1. Trang chủ /
  2. Toàn cảnh hồ sơ Uber: Từ "kỳ lân" công nghệ đến những hành vi khủng khiếp cứ tưởng chỉ có trong phim

Toàn cảnh hồ sơ Uber: Từ "kỳ lân" công nghệ đến những hành vi khủng khiếp cứ tưởng chỉ có trong phim

thứ năm, 21/7/2022 11:02 GMT+07
(PLM) - Tuần trước, một trong những sự kiện ít được đề cập trong thế giới công nghệ chính là hồ sơ Uber. Nó bị chìm nghỉm giữa vô vàn những thông tin khác, mà đáng kể nhất chính là sự ra mắt của chiếc MacBook Air trang bị chip M2, và chuyện Twitter đưa Elon Musk ra toà để đòi vị tỷ phú này hoàn tất thương vụ mua lại MXH với giá 44 tỷ USD.

Dĩ nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta có thể quên sự kiện hơn 124 nghìn tài liệu nội bộ của Uber bị rò rỉ, gửi tới tờ The Guardian của Anh Quốc. Qua những tài liệu vô giá này, tất cả mọi người đã nhìn thấy rõ ràng cách Uber mở rộng quan hệ để vận động hành lang với quan chức chính phủ nhiều nước, từ đó được hoạt động tại nhiều quốc gia lớn, đôi khi là trái cả pháp luật sở tại.


Cùng với đó là những scandal cứ tưởng chỉ có trong phim, ví dụ như “công tắc” bí mật để ngăn cơ quan điều tra tiếp cận dữ liệu trong máy chủ Uber, trốn thuế hay lờ đi sự an toàn của cả hành khách lẫn tài xế.

Để nói về toàn bộ hồ sơ Uber, có lẽ cần tới cả một chuỗi bài dài, chi tiết và nhiều bước ngoặt, hệt như cái cách Guardian hay The Washington Post thực hiện tuần trước. Mình sẽ cố hết sức có thể, để tổng hợp lại những ý chính mà các phóng viên thuộc liên minh ICIJ (liên minh phóng viên điều tra quốc tế) đã làm để biến hàng trăm nghìn tài liệu trong hồ sơ Uber trở thành những thông tin hữu ích cho người đọc. Nhờ đó, chúng ta có thể hiểu hơn cái cách Uber đã làm trái luật ở nhiều quốc gia, với mục đích sau cùng là trở thành cái tên thống trị thị trường gọi xe công nghệ.

Ai là người tiết lộ khối thông tin khổng lồ?

Người cung cấp 18.69 GB dữ liệu nội bộ của Uber cho tờ The Guardian chính là Mark MacGann, người đứng đầu bộ phận vận động hành lang của Uber tại thị trường Châu Âu. Hơn 124 nghìn tài liệu bao gồm thư điện tử, tin nhắn và dữ liệu nội bộ công ty. Người đàn ông 52 tuổi người Ireland kể từ năm 2014 đến 2016 đã đảm nhiệm công việc vận động hành lang cho Uber, tiếp cận chính phủ và nghị viện các nước tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi.

Người này chính là cá nhân đã chịu trách nhiệm quản lý quá trình mở rộng toàn cầu hoá đầy điên rồ của Uber, nơi startup này đã vi phạm luật giao thông ở rất nhiều nước. Năm năm sau khi từ chức, MacGann quyết định lên tiếng để phơi bày những điều Uber đã làm sai một cách trầm trọng.



Ông nói với tờ Guardian, từ việc vận động hành lang để thúc đẩy chính phủ các nước đổi luật theo hướng có lợi cho Uber, đến việc bào chữa chính chuyện đó theo hướng “làm để các tài xế được hưởng lợi về mặt tài chính”, tất cả đều là những lời lừa dối.

“Hầu hết mọi quốc gia nơi tôi đảm nhận nhiệm vụ cho Uber, luật đều cấm sự tồn tại và vận hành một dịch vụ gọi xe như vậy. Công thức làm việc của Uber là không cần xin phép, cứ vận hành, chạy thật nhanh, tuyển tài xế, làm marketing và mọi người sẽ nhanh chóng nhận ra Uber tuyệt đến mức nào.”



