Tiến sĩ Lê Văn Hưu - “Ông tổ của nền sử học Việt Nam”
Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu.
Vị tiến sĩ có tài viết sử
Từ xưa đến nay, Thiệu Hóa xứ Thanh được biết đến là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa. Đó là mảnh đất có nhiều danh nhân, khoa bảng, anh hùng, hào kiệt, góp phần làm rạng ngời sử sách, non sông. Nổi bật trong đó là nhà giáo mẫu mThiệu Hóa xứ Thanhực, Nhà sử học Lê Văn Hưu - người được mệnh danh là “Ông tổ của nền sử học Việt Nam”.
Lê Văn Hưu sinh năm 1230 (Canh Dần), là người làng Phủ Lý (Kẻ Rị), nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Theo gia phả họ Lê Lương, khi sinh ra, Lê Văn Hưu đã mồ côi bố, nhưng được mẹ tận tâm nuôi dạy lớn khôn và cho theo học thầy đồ họ Nguyễn ở làng Phúc Triền (Kẻ Bôn). Năm 16 tuổi, Lê Văn Hưu được thầy gả con gái lớn cho làm vợ.
Quá trình dùi mài kinh sử, năm 18 tuổi, Lê Văn Hưu thi đậu Bảng Nhãn trong khoa thi đầu tiên của nhà Trần. Ông được giao nhiều chức vụ quan trọng của triều đình nhà Trần như: Kiểm pháp quan, Hàn lâm viện học sỹ kiêm Quốc sử viện tu giám, làm phó quan cho Thượng tướng quân Trần Quang Khải. Ông tinh thông võ nghệ, giỏi thư thi, trở thành Thượng tướng quân vang danh trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược.
Không chỉ là bảng nhãn đầu tiên, nhà giáo, nhà chính trị, quân sự, nhà văn hoá lớn ở thế kỷ XIII - XIV, Lê Văn Hưu còn là nhà sử học lỗi lạc đầu tiên của đất nước.
Năm 24 tuổi, Lê Văn Hưu được làm quan Hàn lâm viện Thị độc. Năm Nhâm Thân, niên hiệu Thiệu Long 15 (1272) đời Vua Trần Thánh Tông, được làm Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viện giám tu, hoàn thành bộ Đại Việt sử ký chép từ Triệu Vũ đế (năm 208 đến 137 trước Công nguyên) đến Lý Chiêu Hoàng (1224-1225), gồm 30 quyển, dâng lên vua và được khen ngợi có tài viết sử. Năm 45 tuổi, Lê Văn Hưu được thăng chức Thượng thư bộ Binh. Từ bộ quốc sử đầu tiên, quan sử các triều đại sau này đã biên soạn lại và bổ sung những giai đoạn lịch sử nối tiếp.
Sau khi thi đỗ làm quan, vua cho Lê Văn Hưu dạy Hoàng tử Trần Quang Khải, người sau này trở thành Thượng tướng quân đầy uy dũng trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược. Về sau này, Lê Văn Hưu cáo quan trí sĩ tại quê nhà và mất ngày 23/3 năm Nhâm Tuất (1322), thọ 92 tuổi. Ngày nay, phần mộ Lê Văn Hưu được chôn cất ở xứ Mả Giòm có tấm bia dựng năm 1867 đề “Bảng nhãn Lê tiên sinh bi ký”.
Bằng tài năng, đức độ hơn người, Lê Văn Hưu đã ghi tên mình vào “bảng vàng” danh nhân văn hóa Việt Nam. Đồng thời, trở thành niềm tự hào của mảnh đất Thanh Hóa giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Để rồi, sử gia Lê Văn Hưu cùng nhiều tên tuổi lớn như Lê Quát, Lương Đắc Bằng, Lê Trạc Tú… đã trở thành hiện thân của truyền thống yêu nước, tinh thần kiên trung, nhân nghĩa, trọng tình, hiếu học đã được gây dựng và trao truyền suốt nhiều thế kỷ, để thế hệ hôm nay thừa hưởng và tiếp tục bồi đắp cho dày thêm và đẹp hơn.
Tượng thờ Nhà sử học Lê Văn Hưu.
Ngô Sĩ Liên đã đánh giá Lê Văn Hưu là “Đại thủ bút đời Trần”. Bộ quốc sử Đại Việt sử ký ngay từ khi mới ra đời đã có những đóng góp xứng tầm trong xây dựng và bảo vệ đất nước, đưa Vương triều Trần phát triển đến đỉnh cao huy hoàng. Ông đã để lại cho đời sau những di sản quý báu, đóng góp to lớn vào kho tàng lịch sử của dân tộc, làm rạng rỡ nền văn hiến nước nhà. Nhà sử học Ngô Sĩ Liên đã kế thừa những thành tựu lớn lao của ông để phát huy, phát triển.
Sinh thời, Bảng nhãn Lê Văn Hưu là người có tư tưởng thấm nhuần đạo lý của Nho giáo. Tư tưởng thân dân, ý thức dân tộc của Nhà sử học Lê Văn Hưu là nền tảng tinh thần to lớn, là giá trị đạo đức cao quý nhất trong thang bậc các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Trong quá trình làm quan, ông luôn yêu thương dân chúng, chăm lo cho đời sống của nhân dân và cống hiến, phụng sự triều đình với mong muốn góp phần xây dựng một xã hội hài hòa, đất nước thái bình, thịnh vượng.
