1. Trang chủ /
  2. Tín dụng ưu đãi - “chìa khóa” thoát nghèo ở Sóc Trăng

Tín dụng ưu đãi - “chìa khóa” thoát nghèo ở Sóc Trăng

thứ ba, 20/9/2022 11:05 GMT+07
Từ một tỉnh thuần nông nghèo, đến nay Sóc Trăng đã có bước phát triển vượt bậc, đặc biệt công tác xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới vượt chỉ tiêu đề ra, đồng thời thực hiện tốt chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững. Trong thành công đó có vai trò không nhỏ của dòng vốn tín dụng ưu đãi.

Vượt khó đưa vốn tín dụng đến từng xóm, ấp

Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Trưởng ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh cho biết: Thành quả có được ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã, sự tham gia tích cực của nhân dân thì không thể không kể đến những đóng góp tích cực, hiệu quả của NHCSXH trong việc thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

20 năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, lãnh đạo địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể cùng tinh thần nỗ lực vượt khó của NHCSXH nên dòng vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước luôn chảy đều đặn về khắp địa bàn, đến từng xóm, ấp, hỗ trợ kịp thời từng hộ nghèo, từng gia đình đồng bào Khmer khó khăn phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống.

Thời điểm thành lập (năm 2003), NHCSXH Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng phải đối mặt với bộn bề khó khăn, thách thức như vốn liếng ít ỏi, cán bộ tác nghiệp, điều hành vừa thiếu, vừa yếu trình độ, thêm nữa địa bàn hoạt động rộng lớn và nhiều xã, ấp thuộc vùng 3 (vùng đặc biệt khó khăn) và hơn 60% hộ đồng bào dân tộc Khmer khó khăn, thiếu vốn sản xuất trầm trọng.

Trước thực trạng ấy, đơn vị đã tập trung huy động mọi nguồn lực và khẩn trương tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Tập thể cán bộ tín dụng chính sách tỉnh Sóc Trăng chưa khi nào bằng lòng về những kết quả đạt được và cũng không chùn bước trước những gian nan, vất vả do khách quan hay chủ quan gây ra.

“Trên mảnh đất này, khó khăn trước vừa qua, thử thách khác lại đến, ví như 2 năm gần đây, ruộng đồng bị nước biển xâm nhập nhiễm mặn nặng, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, những người làm tín dụng chính sách chúng tôi luôn trong tư thế sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro, chủ động trong cuộc chiến đầy cam go quyết liệt chống đói nghèo”, Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, ông Trần Duy Đông khẳng định.

Góp phần tích cực ngăn “tín dụng đen”

Với tinh thần chủ động trong “cuộc chiến” chống đói nghèo, cùng những giải pháp tập trung huy động nguồn lực từ nhiều kênh, nhiều đối tượng, nhiều hình thức, tính đến ngày 31/7/2002, tổng nguồn vốn chính sách ở Sóc Trăng đạt 4.307 tỷ đồng tăng gấp 58 lần so với năm 2003.

Toàn bộ nguồn vốn lớn do tạo lập được, kể cả nguồn vốn ngân sách từ UBND tỉnh, huyện ủy thác sang NHCSXH là 143,5 tỷ đồng bởi cấp ủy, chính quyền các cấp đã quán triệtsâu sắc nội dung Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách. Nguồn vốn đó đã được NHCSXH từ hội sở tỉnh đến phòng giao dịch huyện chuyển tải kịp thời về 109 Điểm giao dịch xã, phân bổ đến 3.168 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) ở tại 773 ấp, khóm giúp người dân có vốn, thêm điều kiện thâm canh ruộng vườn, khôi phục làng nghề, mở rộng sản phẩm dịch vụ, phát triển kinh tế sau dịch COVID-19.

Sau 20 năm thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ, NHCSXH Sóc Trăng đã nâng số chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện từ con số 2 lên 17, với doanh số cho vay là 10.619 tỷ đồng và 660 nghìn lượt hộ được vay vốn. Đồng vốn ưu đãi đã giúp gần 138 ngàn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho hơn 38 ngàn lao động, trong đó có 1,9 ngàn lượt lao động đi làm việc ở nước ngoài, trên 50 ngàn học sinh,sinh viên được vay vốn học tập, khoảng 147 ngàn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng cùng 20 ngàn ngôi nhà ở được sửa chữa, cải tạo, xây mới, hỗ trợ cho 9 doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 912 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Điều quan trọng nữa là đồng vốn ưu đãi đã đến đúng đối tượng thụ hưởng khắp địa bàn, góp phần tích cực ngăn chặn hoạt động cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp đỡ các hộ nghèo và các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khó khăn có vốn để chủ động phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao cuộc sống.

Tín dụng chính sách trong 20 năm qua được coi như “chìa khóa” mở lối thoát nghèo, bảo đảm an sinh xã hội bền vững cho người dân vùng sông nước Sóc Trăng. Cuộc hành trình này còn tiếp diễn với những gian khó, thách thức lớn nhưng NHCSXH chi nhánh tỉnh Sóc Trăng vẫn kiên trì dốc sức, hợp lực từng ngày đưa dòng vốn ưu đãi đến được với nhiều hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS khó khăn, góp phần thiết thực thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, chương trình giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội bền vững nơi miền quê duyên hải Đồng bằng sông Cửu Long.

(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 263 ra ngày 20/9/2022)