Với việc công khai dữ liệu mật của công ty, MacGann cũng thừa nhận chính ông cũng góp phần thực hiện những việc nói trắng ra là phạm pháp: “Tôi cũng có một phần trách nhiệm. Khi ấy tôi ở đó, tôi chính là người làm việc với các chính phủ, tôi là người làm việc với truyền thông, và cũng chính là người ngồi trong phòng họp khi họ bàn chuyện lắp công tắc vô hiệu hoá việc truy xuất dữ liệu trong máy chủ, và tôi chính là người nói rằng nên thay đổi luật lệ vì các tài xế sẽ được thưởng lợi, và mọi người đều sẽ có thêm cơ hội về mặt kinh tế.”

Vận động hành lang, chơi với cả tổng thống


Giữa năm 2015, những tài xế taxi tại Pháp biểu tình và bãi công ở Marseille. Họ đốt phá, lật xe, chặn đường đến nhà ga và sân bay. Trung tâm của cuộc biểu tình này là sự phản đối ứng dụng đặt xe Uber. Các tài xế taxi cho rằng, Uber đã phạm luật ở Pháp, cũng như đe dọa nguồn sống của những người chạy taxi. Sau những va chạm giữa tài xế taxi với tài xế Uber, ngày 20/10/2015, Pháp tạm dừng dịch vụ gọi xe của Uber. Để giải quyết điều này, Mark MacGann nhờ tới một chính trị gia trẻ tuổi, khi đó là bộ trưởng kinh tế, công nghiệp và kỹ thuật số Pháp: Emmanuel Macron.



Chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi MacGann liên hệ Macron, Pháp tuyên bố dừng cấm Uber. Đó chỉ là một trong hàng chục liên lạc với các quan chức chính phủ các nước để Uber bảo vệ chỗ đứng của họ ở những thị trường béo bở toàn cầu.


Tương tự là ở Hà Lan, thủ tướng khi ấy là Mark Rutte từng trực tiếp nhắn cho CEO Travis Kalanick: “HIện giờ mọi người coi các bạn quá hung hăng. Hãy thay đổi cách mọi người nhìn vào Uber bằng cách tập trung vào những thứ tích cực đi. Nó sẽ giúp các bạn có hình ảnh đẹp hơn trong mắt mọi người.”

Sự hung hăng ở đây là việc đâm đầu vào một thị trường mới trước cả khi chính phủ các nước chấp thuận. Và sự hung hăng của Uber đã biến những tài xế chạy xe cho ứng dụng này trở thành mục tiêu của sự giận dữ từ phía những tài xế taxi truyền thống. Phe taxi truyền thống thấy ngành của họ bị đe dọa nghiêm trọng bởi những đối thủ cạnh tranh chơi không theo luật. Từ châu Âu, châu Á đến Nam Mỹ, nhiều tài xế Uber bị tấn công, đốt xe.

Tài liệu Uber cho thấy các giám đốc của startup này đã từng gặp mặt Emmanuel Macron của Pháp, tổng thống khi ấy của Israel Benjamin Netanyahu, thủ tướng khi ấy của Ireland Enda Kenny, tổng thống Estonia khi ấy là Toomas Hendrik, cùng nhiều vị nguyên thủ quốc gia khác.


Năm 2016 tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sỹ, phó tổng thống Mỹ lúc ấy là Joe Biden muốn có một cuộc gặp mặt với Kalanick. Ông Biden đến trễ, và Kalanick đã nhắn tin cho đồng nghiệp: “Tôi đã cho ông ta biết cứ trễ với tôi một phút là ông ta sẽ có ít đi một phút được nói chuyện với tôi.”

Khi Biden tới, Kalanick mở bài pitch sale quen thuộc, về dịch vụ gọi xe của Uber, về cách startup này thay đổi các thành phố và cách mọi người làm việc theo hướng tốt hơn. Được biết Biden đã ấn tượng với bài pitch này tới mức phó tổng thống Mỹ đã chỉnh lại bài phát biểu của mình ở Davos. Đó là một trong số hơn 100 cuộc họp giữa các giám đốc của Uber với các quan chức chính phủ từ 2014 đến 2016.

