Tiềm năng phát triển không gian sáng tạo bên bờ sông Hồng
Hội thảo do Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Viêt Nam, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam, phối hợp với UN - Habitat cùng UBND 4 quận Hoàn Kiếm, Long Biên, Ba Đình, Tây Hồ tổ chức.
Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội nhấn mạnh, Hà Nội đang tập trung thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW 2021, Nghị quyết 15-NQ/TW 2022 của Bộ Chính trị; Chủ trương, chính sách, quyết định của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; nhiều Nghị quyết của Thành ủy, chương trình hành động của UBND Thành phố, cho công cuộc phát triển quy hoạch - kiến trúc xứng đáng tầm vóc Thủ đô của đất nước.
Đặc biệt, Nghị quyết 15-NQ/TW 2022 của Bộ Chính trị nhấn mạnh việc coi nguồn lực văn hóa là nguồn lực mới để phát triển Thủ đô. Bên cạnh đó, Nghị quyết 12 của Chính phủ để hiện thực hóa Nghị quyết 15-NQ/TW 2022 có đưa ra vấn đề giao cho Hà Nội xây dựng không gian sáng tạo bên bờ sông Hồng.
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/Ttg ngày 26/07/2011 đã xác định sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo của Thủ đô.
Vì vậy, theo ông Đỗ Đình Hồng, đây là hội thảo vô cùng quan trọng nằm trong chuỗi sự kiện của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 để hiện thực các chủ trương của Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội. Hội thảo tạo ra cơ hội tập hợp các ý tưởng của các nhà đầu tư, các thành tố khởi nghiệp, nhằm phát huy, phát triển các giá trị văn hoá - lịch sử trong hình thành mẫu mực các không gian và mô hình hoạt động sáng tạo toàn diện, không chỉ cho Hà Nội mà còn cho cả nước.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Bá Nguyên - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho hay, trước kia, có nhiều lý do khiến Hà Nội chưa khai thác được nhiều giá trị sông Hồng trong đó có vấn đề về đê điều. Trong các năm 1994 và 2006, có nhà đầu tư Singapore lựa chọn xây dựng trên mảnh đất ngoài đê ở An Dương và sự giúp đỡ của phía Hàn Quốc trong việc lập quy hoạch hai bên bờ sông Hồng nhưng đến nay do nhiều vướng mắc nên chưa triển khai thực hiện được.
“Hiện nay, thành phố Hà Nội đã tham gia Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được UBND Thành phố phê duyệt. Đây chính là điều kiện thuận lợi để phát triển sông Hồng thành trục cảnh quan quan trọng, đặc biệt là khu vực Bãi Giữa sông Hồng nhằm tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan (trong đó có các không gian văn hóa sáng tạo và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô)”, ông Nguyên nói.
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, việc sử dụng bãi sông phải đảm bảo các điều kiện: Không gây cản lũ, làm mất không gian chứa lũ; không ảnh hưởng tới dòng chảy hoặc bị nguy hiểm, mất an toàn; không gây tổn thất về người và tài sản khi có lũ lớn; không gây ô nhiễm môi trường, chất lượng nguồn nước; tuân thủ các quy định của Luật Đê điều.
Bãi Giữa sông Hồng hiện nay.
Chia sẻ quan điểm tại Hội thảo, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long nhận định, khu vực Bãi Giữa sông Hồng là một quỹ đất đáng quý từ thiên nhiên ban tặng cho Thủ đô, tương phản với không gian sống chật chội của khu vực nội thị. Đây cũng là không gian duy nhất còn lại để có thể tạo dựng một không gian công cộng Xanh, Sinh thái và Văn hóa đầy hấp dẫn cho cộng đồng và khách du lịch. Đặc biệt là được trải nghiệm một không gian mở của Hà Nội, nhìn ra sông, hướng tới không gian công viên xanh sinh thái trên mặt nước.
Còn theo Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến, trong các Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô qua các thời kỳ, sông Hồng và các không gian Bãi Giữa, Bãi Bồi ven sông được xác định đóng vai trò là không gian xanh sinh thái đệm quan trọng của Thủ đô, là di sản thiên nhiên, trục cảnh quan thiên nhiên, trục giao thông đường thủy quan trọng kết nối khu vực nội đô cũ với các khu vực mới phát triển tại bắc sông Hồng, đảm bảo an toàn lũ, an ninh quốc phòng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Chủ tịch UBND quận Ba Đình cũng đề xuất các ý tưởng xây dựng Công viên sông Hồng. Cụ thể, công viên bao gồm: Khu vực đầu tư mới có phạm vi toàn bộ Bãi Giữa và khu vực ven sông; khu vực cải tạo chỉnh trang bao gồm khu dân cư tập trung bên ngoài đê thuộc các phường: Phúc Tân, Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), Phúc Xá (quận Ba Đình), Tứ Liên, Quảng An, Nhật Tân (quận Tây Hồ) và Ngọc Thụy (quận Long Biên); cùng với đó là các yếu tố kiến trúc có giá trị cần được kết nối như cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân, tháp nước Hàng Đậu… thuộc khu phố cổ, phố cũ.
Khu vực đầu tư mới nằm ở Bãi Giữa và ven sông Hồng được chia thành 3 phần chính, ngược theo “dòng thời gian - sông Hồng”, tương ứng các thời kỳ lịch sử: Khu vực quận Hoàn Kiếm - thời thị thành Phong kiến “trên bến dưới thuyền”; khu vực cầu Long Biên quận Long Biên, Ba Đình - thời kỳ cận hiện đại: Pháp thuộc và chiến tranh chống Pháp, Mỹ; khu vực quận Tây Hồ - thời đương đại: văn hoá, vui chơi giải trí kết hợp sinh thái… Khu vực cải tạo chỉnh trang cần tạo ra các trục kết nối về không gian - kết nối thị giác với khu vực phố cổ Hoàn Kiếm, phố cũ Ba Đình, khu vực đô thị mới của Tây Hồ và Long Biên.
Đồng thời, Chủ tịch UBND quận Ba Đình cũng đề xuất tạo dựng các quảng trường tại khu vực Bãi Giữa, tạo các điểm nhấn về không gian, về thị giác tại đây để kết nối với các điểm nhấn đô thị sẵn có như cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân - chợ Long Biên, tháp nước Hàng Đậu.
Tại Hội thảo, các nhà lãnh đạo, các nhà chuyên môn giàu kinh nghiệm và tràn đầy ý tưởng sáng tạo, cùng cộng đồng cũng đã tham luận và bàn thảo những giải pháp quy hoạch, phát triển và quản lý khu vực Bãi Giữa và trục sông Hồng. Qua đó, biến Bãi Giữa trở thành một không gian đậm chất văn hóa, có ích và cuốn hút cộng đồng trong các hoạt động nghỉ ngơi giải trí, khả thi và góp phần khai thác dịch vụ, du lịch ngày càng hấp dẫn cho Hà Nội, cung cấp sản phẩm nông nghiệp sinh thái bền vững cho người dân...