Tình hình ma túy “núp bóng” thực phẩm, thuốc lá điện tử… rất phức tạp
Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các sản phẩm thuốc lá đều độc hại với sức khoẻ và đến nay ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử gây nguy hại đối với sức khoẻ cộng đồng tương tự thuốc lá điếu thông thường.
Một thế hệ nghiện thuốc lá mới
Tại hội thảo cung cấp thông tin về các vấn đề liên quan đến mua bán, sử dụng thuốc lá mới do Bộ Y tế tổ chức ngày 27/4 ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ. Các hoạt động nhập lậu, mua bán, kinh doanh các sản phẩm này đang diễn ra dưới nhiều hình thức đa dạng. Sản phẩm được đưa vào Việt Nam chủ yếu qua đường nhập lậu, xách tay…, đưa được tới tay người tiêu dùng qua các kênh không chính thức và được quảng bá, bán hàng tràn lan trên các trang mạng xã hội.
Những năm gần đây, tình trạng mua bán này ngày càng phổ biến dẫn đến tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở giới trẻ. Do đó, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng làm gia tăng tỷ lệ hút thuốc lá do đa dạng nguồn cung và chủng loại.
Theo Giáo sư Trần Văn Thuấn, thực tế cho thấy những người hút thuốc lá truyền thống có khả năng sử dụng kết hợp thuốc lá điện tử nhiều hơn những người không hút thuốc lá. Thanh, thiếu niên, giới trẻ không hút thuốc lá truyền thống vẫn thử và thường bắt đầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới. Do đó, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tăng nhanh hơn so với tỷ lệ thuốc lá điếu thông thường. Các công ty thuốc lá hướng đến quảng cáo các sản phẩm thuốc lá điện tử để thu hút giới trẻ và thanh thiếu niên tạo ra một thế hệ nghiện thuốc lá mới. Chính điều này là nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong thanh thiếu niên hiện nay.
Thượng tá Nguyễn Minh Cương - Phó Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cho hay năm 2022, lực lượng Quản lý thị trường toàn quốc đã phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý các vụ việc về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá điếu ngoại, xì gà nhập lậu, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng với số vụ kiểm tra hơn 2.190 vụ, xử lý trên 1.600 vụ, số lượng bao thuốc và tương đương xử lý trên 126.000 bao; số lượng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng trên 10.000 sản phẩm các loại; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là trên 7,7 tỷ đồng. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2023 đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với khoảng 7.200 sản phẩm thuốc lá điện tử.
Trước tình hình ma túy “núp bóng” thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử… diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, chủ động nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh với loại tội phạm này.
“Theo báo cáo của công an các địa phương, năm 2022 trên toàn quốc đã phát hiện bắt giữ, xử lý 51 vụ, 97 đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy dưới dạng 'núp bóng' thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử. Trong đó ma túy được 'tẩm ướp' vào thảo mộc, thuốc lá điện tử: 32 vụ, 58 đối tượng; vật chứng thu giữ: 124,1kg và 40,7 lít dung dịch có chứa chất ma túy loại ADB-BUTINACA dùng 'tẩm ướp,' 'pha trộn,' 'núp bóng' dưới dạng thuốc lá điếu, tinh dầu thuốc lá điện tử,” Thượng tá Nguyễn Minh Cương nhấn mạnh.
Cũng theo ông, nếu tính từ đầu năm 2023 đến đầu tháng 4/2023, công an các tỉnh, thành phố đã tổ chức nhiều đợt ra quân tuyên truyền và phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc liên quan đến ma tuý 'núp bóng' thuốc lá điếu và thuốc lá điện tử như tại Hà Nội: Nhiều vụ, Phú Thọ: 6 vụ, Quảng Ninh: 01 vụ, Hà Giang: 02 vụ; Đắk Nông: 02 vụ...
Cần cấm nhập khẩu và buôn bán
Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam trong ba năm trở lại đây số lượng người sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng.
Theo kết quả nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) thực hiện năm 2020, tỷ lệ học sinh hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử ở các lớp từ 8-12 là 8,35%, ở học sinh lớp 10-12 là 12,6%. Cũng theo kết quả khảo sát này, năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở 34 tỉnh, thành phố chỉ khoảng 0,2% và đến năm 2020 đã tăng 18 lần lên khoảng 3,6%.
Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Một số khảo sát trong cộng đồng sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy rõ ràng về mối liên quan giữa sử dụng thuốc lá điện tử với các tệ nạn xã hội khác như ma túy, hút shisha và các chất gây nghiện khác. Trên thực tế, một số trường hợp nhập viện cấp cứu do sử dụng thuốc lá điện tử có pha trộn ma túy đã được ghi nhận ở Trung tâm Chống độc Bệnh Viện Bạch Mai trong thời gian gần đây.”
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, các sản phẩm thuốc lá đều độc hại với sức khoẻ và đến nay ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử gây nguy hại đối với sức khoẻ cộng đồng tương tự thuốc lá điếu thông thường. Tuy nhiên, do đặc tính của sản phẩm thuốc lá mới này khác biệt so với các đặc điểm của thuốc lá truyền thống nên không thể áp dụng Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 cho các sản phẩm này.
Thượng tá Nguyễn Minh Cương cho biết do bất cập trong việc quy định quản lý Nhà nước chưa rõ ràng đối với sản phẩm “thuốc lá thế hệ mới” nên trong quá trình xử lý, lực lượng Quản lý thị trường áp dụng quy định tại Điều 15 Nghị định số số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định về “Hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu.”
Bác sỹ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, cảnh báo nếu cho phép các loại thuốc lá mới lưu hành chính thống sẽ làm tăng nhanh tỷ lệ sử dụng, dẫn tới nghiện nicotin và sử dụng thuốc lá thông thường ở giới trẻ; tăng nguy cơ lạm dụng ma tuý với thuốc lá điện tử; nguy cơ biến tướng quảng cáo, khuyến mại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; nguy cơ quá tải, quá khả năng về năng lực quản lý...
Hiện tại các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán tại Việt Nam. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo duy trì và tăng cường các quy định luật pháp hiện tại về cấm nhập khẩu và buôn bán để ngăn chặn, hạn chế tiếp cận nhằm ngăn ngừa sự gia tăng tỷ lệ sử dụng trong giới trẻ./.