Tiếp nối, lan tỏa nét đẹp “uống nước nhớ nguồn”
Giáo dục truyền thống
Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”; “Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy, mọi người phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã để lại”.
Những năm qua, công tác đền ơn đáp nghĩa luôn được các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội quan tâm triển khai, đặc biệt trong những ngày tháng 7.
Ghi nhớ lời căn dặn của Bác, để giúp học sinh hiểu thêm về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, thời gian qua, Trường Trung học cơ sở (THCS) Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm) đã triển khai đa dạng các hoạt động giáo dục truyền thống cho học sinh, qua đó góp phần nâng cao hiểu biết và lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.
Không chỉ thông qua những bài học lịch sử, nhà trường thường xuyên đưa học sinh đến các “địa chỉ đỏ”, những triển lãm, bảo tàng để các em được chứng kiến, lắng nghe thế hệ trước kể chuyện; được gặp người thật, việc thật và hình ảnh để hình dung rõ nét, sâu sắc hơn về truyền thống yêu nước, cống hiến cho Tổ quốc.
Cùng đó, mỗi dịp tháng 7, nhà trường lại tổ chức dâng hương, quét dọn đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ; thăm, giúp đỡ các gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam Anh hùng… Những việc làm này đã giáo dục truyền thống yêu nước cho học sinh, giúp các em hiểu rõ hơn về những chặng đường lịch sử của dân tộc, trân trọng và tự hào về lịch sử, truyền thống vẻ vang của đất nước.
Đặc biệt, nhà trường còn tổ chức rất nhiều các hoạt động ngoại khóa cũng như lồng ghép vào trong các tiết học truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Lý (Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du), việc cho học sinh tham gia các hoạt động nhằm giúp các em ôn lại truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam; hiểu rõ hơn về những chiến sĩ anh hùng, các chiến công hiển hách của lực lượng vũ trang nhân dân; biết trân trọng những cống hiến, hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh đi trước. Đồng thời, các hoạt động này giúp rèn luyện cho học sinh tinh thần đoàn kết, sẻ chia, tăng vốn hiểu biết và kỹ năng trong cuộc sống.
Thông qua những việc làm thiết thực, ý nghĩa đã góp phần tạo ra môi trường lành mạnh để thế hệ trẻ rèn luyện, trưởng thành, góp phần hình thành lý tưởng cách mạng, đạo đức trong sáng; từ đó nhân lên những tấm gương điển hình trong học tập, lao động… ở học sinh Trường THCS Nguyễn Du.
Tương tự, vào tháng 7 hằng năm, Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm) đều tổ chức dâng hương, viếng Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ, Nghĩa trang liệt sĩ Mai Dịch và Nghĩa trang liệt sĩ Ngọc Hồi để giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, đền ơn đáp nghĩa cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên. Đứng trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường kính cẩn nghiêng mình bày tỏ lòng thành kính và biết ơn sâu sắc, tri ân công lao to lớn, mãi mãi khắc ghi và biết ơn sự hy sinh, cống hiến của họ vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Đồng thời, nhà trường cũng tổ chức trao và tặng quà đến gia đình, giáo viên, nhân viên nhà trường là vợ, con của liệt sĩ, thương binh. Tại buổi gặp mặt, tặng quà, lãnh đạo nhà trường đã bày tỏ lòng biết ơn đối với sự hy sinh xương máu và cống hiến cho sự nghiệp bảo về đất nước của người thân trong gia đình giáo viên, nhân viên; qua đó thể hiện sự quan tâm sâu sắc của cấp ủy, chính quyền, công đoàn tới giáo viên, nhân viên nhà trường.
Để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ đi trước
Không chỉ ở Trường THCS Nguyễn Du hay Trường Tiểu học Tràng An, công tác đền ơn đáp nghĩa cũng được nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội triển khai bằng nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa.
Nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023), vừa qua, Cấp ủy Chi bộ, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Ban phụ trách Đội cùng đại diện học sinh Trường THCS Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) đã đến thăm gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Xuyến và lão thành cách mạng Lê Thị Lương.
Thấm nhuần truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô luôn quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa đối với các nhà giáo là thương binh và thân nhân gia đình liệt sĩ, góp phần bù đắp, sẻ chia phần nào những đau thương, mất mát chiến tranh gây ra. Đây vừa là tình cảm, sự tri ân, vừa là trách nhiệm của cán bộ, giáo viên trong ngành đối với các thế hệ nhà giáo đi trước, có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ năm 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu các Phòng Giáo dục và Đào tạo, nhà trường hướng dẫn tổ chức tuyên truyền ý nghĩa của ngày 27/7, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ và những người có công với cách mạng cho học sinh trong các nhà trường.
Tại nhà Mẹ Nguyễn Thị Xuyến, thay mặt Ban Giám hiệu nhà trường, Hiệu trưởng Hồ Thuận Yến đã bày tỏ lòng biết ơn, tri ân sâu sắc những hy sinh, cống hiến to lớn của các Mẹ Việt Nam anh hùng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Ân cần trò chuyện, thăm hỏi tình hình sức khỏe, đời sống của Mẹ Nguyễn Thị Xuyến, nhà giáo Hồ Thuận Yến chúc Mẹ thật nhiều sức khỏe, an hưởng tuổi già bên gia đình, con cháu, đồng thời tiếp tục động viên con cháu phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, phấn đấu học tập, lao động, góp sức xây dựng quê hương, đất nước.
Tại nhà lão thành cách mạng Lê Thị Lương, các thầy cô giáo cùng các học sinh được biết bà là một trong những chiến sĩ của đội cảm tử Hàng Thiếc năm 1944. Bà bùi ngùi kể lại: “Các tường nhà được đục lỗ thông nhau, để tiện cho việc liên lạc. Nhà nọ bước chân ra nhà kia, tạo ra địa đồ bát quái. Anh vào không biết tiến, anh rút ra không biết rút.
Đây không phải là một cuộc chiến đấu ngoài trận địa mà là một cuộc đấu tranh du kích trong thành phố. Du kích ở đây là dùng các lực lượng nhỏ, lẻ để chiến đấu với quân địch đông và mạnh”.
Bà luôn tâm niệm phải cống hiến đến hơi thở cuối cùng cho đất nước với mong muốn giúp lớp trẻ hôm nay hiểu hơn về một thế hệ cha anh năm xưa “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Khi nghe những câu chuyện của bà, thầy và trò Trường THCS Hoàng Hoa Thám quyết tâm sẽ tiếp nối và phát huy truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc mà thế hệ cha ông đã trước để lại.
Hay như tại Trường THCS Thành Công (quận Ba Đình), thay mặt tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, Ban Giám hiệu và Ban Chấp hành Công đoàn nhà trường đã tới thăm hỏi, tặng quà 3 thầy cô giáo có công với cách mạng đã từng công tác tại trường. Đó là thầy giáo Nguyễn Văn Thuyên, thầy giáo Nguyễn Đạo Thành và cô giáo Lê Thị Bích Đào. Các thầy cô đều là những người đã từng phục vụ trong quân đội nhân dân Việt Nam và có công với cách mạng.
Trong không khí đầm ấm, các giáo viên nhà trường ai cũng rưng rưng niềm xúc động khi được nghe các thầy cô kể lại quãng thời gian tham gia cách mạng trong quân đội và sự hy sinh cống hiến của những anh hùng liệt sĩ.
Dù chỉ là việc làm nhỏ nhưng đã thể hiện sự quan tâm của Trường THCS Thành Công tới các thế hệ nhà giáo đi trước, có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc; từ đó góp phần giáo dục lòng biết ơn, uống nước nhớ nguồn tới cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường.