Tìm cách giữ chân người lao động ngành Y tế
Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như: TP HCM (2.035), TP Hà Nội (1.032), Đồng Nai (496), Bình Dương (368), An Giang (297), Long An (266), TP Đà Nẵng (248), TP Cần Thơ (238), Đồng Tháp (204)…
Thu nhập bình quân của cán bộ y tế Vĩnh Phúc giảm
Vừa qua, tại buổi đối thoại với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc Lê Hồng Trung cho biết, Vĩnh Phúc hiện có khoảng 70 cán bộ là bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên có nguyện vọng thôi việc. Hiện nay, số lượng cán bộ, nhân viên y tế còn thiếu, mất cân đối về nghề nghiệp, do đó chưa đáp ứng đủ để hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Trong 6 tháng đầu năm 2022, nguồn thu của các đơn vị tiếp tục giảm, thu nhập bình quân của cán bộ y tế tuyến tỉnh là 7,7 triệu đồng/người/tháng; tuyến huyện, xã là 6,1 triệu đồng/người/tháng…
Giám đốc Sở Y tế Lê Hồng Trung cho biết, thời gian qua, một số cán bộ, nhân viên trong ngành xin thôi việc do nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu là liên quan đến bố trí công việc, mức thu nhập thực tế; công tác đào tạo tuyển dụng y, bác sĩ, nhân viên điều dưỡng; việc hỗ trợ nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch COVID19; sự xuống cấp, thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế, nhất là các trang thiết bị phục vụ thực hiện các kỹ thuật bậc cao…
Trước tình hình này, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc Đỗ Trọng Cán đề nghị, địa phương có giải pháp hỗ trợ phương tiện công cộng đi lại cho cán bộ y tế và người nhà bệnh nhân do bệnh viện nằm ở vị trí xa trung tâm thành phố.
Trong khi đó, bác sĩ Lê Văn Tịnh - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị, UBND tỉnh có phương án bố trí chỗ ở cho sinh viên y khoa mới ra trường, nhằm tăng khả năng thu hút cán bộ y tế về công tác tại địa phương này. Bởi việc không có chỗ ở, phải đi thuê trọ là một trong những nguyên nhân làm giảm khả năng thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ y, dược sỹ.
Để tháo gỡ khó khăn hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành khẳng định, Trung ương và tỉnh Vĩnh Phúc luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp y tế cũng như đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế. Tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan khẩn trương tháo gỡ khó khăn trong thời gian sớm nhất. Với những kiến nghị, đề xuất ngoài thẩm quyền của tỉnh, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tổng hợp kiến nghị với Trung ương để xem xét giải quyết, trên cơ sở tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để ngành Y tế ngày càng phát triển, cán bộ, y, bác sĩ thêm yêu, gắn bó và sống tốt về nghề…
TP HCM thiếu nhân lực điều dưỡng
Còn tại TP HCM, khó khăn lớn đối với ngành Y tế hiện nay là thiếu nhân lực điều dưỡng ở một số bệnh viện.
Trước đó tại buổi làm việc với đoàn giám sát thực hiện chính sách pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội hồi cuối tháng 8, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng cho biết, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, đã có trên 2.000 người nghỉ việc, chủ yếu là bác sĩ và điều dưỡng. Đặc biệt, khó khăn nhất là nhân lực điều dưỡng, bệnh viện nào cũng than thiếu điều dưỡng, chưa bao giờ các bệnh viện khó tuyển dụng như bây giờ. Cụ thể, theo yêu cầu, một bác sĩ phải có 3 điều dưỡng, thế nhưng tỉ lệ hiện nay chỉ từ 1,5 đến 2 điều dưỡng/1 bác sĩ.
TS. BS Phạm Quốc Dũng - Giám đốc Bệnh viện quận 11 (TP HCM) cho biết, hiện tại nhân sự điều dưỡng của bệnh viện là 208 người, trong đó số lượng điều dưỡng làm việc tại các khoa lâm sàng là 182 người, bác sĩ là 143 người. Tỷ lệ là 1,27 điều dưỡng/bác sĩ. Từ ngày 01/01/2022 đến nay, bệnh viện có 26 điều dưỡng làm việc tại các khoa lâm sàng đã nghỉ việc. Cụ thể là 17 điều dưỡng nữ và 9 điều dưỡng nam, độ tuổi từ 21 - 39 tuổi.
Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó các điều dưỡng xin nghỉ việc vì lý do gia đình, do công tác xa nhà. Bên cạnh đó, đa số điều dưỡng là nữ, khi có con nhỏ mà thiếu sự hỗ trợ từ gia đình, họ chọn con đường nghỉ việc hoặc chuyển sang công việc khác mà không phải trực để cân bằng giữa việc nhà và công việc. Trước tình hình thiếu nhân lực điều dưỡng do nghỉ việc hoặc nghỉ hưu, Bệnh viện quận 11 có kế hoạch tuyển dụng nhân lực điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên, y sĩ để bù đắp vào số nhân lực thiếu hụt. Thế nhưng, mặc dù bệnh viện thực hiện đăng tuyển điều dưỡng liên tục nhưng rất ít người dự tuyển.
Thực trạng thiếu điều dưỡng trên không phải chỉ diễn ra ở riêng Bệnh viện quận 11 mà nó cũng là tình trạng chung của các bệnh viện trên địa bàn TP HCM. Tương tự, BS. Nguyễn Thiên Trung - Khoa Cấp cứu Bệnh viện quận Gò Vấp (TP HCM) cho hay, hiện tại khoa Cấp cứu của bệnh viện có 30 người, trong đó có 11 bác sĩ, 18 điều dưỡng, 1 hộ lý. Số giường tại khoa cấp cứu là 20, trong mỗi kíp trực có 2 bác sĩ, 4 điều dưỡng. Có nghĩa là mỗi điều dưỡng phải chăm lo cho 5 bệnh nhân, song thực tế có thời điểm số lượng bệnh nhân cấp cứu nhiều hơn khiến áp lực dồn lên vai họ là rất lớn.
Hiện Bệnh viện quận 11 đã thực hiện điều phối nhân sự từ các khoa, phòng qua các khoa lâm sàng đang thiếu điều dưỡng, tăng số lượng trực đêm để bù vào những vị trí đang còn thiếu. Bệnh viện cũng thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, động viên tinh thần, chủ động giải pháp ổn định tâm trạng, những băn khoăn, lo lắng và hỗ trợ nhân viên y tế. Đồng thời, kiến nghị Sở Y tế đề xuất Bộ Y tế sớm tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế kể cả giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế để động viên, khuyến khích các đơn vị sự nghiệp y tế tăng cường cung ứng dịch vụ có chất lượng, tăng nguồn thu của đơn vị, góp phần tăng thu nhập cho nhân viên.
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 265 ra ngày 22/9/2022)