có nghị quyết đại hội, đảng bộ các cấp thường phải mất gần 2 năm để hoàn thành việc học tập, quán triệt nghị quyết, ban hành chương trình hành động, thêm một năm để ban hành các chương trình, kế hoạch công tác.

Công việc chưa triển khai được bao nhiêu, năm thứ 4 của nhiệm kỳ đã lại bắt đầu chuẩn bị cho đại hội nhiệm kỳ mới. Nhiệm kỳ 2020-2025, Trung ương yêu cầu các cấp ủy đảng chuẩn bị dự thảo nghị quyết đại hội, chương trình hành động (gồm những định hướng lớn, nội dung cơ bản của báo cáo chính trị) để đại hội thảo luận, quyết định. Việc chuẩn bị và thảo luận chương trình hành động ngay trong quá trình chuẩn bị đại hội bảo đảm việc phát huy dân chủ, kỹ lưỡng, sâu sắc, hiệu quả, tránh qua loa, hình thức. Khảo sát tại tỉnh Bình Dương, cấp ủy các cấp đã làm tốt công việc này.

Tại thị xã Bến Cát, sau đại hội đảng bộ thị xã 3 tháng, Thị ủy đã ban hành các chương trình, đề án công tác cụ thể cho các lĩnh vực. Theo đồng chí Tô Văn Sang, Trưởng Ban Tuyên giáo Thị ủy, để tránh tình trạng “nghị quyết chồng nghị quyết”, trước khi ban hành, Thị ủy giao Ban Tuyên giáo rà soát các nghị quyết còn hiệu lực, nếu thấy dự thảo nội dung nghị quyết mới không có gì đột phá thì chỉ bổ sung vào chương trình công tác để thực hiện. Nghị quyết cũng đề ra lộ trình thực hiện, phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng, nên đến nay, một số địa phương trong thị xã đã hoàn thành được 2/3 chỉ tiêu nghị quyết.

Tại huyện Bàu Bàng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Võ Thành Giàu chia sẻ: Với quan điểm mỗi quyết nghị là một chương trình hành động chứ không bàn lý luận suông, Huyện ủy đều tổ chức các hội thảo để cập nhật những yêu cầu, khó khăn từ thực tế cũng như dự báo xu thế phát triển. Nhờ vậy, 3 chương trình công tác đột phá thực hiện nghị quyết của Huyện ủy đã tạo hiệu quả rõ nét. Năng lực lãnh đạo, cụ thể hóa, thể chế hóa nghị quyết của cấp ủy đảng đã được thể hiển rõ ở “sản phẩm” là hoạt động của chính quyền, nổi bật là hiệu quả công tác thu hút đầu tư. Hiện nay, theo thống kê, huyện có 215 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 4,65 tỷ USD, cao hơn 43 tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

Với quan điểm mỗi quyết nghị là một chương trình hành động chứ không bàn lý luận suông, Huyện ủy đều tổ chức các hội thảo để cập nhật những yêu cầu, khó khăn từ thực tế cũng như dự báo xu thế phát triển. Nhờ vậy, 3 chương trình công tác đột phá thực hiện nghị quyết của Huyện ủy đã tạo hiệu quả rõ nét. - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Võ Thành Giàu

Khảo sát thực tế cho thấy, việc cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống có nhanh, kịp thời, phù hợp và hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào năng lực lãnh đạo của cấp ủy và sự tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Trong triển khai thực hiện, cần quan tâm việc kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết.

Việc sơ kết, tổng kết nhằm chỉ ra những hạn chế, những vấn đề phát sinh trong thực tiễn để từ đó gợi mở ban hành các văn bản chỉ đạo tiếp theo có chất lượng hơn. Cùng với nghị quyết toàn khóa, nhiều cấp ủy đảng đã ban hành các nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá; khắc phục điểm yếu, giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp của địa phương.

