Tiểu thuyết 'Hương': Tình người 'nở hoa' trên miền đất lửa Quảng Trị
Cuốn tiểu thuyết mang đến cái nhìn đa chiều về cuộc chiến tranh chống Mỹ. (Ảnh: NXB)
Nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha vừa ra mắt tiểu thuyết viết về tình yêu và chiến tranh lấy cảm hứng từ chiến trường Quảng Trị.
Với nhiều tư liệu phong phú, sống động về chiến dịch 81 ngày đêm, “Hương” ra mắt đúng dịp kỷ niệm tròn nửa thế kỷ chiến dịch Thành cổ.
Thông qua trải nghiệm cá nhân, những tài liệu, nhật ký và hồi ký của những người lính ở cả hai bên chiến tuyến, tác giả Nguyễn Thụy Kha đã tái hiện những hình ảnh về những năm tháng đẫm máu và nước mắt của dân tộc, về tình yêu của những người lính, về lòng vị tha của con người Việt Nam.
Cuốn tiểu thuyết dày 350 trang, xoay quanh cuộc đời của một người lính tên Lĩnh. Tại mảnh đất Quảng Trị mưa bom bão đạn này, anh đã gặp được một mối tình khắc cốt ghi tâm với người con gái tên Hương.
Nhưng tình yêu đầy chất thơ và lãng mạn của người lính trẻ cũng nhuốm màu bi thương. Chiến tranh đã đẩy họ ra xa, làm cho họ không có cơ hội gặp lại, để đến tuổi xế chiều Lĩnh mới tìm ra Hương thì cô đã không còn trên cõi đời này.
Tuy nhiên, cuộc đời vẫn ưu ái để anh gặp lại Bao - người bác sỹ phía bên kia chiến tuyến, người đã từng cứu chữa, che chở cho anh trong những tháng ngày ở bệnh viện, người đã làm chồng của Hương, làm cha của con anh khi Hương không tìm được tin tức gì của anh trong thời buổi chiến tranh loạn lạc. Cuộc gặp gỡ của Lĩnh, Bao và Thơm - con gái Lĩnh - đẫm nước mắt, nước mắt của của sự bất ngờ, sự chia lìa, xa cách, nỗi đau buồn dồn nén, của tình thân, tình người.
Sau tất cả, những người từng chiến đấu ở hai bên chiến tuyến lại về mảnh đất Quảng Trị để tưởng nhớ quá khứ, cùng nhau suy ngẫm về cuộc đời, về những đau thương, mất mát của chiến tranh, về tình yêu, tình dân tộc để cùng nhau dẹp bỏ quá khứ và hướng tới tương lai.
“Cuốn sách tôi viết nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng Quảng Trị. Tôi muốn mọi người biết thêm về những khốc liệt của chiến tranh để trân quý hơn hòa bình hôm nay. Với ‘Hương’, tôi đã trộn lẫn bút pháp hư cấu và phi hư cấu, như chương 9 không hư cấu chút nào, đó là những câu chuyện thật của bạn bè tôi ở chiến trường,” tác giả Nguyễn Thụy Kha cho hay.
Chia sẻ về quá trình sáng tác và hoàn thiện cuốn tiểu thuyết, ông cho biết chỉ mất khoảng 2 tháng viết xong truyện bởi bố cục của tác phẩm đã có từ lâu. Người vẽ bìa là hoạ sỹ Lê Thiết Cương, người bạn lâu năm của tác giả.
"Tôi đặt tên tiểu thuyết là Hương vì đó là tên nhân vật nữ trong truyện đồng thời Hương cũng là sự ẩn dụ cho nén hương tưởng nhớ người nằm xuống, chiến đấu anh dũng cho Tổ quốc," nhà thơ Thụy Kha cho biết thêm.
Nhà thơ-nhạc sỹ Thụy Kha là tác giả cuốn tiểu thuyết. (Ảnh: NVCC)
Nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam đọc “Hương” với sự đồng cảm của một người đã ở mặt trận Quảng Trị năm 1972, khi ấy, ông đang là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, còn nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha là sỹ quan thông tin.
“Chúng tôi cùng trải qua những năm tháng khốc liệt của ‘mùa hè đỏ lửa’. Nửa thế kỷ đã qua, ký ức như một ngọn lửa vẫn âm ỉ cháy. Nguyễn Thuỵ Kha viết ‘Hương’ như trả món nợ của quá khứ, thời gian càng lùi xa, anh càng có nhiều sự thôi thúc,” nhà báo Trần Mai Hưởng bày tỏ.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Hưởng cho rằng tiểu thuyết “Hương” đã giúp bạn đọc có cái nhìn sâu sắc hơn về số phận con người trong chiến tranh và thời kỳ hậu chiến, một cái nhìn đa diện từ nhiều phía, nhiều khía cạnh.
“Cùng với việc đề cao những hy sinh to lớn của những người lính đã ngã xuống vì độc lập tự do, thống nhất của tổ quốc, qua câu chuyện của mình, Nguyễn Thuỵ Kha đã ca ngợi sức mạnh của tình yêu, lòng vị tha của những con người có số phận éo le ở hai phía trong cuộc chiến. Từ đấy, ông muốn góp tiếng nói vào quá trình hàn gắn, làm dịu những nỗi đau, hoà giải, hòa hợp, hướng tới việc xây dựng cuộc sống tương lai,” nhà báo Trần Mai Hưởng chia sẻ.
Tiểu thuyết “Hương” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành. Mới đây, 1.000 cuốn đã được gửi sang Mỹ và các nước lân cận để phục vụ kiều bào./.