1. Trang chủ /
  2. Tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính

Tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính

thứ tư, 24/5/2023 10:02 GMT+07
Hôm qua (23/5), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2022.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Ảnh: quochoi.vn Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Ảnh: quochoi.vn

Theo đó, đây là năm Chính phủ có nhiều hành động quyết liệt để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực.

Cũng phải nói thêm về số liệu, giai đoạn 2020 - 2022, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tuyển dụng 18.867 công chức và 125.104 viên chức. Trong đó, có 258 người được tuyển dụng theo các chính sách quy định tại Nghị định 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, lực lượng khoa học trẻ.

Theo Bộ trưởng Phớc, việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính và kiểm soát quyền lực, xử lý nghiêm minh, kịp thời và kiên quyết đã đưa ra khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ, công chức, viên chức có sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ. Cụ thể, từ 2020 đến tháng 6/2022, các cơ quan, đơn vị đã rà soát xử lý gần 100.000 trường hợp, trong đó thu hồi quyết định tuyển dụng trên 1.200 trường hợp.

Để xây dựng được đội ngũ công chức trong sạch, phải quan tâm đến chế độ, tiền lương. Theo Bộ trưởng Phớc, việc cải cách chế độ tiền lương tiếp tục có chuyển biến tích cực. Cụ thể, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp BHXH cho đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm và hỗ trợ thêm với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp.

Vừa “xây”, vừa “chống”, tuy nhiên, theo đánh giá, tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn triệt để. Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: đất đai, xây dựng, LĐ-TB&XH…

Đáng lo ngại là công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan có lúc, có nơi còn rời rạc, thiếu gắn kết, chưa kịp thời, chất lượng chưa cao; việc xử lý những vấn đề phát sinh khi sắp xếp, tổ chức bộ máy còn có mặt hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; một số chính sách chưa phù hợp với thực tiễn.

Do vậy, đã đến lúc Chính phủ và các địa phương phải cùng quan tâm đến công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; cải thiện môi trường làm việc. Đồng thời có các chính sách hỗ trợ kịp thời đối với cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh kinh tế khó khăn… kịp thời khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc, nghỉ việc đang là một thực tế đáng lo hiện nay.