Lê Văn Hưu được xem là vị tiến sĩ đầu tiên của xứ Thanh, mở đầu con đường khoa cử cho vùng đất này. Hiện, trong đền thờ Lê Văn Hưu còn ghi câu đối: Khắc Thiệu Hóa cơ, Nam Bắc Đông Tây Sơn Đẩu vọng/Vĩnh Thanh Hoa địa, y quan chương phú lý dư hương. Nghĩa là: Đặt nền Thiệu Hóa, khắp Nam Bắc Đông Tây trông về Thái Sơn Sao Đẩu/Vững đất Thanh Hoa, văn chương áo mũ thơm làng xóm quê hương.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, nhà giáo Lê Văn Hưu đã trở thành hình tượng gắn liền với truyền thống hiếu học và sự nỗ lực vươn lên trên con đường học vấn không chỉ của người Thanh Hóa mà còn ở nhiều nơi trong cả nước.
Linh thiêng đền thờ di tích lịch sử quốc gia
Đền thờ Lê Văn Hưu, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia tại Quyết định số 208/VH-QĐ ngày 13/3/1990. Đền thờ Lê Văn Hưu còn được nhân dân gọi với tên khác là “chùa ông Hưu”. Tuy nhiên, hiện nay toàn bộ hồ sơ khoa học xếp hạng di tích quốc gia Đền thờ Lê Văn Hưu, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa đã bị thất lạc không được lưu giữ ở Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá cũng như ở địa phương (nơi có di tích).
Chùa ông Hưu thực tế là chùa Hương Nghiêm (qua tư liệu lịch sử cho biết chùa Hương Nghiêm được xây dựng từ thời Lý ở núi Càn Ni - một địa điểm ở khu cồn Mảy, làng Phủ Lý, Thuận Thiên. Đến thế kỷ XVII, chùa được chuyển về vị trí hiện nay), tại chùa còn lưu giữ bức Đại tự lớn với dòng chữ “Càn ni sơn Hương Nghiêm tự”, các đế chân cột, cột đá treo chuông… Cột đá treo chuông được xác định chế tác vào năm 1762 (do bà Lê Thị Ngôi và bà Lê Thị Điện công đức). Ở mặt trong của cột đá còn khắc ghi dòng chữ Hán nói về việc xây dựng và tôn tạo chùa như: Năm Ất Dậu (1705) sư Lê Văn Nghi xuất gia năm 31 tuổi. Hương công xây dựng tượng Phật; năm Bính Tuất (1706) xây dựng toà Thượng Điện, năm Ất Mùi (1715) sửa Tam Quan; năm Mậu Tuất (1718) đúc chuông lớn; năm Bính Ngọ (1726) làm trụ đá treo chuông.
Lê Văn Hưu với Bộ quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư - Mộc bản triều Nguyễn.
Về kiến trúc chùa Hương Nghiêm: Sau năm 1945, chùa có kiến trúc hình chữ Nhị (=) với Chính điện 3 gian, Tiền đường 7 gian, cột chất liệu bằng gỗ lim đặt trên chân tảng hình cánh sen xếp tròn, cửa làm bằng gỗ lim. Đến năm 1960, khi làm trường học và Hội trường hợp tác xã nên đã dỡ bỏ 2 gian Tiền đường để lấy gỗ, nên ngôi chùa không còn được nguyên vẹn, phật điện bài trí sơ sài, bệ thờ xây bằng gạch, trên đặt 3 pho tượng Tam thế, tòa Cửu long và một số đồ thờ tế khí. Từ sau năm 1954, dòng họ Lê Lương xây thêm một bệ gạch ở gian thứ 3 của Chính điện để thờ Nhà sử học Lê Văn Hưu. Năm 1990, khi lập hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia đã lấy vị trí hiện nay (chùa Hương Nghiêm) làm địa điểm và lấy tên là đền thờ Lê Văn Hưu.
Năm 1993, để thuận lợi cho việc hành lễ tại chùa, chính quyền địa phương và nhân dân đã xây dựng một ngôi đền 3 gian có kiến trúc đơn giản ở vị trí đất liền kề, song song với chùa Hương Nghiêm (vị trí của nhà thờ họ Lê Lương cũ) để làm nơi thờ tự Nhà sử học Lê Văn Hưu riêng biệt với chùa. Trải qua thời gian dài tồn tại, cùng với sự tàn phá của khí hậu khắc nghiệt, của chiến tranh, đền đã bị biến đổi và xuống cấp, hư hại. Diện tích khuôn viên bị thu hẹp, khuôn viên đền chật hẹp không có lối đi lại...
Năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 5293/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia đền thờ Nhà sử học Lê Văn Hưu.
Đền thờ di tích lịch sử quốc gia Lê Văn Hưu được cắt băng khánh thành đúng vào dịp lễ kỷ niệm 700 năm ngày mất vào tháng 4/năm 2022. Sau khi khánh thành và đưa vào sử dụng, đền thờ Lê Văn Hưu là điểm đến linh thiêng, là địa chỉ đỏ giáo dục các thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, ý chí, tinh thần vượt khó của ông cha ta, lan toả tinh thần đoàn kết thực hiện tốt đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tri ân tổ tiên với lòng thành kính và biết ơn Nhà sử học Lê Văn Hưu - người đặt nền móng cho Quốc sử Việt Nam.
Mới đây, tại Hội thảo khoa học Quốc gia “Lê Văn Hưu và Đại Việt sử ký” được tổ chức tại huyện Thiệu Hóa, các đại biểu đã kiến nghị Ban Tổ chức đề nghị Hội Khoa học lịch sử Việt Nam chủ trì, cùng với các cơ quan hữu trách sớm có kế hoạch chuẩn bị hồ sơ đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) vinh danh Nhà sử học Lê Văn Hưu.