Tiffany – huyền thoại trang sức ghi dấu ấn lịch sử Mỹ
Huyền thoại của trang sức
Hãng trang sức Tiffany được khai sinh vào ngày 18/9/1837, khi 2 thợ kim hoàn người Mỹ là Charles Lewis Tiffany và John B. Young cùng mở cửa hàng bán đồ xa xỉ có tên Tiffany & Young ở trung tâm thành phố New York. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm nên ban đầu, cửa hàng kinh doanh không thành công như mong đợi. Sau khi suy nghĩ kỹ, Tiffany và cộng sự nhận thấy rằng, để có thể thành công, họ phải tạo ra được cái gì đó gây ấn tượng mạnh mẽ trong giới thượng lưu.
Cuối cùng, họ đã tìm ra được bí quyết thành công cho tới tận ngày nay của thương hiệu này, bao gồm thiết kế sản phẩm, chất liệu làm nên sản phẩm và màu sắc đặc trưng cho thương hiệu. Trong đó, màu được lựa chọn là màu xanh đặc trưng, mà cho đến nay vẫn gắn liền với thương hiệu này và được gọi là “màu xanh Tiffany”. Cùng với đó, 2 nhà sáng lập thương hiệu cũng tiến hành cải tiến thiết kế và lựa chọn bạc - khi đó là kim loại rất quý hiếm và về sau nâng cấp lên kim cương làm chất liệu chính để chế tác các sản phẩm.
Với hướng đi đúng đắn này, Tiffany & Co nhanh chóng trở thành một trong những thương hiệu trang sức hàng đầu thế giới. Sức hút của những viên đá quý với vẻ đẹp tự nhiên, hài hòa mà thuần khiết của thương hiệu này đã làm mê hoặc nhiều vị phu nhân và tiểu thư giàu có ở New York ngay từ khi được thành lập. Trong đó, Phu nhân Tổng thống Abraham Lincohn và Nữ hoàng Anh là những người đặc biệt yêu thích thương hiệu này. Tổng thống Mỹ Abraham Lincohn vào năm 1862 đã tặng vợ một chiếc vòng cổ và một đôi bông tai ngọc trai của thương hiệu nổi tiếng này để bà đeo trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của ông.
Năm 1878, Tiffany trở nên nổi tiếng khắp thế giới khi người sáng lập của hãng là ông Charles Tiffany mua được một viên kim cương màu vàng nặng 287,42 carat. Đây cũng là một trong những viên kim cương màu vàng lớn nhất và đẹp nhất mà thế giới có được. Nó được chế tác thành viên kim cương có tới 90 mặt, nhiều hơn các viên kim cương được chế tác theo truyền thống tới 32 mặt. Tác phẩm này đã đem lại cho Tiffany uy danh mà không hãng làm đồ trang sức nào khác có được về chế tác kim cương và Charles Lewis Tiffany đến nay vẫn còn được mệnh danh là “Vua kim cương”. Ngày nay, viên kim cương này được trưng bày ở trụ sở của Tiffany ở New York.
Một số thông tin cho biết, năm 1885, Tiffany chỉnh sửa lại quốc ấn của nước Mỹ. Quốc ấn này được in trên đồng USD cho đến ngày nay và như vậy, mọi người luôn mang theo thiết kế của hãng trong ví. Ngoài ra, Tiffany còn được giao thiết kế cúp giải thưởng cho những sự kiện thể thao lớn nhất của nước Mỹ.
Một cột mốc khác trong quá trình phát triển của thương hiệu này là vào năm 1886, Tiffany làm ra chiếc nhẫn mà gần như người đàn ông nào cũng muốn có được để cầu hôn và người phụ nữ nào cũng muốn nhận được khi có người ngỏ lời cầu hôn. Cụ thể, ở Mỹ có một tập tục bất thành văn là giá trị của chiếc nhẫn cầu hôn ít nhất cũng phải bằng 3 tháng lương của người cầu hôn.
Vì thế, Tiffany đã làm ra chiếc nhẫn bằng Platin, đính một viên kim cương nhỏ được bao bọc bằng đế sáu “tay” để viên kim cương có thể toả sáng lấp lánh từ mọi phía. Với thiết kế này, lần đầu tiên, viên kim cương không bị chìm trong chiếc nhẫn mà “trồi” hẳn trên chiếc nhẫn. Cách thiết kế này kể từ đó cho đến nay vẫn được sao chép rất nhiều.
