Tiền có mua được sức khỏe?
Tiền có mua được sức khỏe?
Vâng, để có sức khỏe, ta cần có tiền để có thể khám chữa bệnh ngay từ những triệu chứng đầu tiên. Vào bệnh viện, tôi chứng kiến những ca bệnh nặng, không thể can thiệp chỉ vì đưa đến quá muộn do tiếc tiền khám bệnh.
Ảnh minh họa
Ngược lại, một số bệnh nhân có rất nhiều tiền, nhưng không thể xoay chuyển tình thế bởi chủ quan với sức khỏe và mải miết trong vòng xoáy công việc. Khi vào viện, có người thốt ra trong nước mắt: “Bây giờ, có tiền tỷ cũng không mua nổi sức khỏe được nữa rồi”. Bệnh nhân đó là một người nổi tiếng, rất năng động, làm việc bất kể thời gian, nay ông nằm một chỗ, thở dốc, bất lực giữa hệ thống máy móc hỗ trợ nhằng nhịt xung quanh.
Trong phòng bệnh nhân nặng, vào giờ phút suy kiệt nhất, một cụ ông nói với người con trai đang ở nước ngoài rằng: “Bây giờ, bố không cần tiền nữa, chỉ cần con cháu bên cạnh thôi”. Có lẽ, khi chạm đến ranh giới sinh tử, ông hiểu rằng, đồng tiền không có giá trị bằng sự gần gũi chăm sóc của con cháu dành cho mình. Nhưng, thật đáng buồn, con của ông không thể về ngay được mà chỉ gọi điện, động viên bố của mình hàng ngày.
Tùy theo tính cách và mục đích của từng người mà đồng tiền được sử dụng khác nhau. Không hiếm những người ăn chơi, tiêu xài phung phí nhưng chi phí cho sức khỏe một đồng cũng tiếc. Ngược lại, có người quanh năm tiết kiệm, nhưng thường xuyên luyện tập, sinh hoạt điều độ, dám chi những khoản tiền lớn để đi kiểm tra sức khỏe ở các cơ sở y tế hiện đại nhất.
Tôi đã từng đọc được rằng: “Tiền mua được thuốc, nhưng không thể mua được sức khỏe”. Không thể phủ nhận, trong cuộc sống, có những giá trị không mua được bằng tiền. Nhưng nếu không có tiền, chúng ta sẽ rơi vào bất lực khi đột nhiên sức khỏe gặp vấn đề. Đồng tiền luôn có 2 mặt, vừa là ông chủ, vừa là đầy tớ. Nếu bạn thông minh, tiền sẽ là đầy tớ của bạn và ngược lại bạn sẽ trở thành nô lệ của đồng tiền. Hãy để đồng tiền phát huy sức mạnh vạn năng theo hướng thật nhân văn để không bao giờ phải nói lời hối tiếc: “Giá như...”.