Tỉnh ủy Kon Tum yêu cầu các cấp ủy chỉ ban hành nghị quyết trong 2 năm đầu của nhiệm kỳ để có đủ thời gian tập trung đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá sơ kết và tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện. Tỉnh ủy Quảng Ninh có quy định cụ thể, khoa học về quy trình ban hành nghị quyết; yêu cầu lấy ý kiến phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan liên quan, những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp (doanh nghiệp, người dân...) nên khi triển khai thực hiện sớm có sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Do vậy, các nghị quyết của Tỉnh ủy Quảng Ninh đều có những điểm mới sáng tạo, phát hiện những nút thắt, điểm nghẽn và tìm ra giải pháp đột phá. Tỉnh ủy kiên trì thực hiện phương châm “3 rõ” (rõ việc, rõ trách nhiệm thực hiện, rõ thời gian hoàn thành), gắn trách nhiệm người đứng đầu, bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch.

Định hướng lớn và những mối quan tâm cụ thể

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng yêu cầu: “Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng nâng cao năng lực dự báo, tầm nhìn chiến lược trong hoạch định đường lối, chủ trương; đổi mới việc xây dựng, ban hành và nâng cao chất lượng các nghị quyết của Đảng; khắc phục tình trạng ban hành nghị quyết chưa sát thực tiễn, thiếu tính khả thi.

Đồng thời, nâng cao năng lực thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả”. Yêu cầu này xuất phát từ thực tế hiện nay, việc thể chế hóa một số chủ trương, nghị quyết của Đảng thành pháp luật của Nhà nước chưa đầy đủ, kịp thời. Ví dụ như về công tác tổ chức, cán bộ, qua rà soát, hiện nay còn 29 nội dung chưa thống nhất giữa pháp luật của Nhà nước với quy định của Đảng. Khảo sát tại các địa phương, vẫn còn tình trạng nghị quyết của cấp ủy cấp dưới “mô phỏng” nghị quyết cấp ủy cấp trên.

Các nghị quyết được tập trung triển khai mạnh trong vài năm đầu, sau đó chùng xuống, địa phương xoay sang chỉ đạo thực hiện nghị quyết khác. Nếu kết quả không đạt yêu cầu của nghị quyết, khi sơ kết, tổng kết cũng không chỉ rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể. Thiếu cơ chế quy định trách nhiệm của cấp ủy, cơ quan chủ trì và người đứng đầu trong triển khai thực hiện nghị quyết, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên nếu có chỉ tiêu nghị quyết không đạt.

Cá biệt, có nơi coi văn kiện đại hội đảng bộ địa phương là “khuôn vàng, thước ngọc”, nên các nghị quyết có xu hướng minh họa đơn giản văn kiện của đại hội, thiếu tính phong phú, sống động của thực tiễn, càng không có tính dự báo, khả thi. Trao đổi với chúng tôi, nhiều đồng chí lãnh đạo cấp ủy các địa phương chia sẻ băn khoăn, các nghị quyết của cấp ủy đảng các cấp thường thiếu nội dung về nguồn lực để triển khai thực hiện, nhất là đối với các nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư xây dựng hạ tầng...

Hay việc để các nghị quyết “ngắn gọn, dễ tiếp thu, dễ nhớ, dễ thực hiện”, có cần thiết phải nêu thực trạng tình hình không, hay chỉ cần tập trung vào mục tiêu và các giải pháp. Làm thế nào để tránh “tư duy nhiệm kỳ” khi ban hành nghị quyết? Nghị quyết nào thì cần xác định “thời gian thực hiện”? Cấp ủy cấp trên có cần tham gia thẩm định chương trình công tác của cấp ủy cấp dưới; hay cơ chế kiểm soát việc thể chế hóa nghị quyết thành pháp luật, chính sách, chương trình, kế hoạch như thế nào?...

Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị cũng chính là yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng các cấp đối với việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng. Đây cũng là công việc thể hiện rõ nhất năng lực, trình độ, phẩm chất của đội ngũ cán bộ các cấp; đồng thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn bảo đảm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước ■