Tiếp tục gỡ vướng các thủ tục liên quan đến hoàn thuế
Tại Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2023 mới diễn ra, những nội dung liên quan đến vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng với dự án đầu tư, kê khai hoá đơn điện tử có ngày lập khác ngày ký, khai bổ sung cho hồ sơ khai thuế có sai sót, thời điểm xuất hóa đơn điện tử hàng hóa xuất khẩu, hay những bất cập về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu...được nhiều doanh nghiệp đưa ra thảo luận.
Đơn cử, đại diện Công ty Cổ phần thương mại xuất nhập khẩu toàn cầu An Phát cho biết, doanh nghiệp đã 32 lần xuất khẩu tinh bột sắn thì cả 32 lần doanh nghiệp đều làm thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng nhưng tới nay qua 4 năm vẫn chưa được hoàn thuế.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho hay: Hiện cơ quan thuế chưa hoàn thuế với yêu cầu hoàn thuế của Công ty cổ phần thương mại xuất nhập khẩu toàn cầu An Phát là căn cứ vào đánh giá rủi ro qua trao đổi thông tin với cơ quan quản lý của Trung Quốc. Vướng mắc của công ty đã được gửi tới Cục Thuế Hà Nội và đơn vị Thuế đã giải quyết khiếu nại.
Công ty cổ phần Cơ - Điện - Môi trường Lilama nêu thực tế nhiều hoá đơn đầu vào kê khai chậm trong kỳ do các bộ phận liên quan chậm trễ tập hợp về phòng kế toán để kê khai, thanh toán dẫn đến nhiều hoá đơn bị bỏ sót kỳ, từ đó, kéo theo chênh lệch giữa tờ khai thuế và số liệu sổ sách.
Về vấn đề này, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, khi doanh nghiệp phát hiện số thuế giá trị gia tăng đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai sót thì người nộp thuế được kê khai, khấu trừ bổ sung trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế. Trong trường hợp kê khai bổ sung sau thời điểm công bố quyết định thanh tra, kiểm tra thì sẽ không được khấu trừ thuế.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có một số đề xuất khác liên quan đến việc rà soát, đảm bảo công bằng trong áp dụng chính sách thuế giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; việc kiểm tra theo các hình thức khác nhau gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Riêng trong lĩnh vực hải quan, nhiều doanh nghiệp phản ánh về thời gian giải quyết thủ tục điện tử, việc cấp giấy phép nhập khẩu tiền chất, việc hoàn thuế xuất nhập khẩu, về cơ chế hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp chế xuất; kiến nghị giảm thời gian hoàn thuế nhập khẩu, kiến nghị về quy định rõ số lần soi chiếu hàng hóa...
Việc tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp đang hoạt động và đóng thuế là một yếu tố vô cùng quan trọng trong cải thiện môi trường kinh doanh, hơn nữa, sẽ trực tiếp tạo ra tăng trưởng. Thế nhưng, kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện các quy định pháp luật về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với xuất khẩu” của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã chỉ rõ, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khi dòng tiền hoàn thuế đang ách tắc. Ngành thuế vừa qua đã quá nhấn mạnh các yếu tố rủi ro và xem nhẹ các yếu tố về lịch sử tuân thủ của người nộp thuế trong quản lý rủi ro.
Một trong những ví dụ cụ thể là từ năm 2020 - 2023, Tổng cục Thuế đã ban hành tới 27 văn bản chỉ đạo và yêu cầu cơ quan thuế các cấp phối hợp thực hiện rà soát xác minh việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ đầu vào qua các khâu cũng như xác minh đầu ra của doanh nghiệp.
Trong khi đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phân loại tự động hồ sơ hoàn thuế đã được quy định từ năm 2021 (Thông tư số 31/2021/TT-BTCT), nhưng theo báo cáo của Tổng cục Thuế và theo phản ánh của một số cục thuế, hiện tại, vẫn chưa có một ứng dụng quản lý rủi ro nào được sử dụng để hỗ trợ cho các cục thuế trong công tác phân loại và giải quyết hồ sơ hoàn thuế.
Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa trong lĩnh vực thuế và hải quan theo hướng tiếp tục tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi trong việc thực hiện các nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước.