Tỉnh nghèo dồn lực chuyển đổi số, chờ cơ hội "đi sau, về trước"
- Bất chấp một năm với bộn bề khó khăn do dịch bệnh, thu ngân sách của tỉnh Yên Bái vẫn đạt 4.383 tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay, ông đánh giá thế nào về con số này?
- Nói là hài lòng thì chưa hẳn bởi mục tiêu tăng trưởng chúng tôi đặt ra là 7,3% nhưng trên thực tế đạt 7,11%.
Tuy nhiên, trong tình cảnh dịch bệnh như vậy, cả tỉnh đã phải rất nỗ lực mới có được. Chính vì thế, nói hài lòng là hài lòng với tinh thần vượt khó, hài lòng với sự đoàn kết của toàn thể nhân dân Yên Bái.
- Đâu là bí quyết phía sau thành quả trên, thưa ông?
- Thứ nhất là nỗ lực phòng, chống dịch rất quyết liệt của tỉnh. Cả cộng đồng, người dân, doanh nghiệp, cả hệ thống chính trị đã tích cực tham gia vào công tác này, gần như không có bất cứ phút giây nào lơ là.
Xin nhấn mạnh, Yên Bái là tỉnh đầu tiên trong cả nước phát hiện ca COVID-19 trong đợt dịch lần 4, gây ảnh hưởng lớn. Nhưng sau đó, Yên Bái cũng chính là tỉnh tiên phong mở lại mọi hoạt động kinh tế, đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường. Và hiện tại, còn là một trong những địa phương có độ tiêm phủ vaccine cao nhất cả nước.
Thứ hai, về phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tất cả các mục tiêu gần như đều đã được hoàn thành. Có tới 13 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 12 chỉ tiêu đạt kế hoạch.
Trong đó, nổi bật là chỉ số thu ngân sách vượt 71% dự toán trung ương, tăng 22% so cùng kỳ năm 2020; tỉ lệ hộ nghèo giảm 2,28% (vượt 0,23% chỉ tiêu); 13 xã được công nhận đạt nông thôn mới (vượt 30% kế hoạch);...
Kết quả đó là bởi tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ trong thu ngân sách, nhất là đối với các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm; tăng cường chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế,...
Bên cạnh đó, sòng phẳng mà nói vẫn có 1 số chỉ tiêu chưa đạt được. Tuy nhiên, trong tình cảnh dịch bệnh như vậy, chúng tôi nghĩ rằng, nỗ lực đó xứng đáng được ghi nhận.
Trong năm 2022, định hướng hàng đầu của Yên Bái vẫn là đẩy mạnh chuyển đổi số. Chúng tôi xác định phải dùng công nghệ để phát triển kinh tế xã hội và phòng chống dịch.
Thứ hai là đột phá chiến lược, tăng cường các kết nối, phát triển xã hội. Thứ ba là thu hút đầu tư, mở ra một số khu công nghiệp và dự án du lịch, dự án sản xuất...
- Là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, tại sao Yên Bái lại chọn chuyển đổi số là mục tiêu hàng đầu để phát triển kinh tế?
- Công nghệ hiện là xu thế phát triển chung, giúp thế giới phẳng hơn, phát triển hơn và qua đó cũng sản sinh ra rất nhiều tỉ phú, triệu phú trẻ. Không ít người trong đó thậm chí còn là con nhà nghèo, không có nền tảng kinh tế.
Yên Bái cũng xác định mình là "con nhà nghèo". Muốn phát triển được, muốn đi tắt đón đầu, thì phải lựa chọn phát triển công nghệ.
Khi nền tảng hạ tầng công nghệ thông suốt, mọi thủ tục được số hóa, thuận tiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp, sẽ là một lợi thế thu hút nhà đầu tư, đời sống người dân qua đó được nâng cao.
Chúng tôi rất hy vọng rằng với định hướng này, Yên Bái sẽ đón đầu cơ hội bứt phá, tuy đi sau mà về trước, sớm rút ngắn khoảng cách với các tỉnh, thành phát triển.
Thuật ngữ chuyển đổi số nghe thì có vẻ bóng bẩy nhưng không hẳn cứ nhiều tiền là quyết định được. Nó phụ thuộc nhiều yếu tố.
Thứ nhất phải thay đổi từ tư duy người đứng đầu, phải quyết tâm thực hiện; thứ hai là phải có sự vào cuộc của các sở ban ngành; thứ ba là phải đào tạo từng công dân.
Một tỉnh nghèo như Yên Bái mà chuyển đổi số thành công thì mới là bứt phá lớn. Chúng tôi có cách tiếp cận riêng, là đi vào những lĩnh vực chi phí ít mà đã có sẵn.
Ví dụ như giáo dục, y tế... đều đã có rất nhiều phần mềm riêng. Bây giờ, việc quan trọng là làm sao móc xích, kết nối chúng với nhau để giúp công tác điều hành.
Sắp tới, khi đạt được ngưỡng về chuyển đổi số thành công, người dân không cần phải các điểm hành chính công nữa. Minh bạch hóa, ai cũng có thể dễ dàng tra cứu.
Tất cả vấn đề người dân quan tâm đều được thông qua ứng dụng và chỉ duy nhất 1 ứng dụng để không làm phức tạp hóa.
- Hiện tại, lộ trình chuyển đổi số của tỉnh có đang đi đúng kế hoạch?
- Tình hình hiện tại rất khả quan. Năm 2018-2019, Yên Bái đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng đô thị thông minh của tỉnh; trong đó, giai đoạn 1 về hạ tầng, cơ sở, thiết bị cho đô thị thông minh đã được hoàn thành.
Đến nay, tỉnh đang triển khai giai đoạn 2 của Dự án với tổng kinh phí khoảng 1.200 tỉ đồng cho các nền tảng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, của chính quyền địa phương các cấp và một ứng dụng dùng chung duy nhất cho công dân tỉnh Yên Bái.
Cùng với đó, Yên Bái đang khẩn trương tổ chức lại Trung tâm điều hành thông minh trực thuộc Văn phòng UBND và Trung tâm chuyển đổi số trực thuộc Sở TT&TT; bổ sung chức năng, nhiệm vụ và nguồn lực cho 2 trung tâm này để làm lực lượng nòng cốt trong công tác chuyển đổi số tại tỉnh, hướng tới năm 2025 Dự án cơ bản hoàn thành và đi vào hoạt động hiệu quả.
Yên Bái triển khai chuyển đổi số từ những việc cụ thể, bắt đầu từ xã/phường chuyển đổi số, huyện chuyển đổi số, trường học chuyển đổi số, sở chuyển đổi số, doanh nghiệp chuyển đổi số.
Phường Đồng Tâm sẽ trở thành phường thí điểm chuyển đổi số. Xã Tú Lệ sẽ là xã thí điểm chuyển đổi số. Đối với trường học sẽ lấy trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành. Sở chuyển đổi số là Sở TT&TT...
Sẽ có các tiêu chí cụ thể chứ không chỉ nói không. Ví dụ, một xã/phường thì tất cả các hộ đều phải có điện thoại thông minh. Mỗi người dân sẽ được cấp danh tính số, có ít nhất một phương thức thanh toán số và hộ dân sẽ có địa chỉ số trên không gian mạng... hay cả công tác sinh hoạt đảng, học tập quán triệt Nghị quyết tại các chi bộ của xã/phường sẽ được thực hiện trên các nền tảng số.
Bên cạnh cơ sở hạ tầng, các trang thiết bị, phần mềm thì con người cũng là yếu tố vô cùng quan trọng. Bộ TT&TT đã cử biệt phái đồng chí Hoàng Minh Tiến, nguyên Phó Cục trưởng Cục An toàn Thông tin tới đảm nhận chức vụ Giám đốc Sở TT&TT tỉnh.
Tỉnh cũng đang ráo riết trưng tập và đào tạo tại chỗ các nhân sự chất lượng cao nhằm phục vụ công cuộc đại chuyển đổi này.
- Chuyển đổi số sẽ hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cụ thể là giúp người dân trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như thế nào, thưa ông?
- Nếu như trước đây, chỉ có những người trẻ là biết tới cách bán hàng online thì tới đây, chính quyền các cấp và các doanh nghiệp bưu chính trên địa bàn tỉnh sẽ tham gia, đồng hành cùng người dân bán hàng online.
Mục tiêu là đưa 100% các sản phẩm OCOP của Yên Bái, các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Đây là chủ trương chung của Bộ TT&TT và trong năm 2022, Tỉnh sẽ ban hành một Kế hoạch để triển khai nhiệm vụ này.
Khi tham gia vào sàn thương mại điện tử, người dân có sản phẩm gì đăng lên sàn, có người đặt hàng thì bưu điện sẽ tới tận nhà nhận hàng và chuyển cho người mua. Những sản phẩm này phải được truy xuất nguồn gốc và sẽ được hỗ trợ về chứng chỉ, tem, nhãn...
Từ đó, các sản phẩm của Yên Bái sẽ được bán tới thị trường khắp cả nước, hộ nông dân sản xuất sẽ được hưởng lợi nhiều hơn vì không phải thông qua khâu thương lái trung gian để đưa sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng.
Hiện, cả nước mới có 5 tỉnh thành triển khai chuyển đổi số và đều là những địa phương phát triển. Tuy nhiên, nếu Yên Bái là một tỉnh nghèo mà thực hiện thành công mới là chuyện đáng nói. Và chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào thành công đó!
- Cảm ơn ông đã dành thời gian.
LONG NGUYỄN - LÊ THẢO ANH (Theo LĐO)