Tiffany còn gắn liền với điện ảnh với bộ phim “Ăn sáng ở Tiffany” do nữ minh tinh Audrey Hepburn thủ vai chính vào năm 1961. Bộ phim và Audrey Hepburn khiến cho phụ nữ trẻ ngày nay khi đến New York không thể không ghé vào cửa hàng nổi tiếng của Tiffany mà Tiffany khai trương từ năm 1940 ở Đại lộ số 5. Họ tìm đến đây không hẳn chỉ vì muốn mua hàng mà còn để tìm và cảm nhận sự bình an và được an ủi như nhân vật Holly Golightly trong bộ phim
Chọn làm quà tặng của nguyên thủ
Chất lượng và uy tín là sự đảm bảo cho thành công của thương hiệu Tiffany gần 200 năm qua. Sản phẩm của Tiffany đa dạng gồm những loại trang sức dành cho phụ nữ, nam giới và cả trẻ em với nhiều mức giá từ vừa phải đến cao cấp.
Đặc biệt, sản phẩm của hãng, dù giá bán thấp hay cao, đều được đặt trang trọng như nhau trong một chiếc hộp màu xanh Tiffany và chiếc hộp màu xanh ấy là sự bảo đảm về chất lượng và giá trị sản phẩm. Ngày nay, Tiffany còn được coi là đồng nghĩa với những gì đẹp nhất và sang trọng nhất về trang sức, quà tặng, đồng hồ và nhiều vật dụng khác. Những giá trị vô hình ấy mới chỉ có rất ít thương hiệu có được.
Chất lượng chắc chắn luôn là yếu tố đầu tiên quyết định sự nổi bật của trang sức Tiffany. Tất cả những sản phẩm của hãng đều được đảm bảo độ chính xác và tinh tế đến tuyệt đối. Vừa đơn giản nhưng lại không kém phần sang trọng, trang sức Tiffany sau nhiều năm vẫn duy trì những mẫu sản phẩm cổ điển nhưng không kém sự tinh tế thời thượng. Điều làm nên sự khác biệt của trang sức Tiffany không chỉ bởi nguyên liệu đắt đỏ là sự tinh tế với những thiết kế đa chiều mang xúc cảm tự nhiên.
Chính những ý nghĩa đặc biệt đó đem lại thần thái sang trọng cho người sử dụng. Đây cũng chính là lý do vì sao thương hiệu Tiffany luôn nằm trong trong top thương hiệu đắt giá nhất thế giới. Những món đồ siêu sang và đắt nhất của hãng Tiffany vẫn luôn được giới thượng lưu lựa chọn vì nó mang phẩm chất thượng hạng, kiểu mẫu quyền quý và cả linh hồn của người thợ kim hoàn khi chế tác mỗi sản phẩm. Trang sức của Tiffany giúp thể hiện bản sắc của chủ sở hữu ở 3 góc độ chính là gu thẩm mỹ, sự hiểu biết và đặc biệt là khả năng tài chính. Bởi, các sản phẩm của hãng thường có giá trị cao hơn hẳn so với những dòng khác cùng chất liệu.
Ông Lloyd N. Hand - Trưởng ban lễ tân trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson – cho biết, sự tham gia của Tổng thống vào việc lựa chọn quà tặng tùy thuộc vào từng cá nhân. Dưới thời ông Johnson, Tổng thống đôi khi sẽ đích thân gợi ý những gì ông muốn tặng. Song, trong hầu hết các trường hợp, Văn phòng Lễ tân sẽ phải suy nghĩ về các ý tưởng quà tặng và đệ trình lên để Tổng thống và Đệ nhất phu nhân để phê duyệt.
Theo ông Hand, khi cố gắng chọn một món quà cho một nhà lãnh đạo nước ngoài mà Tổng thống không biết rõ, ông thường sẽ gọi cho đại sứ của nước này để xin ý kiến về các lựa chọn quà tặng. Ngoài ra, Sở Mật vụ và bất kỳ bộ phận nào khác có liên quan đến chuyến thăm cũng được thảo luận về việc này. Một hạn chế lớn đối với quà tặng chính thức là chúng phải được sản xuất tại Mỹ.
Vì lý do đó, trong một thời gian dài, trang sức Tiffany luôn là những lựa chọn phổ biến. Thậm chí, Tổng thống Bill Clinton còn có một chiếc ấm bạc Tiffany được thiết kế riêng mà ông đã tặng cho nhiều nguyên thủ quốc gia khi đến thăm Mỹ.