Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xây dựng luật, pháp lệnh
Sáng 23/5, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (CTXDPL) năm 2024, điều chỉnh CTXDPL năm 2023.
Lắng nghe, tiếp thu, giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, những năm gần đây hầu như không còn tình trạng xin lùi, xin rút mà chỉ là bổ sung vào CTXDPL. Đây là sự cố gắng lớn của các cơ quan của Chính phủ.
Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội để tham mưu cho Chính phủ nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác lập pháp nói chung và xây dựng CTXDPL nói riêng.
Về CTXDPL, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chương trình được quy định từ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996, sửa đổi, bổ sung qua các năm 2002, 2008, 2015. Quốc hội đã xem xét và nhận thấy CTXDPL cả nhiệm kỳ trong thực tế thực hiện còn mang tính hình thức, dẫn đến đến những năm cuối nhiệm kỳ hầu như không nhìn lại được chương trình gốc. Do đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 chỉ còn CTXDPL hàng năm để bảo đảm linh hoạt hơn.
Tuy nhiên, nếu như không có chương trình nhiệm kỳ mà chỉ có chương trình hàng năm thì rất khó định hướng. Vì vậy, Đảng đoàn Quốc hội có sáng kiến trình Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ, trên cơ sở đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, cách làm như vậy là phù hợp. Đồng thời sẽ tiếp tục nghiên cứu ý kiến đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, cân nhắc cách làm phù hợp để có căn chỉnh và chỉnh sửa, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới.
Về việc có số lượng lớn các dự án trình bổ sung vào Kỳ họp này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long lý giải, Chính phủ đề xuất bổ sung 10 luật và nghị quyết nhằm tháo gỡ một số các khó khăn, vướng mắc để xử lý các công trình trong thực hiện các dự án giao thông; kinh phí chi thường xuyên; đề xuất bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng để kế tiếp Nghị quyết 42/2017/QH14 sắp hết hạn; nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng nhằm gỡ khó cho các doanh nghiệp, góp phần phục hồi sản xuất…
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng ghi nhận các đề xuất cụ thể của các đại biểu Quốc hội như sửa đổi Luật Luật sư. Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long gửi lời chúc mừng và bày tỏ mong muốn đề xuất xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính của đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí sẽ thành công.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chia sẻ, việc tăng cường phòng, chống lợi ích nhóm và tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật là trách nhiệm rất nặng nề đối với các cơ quan tham mưu, đặc biệt là các cơ quan tham gia vào quá trình xây dựng chính sách. Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị các bộ, các ngành trong phạm vi của mình tiếp tục chủ động, bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy trình, quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thời gian tới tiếp tục giám sát công tác xây dựng ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật.