Tìm hướng “bứt tốc” hạ tầng giao thông
Giao thông đi trước mở đường
Nhắc đến giao thông Thủ đô, hẳn không ít người sẽ có chung nhận định “bức tranh” hôm nay đã có nhiều đổi thay rõ nét. Thực tế, thời gian qua, Hà Nội đã từng bước đưa vào khai thác, vận hành hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông đô thị quan trọng; góp phần tăng khả năng kết nối, giảm ùn tắc giao thông, tạo động lực để thúc đẩy kinh tế phát triển. Nhìn từ quãng thời gian 10, 15 năm trước có thể kể đến những cung đường như Đại lộ Thăng Long giúp khai thông, kéo gần hơn khoảng cách giữa các miền ngoại thành xa với trung tâm Thủ đô.
Hạ tầng giao thông Thủ đô được đầu tư sẽ mở ra không gian phát triển cho Thủ đô. Ảnh: Giang Nam
Tiếp đó có thể kể đến dự án Vành đai 3, đoạn Mai Dịch - Bắc hồ Linh Đàm. Đây là tuyến từng có thời điểm được xem là đường trên cao hiện đại nhất Hà Nội. Tuyến đường này ngoài đi tới các liên vùng của nội đô Thành phố, còn kết nối với các đầu mối đường bộ như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 5, Quốc lộ 18, đường cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình, đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, kể cả đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài... Gần hơn, Hà Nội tiếp tục có những đường cao tốc mới cũng đã khai thông với những lợi ích to lớn như cao tốc Hà Nội - Lào Cai; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Hà Nội - Hải Phòng…
Đặc biệt, Hà Nội có tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông - Cát Linh, với lượng hành khách tham gia sử dụng ngày một tăng cao, tuyến đường sắt đô thị đã và đang từng bước hình thành văn hóa tham gia giao thông công cộng, góp phần kéo giảm ùn tắc cho Thủ đô. Đặc biệt hơn, tuyến Cát Linh - Hà Đông khi đưa vào vận hành cũng từng bước thể hiện được tính ưu việt của phương thức vận tải hành khách hiện đại khi từng bước thay đổi nhận thức người dân. Đến nay, người dân đã chịu khó đi bộ 1-2km để tiếp cận đến các nhà ga Cát Linh - Hà Đông. Từng bước tạo dựng văn hóa tham gia giao thông văn minh, hiện đại.
Không chỉ tăng khả năng kết nối giao thông, hiện Hà Nội đang đẩy mạnh triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Vành đai 4 khi hoàn thành được kỳ vọng góp phần mở rộng, tạo ra không gian phát triển mới cho Thủ đô; đặc biệt, Vành đai 4 còn có vai trò liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển kinh tế-xã hội, kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội thị; giảm áp lực cho giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu.
Những điều trăn trở
Hà Nội là đô thị loại đặc biệt và có số dân đông thứ hai ở nước ta, do đó giao thông Hà Nội có vai trò rất quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hành khách và hàng hóa ngày một tăng. Hiện bất cập của giao thông đô thị dễ dàng quan sát nhất là nạn ùn tắc đang diễn ra mỗi ngày ở Thủ đô. Theo các chuyên gia, nguyên nhân nảy sinh ùn tắc một phần vì hạ tầng chưa thực sự đồng bộ, chưa theo kịp với sự phát triển của phương tiện giao thông, phần khác là do ý thức chấp hành của người dân chưa cao.
Dễ thấy, trên các trục đường của Hà Nội, dù hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn đã được bố trí đầy đủ, song tại các nút giao thông, không khó để bắt gặp hình ảnh phương tiện vượt đèn đỏ. Cùng với đó là tình trạng vi phạm việc dừng, đỗ xe tràn lan khắp nơi, thậm chí “độc chiếm” vỉa hè của người đi bộ.
Trở lại câu chuyện đầu tư hạ tầng phát triển nâng tầm giao thông Thủ đô, được biết, cùng với việc tập trung hoàn thành các dự án trọng điểm trong năm 2023, thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các cơ quan chức năng đẩy nhanh hàng loạt công trình hạ tầng giao thông quan trọng khác như dự án hầm chui tại nút giao giữa đường Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng; dự án tăng cường giao thông đô thị bền vững cho tuyến đường sắt đô thị số 3; dự án cải tạo Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai; tập trung hoàn thiện thủ tục để khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội…
Đây đều là các dự án quan trọng nhằm đồng bộ hạ tầng, hạn chế ùn tắc giao thông, phục vụ người dân đi lại thuận tiện, an toàn, là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội.
Theo chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải thành phố Hà Nội, giảm ùn tắc trên địa bàn Thủ đô thì cần nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó có việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, phát triển vận tải hành khách công cộng và đặc biệt là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
Chung quan điểm về vấn đề này, nhà văn Nguyễn Văn Học (hiện công tác tại báo Nhân Dân) người giành giải Nhì của cuộc thi viết “Vì an toàn giao thông Thủ đô” do Ban An toàn giao thông Thành phố, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức cho rằng, để tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội thì kết cấu hạ tầng giao thông vận tải phải đi trước một bước. Trong đó huy động nguồn lực đầu tư là một trong những yếu tố quan trọng. Nguồn lực phải được sử dụng hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có thứ tự ưu tiên, gắn với phát huy các tiềm lực về đất đai, con người, văn hóa và điều kiện tự nhiên… của những khu vực đã được đầu tư, tạo nên giá trị, nguồn lực mới để tái đầu tư các công trình giao thông khác.
Hà Nội là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của cả nước. Hơn bất kỳ đâu, vai trò của giao thông đặc biệt quan trọng với Hà Nội. “Mạch máu” giao thông có phát triển, thì kinh tế mới phát triển, Thủ đô mới có thể hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, có thực tế nan giải là hiện tỉ lệ đất dành cho giao thông thấp, mật độ dân số lại tập trung cao… đây là “bài toán” khó mà Hà Nội đang phải đối mặt. Để “bứt tốc” phát triển hạ tầng giao thông Hà Nội đòi hỏi sự quan tâm và quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của người dân.
Theo tìm hiểu từ phía Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, để cải thiện tình hình giao thông, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên rà soát các điểm, nút giao thông và các tuyến đường ùn tắc; thực hiện các giải pháp trước mắt, khắc phục kịp thời đối với những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ùn tắc giao thông.
Tuy nhiên, những giải pháp đang thực hiện trước mắt chủ yếu là điều chỉnh tổ chức giao thông hiện trạng nhằm giảm thiểu phần nào tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Do đó, trong thời gian tới vẫn cần tập trung thực hiện các giải pháp lâu dài.
Trong đó, cốt lõi nhất vẫn là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tập trung đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai; Các tuyến trục chính có tính kết nối; đồng thời tăng cường phát triển vận tải hành khách công cộng để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường…