Tiếp tục phối hợp hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)
Hội nghị do đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội và đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì.
Hội nghị đã được nghe đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội báo cáo tóm tắt về quá trình nghiên cứu, định hướng hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Tiếp đó, các ý kiến trao đổi tập trung vào các vấn đề dự kiến cần tiếp thu, giải trình, bổ sung, củng cố hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), tập trung vào việc hoàn thiện 09 chính sách.
Sau một thời gian trao đổi, thảo luận, góp ý thẳng thắn, Hội nghị giữa Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã cơ bản thống nhất về những nội dung nhiệm vụ hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) và việc tổ chức nhiệm vụ soạn thảo Luật Thủ đô trong thời gian tới.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư pháp, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và đặc biệt là cá nhân đồng chí Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã phối hợp rất chặt chẽ với Thành phố Hà Nội trong suốt 2 năm vừa qua, từ quá trình tổng kết thi hành Luật Thủ đô năm 2012 đến việc lập hồ sơ xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Các cơ quan thuộc Bộ Tư pháp đã rất tích cực, phối hợp chặt chẽ với Thành phố để xây dựng các hồ sơ, tài liệu, tổ chức các hội nghị, hội thảo, nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện các chính sách đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) một cách chất lượng, hiệu quả, kỹ lưỡng; giúp cho quá trình xin ý kiến, thẩm định và trình Chính phủ xem xét thông qua cơ bản thuận lợi và đạt kết quả tốt.
Bí thư Đinh Tiến Dũng đề nghị UBND Thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và các cơ quan Trung ương tập trung rà soát, tiếp thu, thể chế hóa tối đa những điểm đột phá, đặc thù tại các nghị quyết, chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ liên quan đến Thủ đô, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị và các Nghị quyết Trung ương trong thời gian vừa qua về phát triển đô thị Việt Nam, về đất đai, về phát triển nông nghiệp, nông thôn, về phát triển vùng đồng bằng sông Hồng.
Tiếp tục rà soát các chính sách về đầu tư, tài chính, quy hoạch, đất đai, xây dựng, giao thông, môi trường, văn hóa, khoa học và công nghệ, tổ chức bộ máy, biên chế để bổ sung, hoàn thiện theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ; đảm bảo các chính sách phải thực sự có tính đột phá, khả thi, hiệu lực, hiệu quả, thu hút được các nguồn lực tài chính công và tư, phát huy được nguồn lực đất đai, tài sản công, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của Thủ đô.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định thành phố Hà Nội đã triển khai các công việc rất bài bản, chủ động trong công tác chỉ đạo, phối hợp. Thời gian tới, Bộ trưởng mong muốn và đề nghị Hà Nội cùng các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện về mặt nội dung.
Theo Bộ trưởng, thành phố Hà Nội có nhiều thuận lợi về các chính sách cơ chế, đặc thù, trong đó phải kể đến Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên, thực tế cũng đặt ra không ít thách thức do đó đòi hỏi Thành ủy Hà Nội tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành liên quan để chuẩn bị kỹ Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), đảm bảo 09 chính sách và nhiều giải pháp mà Hà Nội kỳ vọng sẽ tháo gỡ, tạo đột phá về thể chế, chính sách cho Hà Nội phát triển đúng theo các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 15-NQ-TW của Bộ Chính trị.