1. Trang chủ /
  2. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và những dấu ấn trong đối ngoại quốc phòng

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và những dấu ấn trong đối ngoại quốc phòng

thứ ba, 19/9/2023 13:30 GMT+07
Rạng sáng ngày 14/9, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã qua đời vì bệnh hiểm nghèo. 64 năm cuộc đời, hơn 40 năm quân ngũ của ông đã để lại nhiều di sản quan trọng trong lĩnh vực tình báo quốc phòng, đối ngoại quốc phòng và góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam chính quy, hiện đại.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore.

Vị tướng có tầm nhìn chiến lược

Sau một thời gian lâm bệnh nặng, dù đã được tận tình chăm sóc, cứu chữa, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh qua đời hồi 1h17 ngày 14/9/2023, tại nhà riêng ở Hà Nội.

Sáng qua (18/9), tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng và gia đình đã tổ chức trọng thể lễ viếng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh theo nghi thức Lễ tang cấp cao. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh... gửi vòng hoa viếng.

Lễ tang Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.
Lễ tang Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.

Trong niềm xúc động và tiếc thương, các đoàn đại biểu của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Quân đội và các ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương; đại diện các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường... thuộc Bộ Quốc phòng; các đoàn đại biểu quốc tế… đã vào viếng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai ghi sổ tang: “Đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng cho công tác tình báo, công tác đối ngoại quốc phòng, góp phần xây dựng Quân đội chính quy, hiện đại; đóng góp to lớn cho Đảng, Nhà nước và nhân dân. Hơn 40 năm trong quân ngũ, luôn giữ gìn và phát huy truyền thống gia đình cách mạng; ở cương vị nào cũng nêu cao trách nhiệm, tâm huyết, tận tụy với nhiệm vụ được giao”.

Thương tiếc Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và chia buồn sâu sắc cùng gia quyến, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng viết: “Đồng chí là vị tướng lĩnh có tầm nhìn chiến lược để có nhiều đóng góp cho sự nghiệp chung của Đảng, nhân dân và Quân đội, nhất là trong lĩnh vực tình báo, đối ngoại quốc phòng”.

Trong sổ tang, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, viết: “Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng và cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân vô cùng thương tiếc Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Gần nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, dù ở cương vị công tác nào, đồng chí cũng luôn nêu cao phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” và người đảng viên cộng sản, một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó. Đồng chí là người cán bộ, chỉ huy, vị tướng của Quân đội gương mẫu, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, quyết đoán, có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng Quân đội, ngành tình báo quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia; sống trung thực, khiêm tốn, giản dị, giàu lòng nhân ái, gắn bó, yêu thương đồng chí, đồng đội và gần gũi mọi người. Đồng chí là tấm gương sáng cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân học tập, noi theo. Vĩnh biệt đồng chí, cán bộ, chiến sĩ toàn quân bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn; xin dâng nén tâm nhang tiễn biệt đồng chí về nơi yên nghỉ cuối cùng và gửi lời chia buồn sâu sắc đến toàn thể gia quyến của đồng chí”.

Từ chối đi nước ngoài, xin vào chiến trường

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, sinh ngày 15/5/1957 (tuổi công tác), tuổi thực 15/5/1959; quê quán: xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế; trú quán: 74 đường Tân Nhuệ, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Ông là con trai của cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân, vị “đại tướng của nông dân, của lòng dân, tình dân”.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai ghi sổ tang.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai ghi sổ tang.

Thượng tướng Vịnh nhập ngũ tháng 10/1976. Tháng 8/1983, ông tốt nghiệp Trường Sĩ quan Chỉ huy Kỹ thuật Thông tin, nay là Trường Đại học Thông tin liên lạc, với quân hàm Trung úy. Là con của cán bộ cấp cao, được đặc cách gửi sang học tập tại Liên Xô nhưng ông từ chối, xin đi chiến trường Campuchia. Trung úy Nguyễn Chí Vịnh được điều về Đoàn 817, đơn vị tình báo trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại chiến trường Campuchia.

Trưởng thành qua nhiều cương vị công tác trong ngành tình báo quốc phòng (TBQP), tháng 11/1999, ông được bổ nhiệm làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TBQP, sau đó giữ chức Tổng cục trưởng. Tháng 3/2009, Trung tướng Vịnh được bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục TBQP. Từ cuối năm 2009, ông thôi kiêm nhiệm chức vụ Tổng cục trưởng Tổng cục TBQP.

Trong 12 năm đảm nhiệm trọng trách Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách công tác đối ngoại, Thượng tướng Vịnh không chỉ là người kiến tạo hoạch định chính sách đối ngoại quốc phòng mà còn trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện các hoạt động quan trọng này.

Thượng tướng Vịnh là người đầu tiên phát biểu công khai về chính sách quốc phòng “3 không” của Việt Nam vào năm 2010: Không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia.

Thượng tướng Vịnh đã tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng triển khai xây dựng, đưa Cảng Quốc tế Cam Ranh đi vào hoạt động, trở thành biểu tượng cụ thể và sinh động về chính sách quốc phòng “4 không” và “1 tùy” hiện nay của Việt Nam. (“4 không” là: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; “1 tùy” là: Tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, chúng ta sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau).

Một trong những thành tựu nổi bật trong sự nghiệp của Thượng tướng Vịnh là đóng vai trò quan trọng để Việt Nam có sáng kiến về thiết lập Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Thông qua ADMM, ADMM+, một trong những hợp tác trong khu vực và quốc tế về quốc phòng, để khi đã có sự hiểu biết với nhau, đó là nhân tố để bảo đảm giữ gìn hòa bình ở khu vực và đóng góp cho hòa bình trên thế giới.

Như một “kiến trúc sư” của hợp tác an ninh khu vực, Thượng tướng Vịnh đã không ngừng thúc đẩy đối thoại, bồi đắp lòng tin giữa các quốc gia trong nỗ lực hóa giải những thách thức đối với khu vực. Ông đã tham dự và có những bài phát biểu ấn tượng tại Đối thoại Shangri-La, Diễn đàn đối thoại quốc phòng - an ninh lớn và quan trọng bậc nhất ở khu vực.

Thượng tướng Vịnh đặt nhiều tâm huyết và có đóng góp quan trọng trong việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc (PKO). Kết quả đạt được của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc của Việt Nam được đánh giá rất cao trên nhiều lĩnh vực quan trọng, tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế

Với các nước láng giềng có chung đường biên giới như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thượng tướng Vịnh đã có những sáng kiến, đề xuất để làm sao sự phối hợp, hiểu biết lẫn nhau, dẫn tới xây dựng mối quan hệ với các nước trên cơ sở quan hệ hợp tác quốc phòng là rất quan trọng.

Thượng tướng Vịnh đã có những đóng góp to lớn nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ để khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam. Vừa hoạt động ngoại giao chính thức, vừa vận dụng “ngoại giao nhân dân” qua các mối quan hệ với những nhân vật nổi bật trong chính giới Hoa Kỳ như Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, Thượng nghị sĩ John McCain, Thượng tướng Vịnh đã đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành công dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng, thúc đẩy dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa.

Ông cũng là người chỉ đạo thực hiện các hoạt động truyền thông làm cầu nối, là người thúc đẩy việc tìm kiếm thông tin và hài cốt các quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh, một trọng tâm trong chính sách ngoại giao của Việt Nam trong mối quan hệ với Hoa Kỳ...