Đốt tiền của nhà đầu tư để thu hút tài xế và “mua doanh thu”


Abdurzak Hadi là một tài xế Uber tại Anh. Anh rời khỏi quê hương Somalia để đến tị nạn ở Anh từ hồi thiếu niên, rồi đến năm 44 tuổi, anh bỏ nghề chạy taxi để đăng ký làm tài xế cho Uber. Ban đầu, Uber tặng những khoản thưởng khổng lồ cho các tài xế, và 50 Bảng Anh cho bất kỳ hành khách nào mời được bạn bè trở thành tài xế. Họ dùng hàng tỷ USD tiền của các nhà đầu tư để cạnh tranh với đối thủ và lôi kéo những người chạy xe, từ đó thống trị thị trường ứng dụng gọi xe.

Nhưng rất nhanh, khoản tiền Hadi nhận được cứ ít dần. Uber càng nhiều xe thì thời gian chờ giữa những chuyến xe của Hadi lại càng dài ra. Rồi họ tăng phí thu từ tài xế từ 20 lên 25%. Có những thời điểm Hadi ước tính phải làm việc 14 giờ liên tục chỉ để kiếm khoản tiền mà khi mới bắt đầu, anh chỉ mất có 5 tiếng để kiếm ra. Đến năm 2015, Hadi phát hiện ra thu nhập của anh thấp tới mức gia đình anh có thể đăng ký nhận trợ cấp từ chính phủ.



Khoảng thời gian “trăng mật” tuyệt vời giữa Hadi với Uber chính là hệ quả của việc startup này đốt rất nhiều tiền để kích thích sự tăng trưởng ở các thị trường chiến lược, và ở ngay thời điểm Uber cảm thấy không cần phải làm thế nữa, thu nhập của các tài xế giảm đến chóng mặt.

Một bài thuyết trình nội bộ của Uber mô tả rất rõ vấn đề này:

  • Tháng 10/2014 ở Madrid, một tài xế Uber được trả 17.50 USD mỗi giờ, còn chi phí chuyến đi người dùng trả chỉ là một nửa con số đó, 9.10 USD.
  • Ở Berlin, tài xế kiếm được 10.20 USD mỗi giờ, còn cước phí chuyến xe là 2.20 USD một giờ.


Đấy là chiến lược “đốt tiền mua doanh thu”, chính xác từng lời của bài thuyết trình. Ngay thời điểm Uber có cảm giác thị trường ở đó đã vận hành theo cách họ mong muốn về mặt thị phần, thu nhập của tài xế giảm không tưởng. Ở Paris, trung bình một tài xế đem về cho Uber 23.40 USD mỗi tiếng, nhưng họ chỉ kiếm được lãi có 0.1 USD sau khi trừ hết chi phí xăng xe, bảo hiểm, tiền điện thoại và bảo dưỡng xe cộ. Tương tự như vậy là ở Cape Town, Nam Phi, khoản tiền 4 USD/tiếng bị cắt gần về con số 0 tròn trĩnh. Có người ban đầu kiếm được gần 300 USD một ngày, nhưng sau này chỉ kiếm được một phần rất nhỏ của con số đó.



Chiến lược này gọi là “cắt giảm việc đốt tiền,” theo cách nói của các giám đốc Uber. Việc ứng dụng chính sách giá và cách thao túng tài xế, gián tiếp ép họ phải làm việc nhiều hơn về cơ bản là trung tâm của mô hình kinh doanh của Uber. Chính việc cố gắng biến các tài xế Uber là “đối tác tự do” thay vì là “nhân viên” của Uber đã cho phép họ đẩy hết trách nhiệm, chi phí và những nguy cơ trong quá trình cung cấp dịch vụ giao thông lên đầu những tay lái. May mắn là tòa án nhiều nước đã nhận ra điều này, xác định rằng Uber có kiểm soát tài xế, vì thế họ là “nhân viên” của Uber.

Từ khoảng thời gian “trăng mật” đầy ngọt ngào, nhiều tài xế Uber dần có cảm giác bị giam cầm khi tiền kiếm không đủ nuôi sống gia đình.

Trả tiền cho dân hàn lâm viết nghiên cứu có lợi cho Uber


Bên cạnh việc vận động hành lang và làm việc với những nguyên thủ quốc gia, trong khoảng thời gian từ 2014 đến 2015, khi Uber bị chính quyền nhiều nước nhắm vào để quản lý, thì startup này đổ tiền tấn cho các nhà nghiên cứu hàn lâm viết ra những nghiên cứu kinh tế, sử dụng dữ liệu Uber cung cấp để vẽ ra bức tranh theo hướng có lợi hơn đối với họ.

Có lúc, Uber đổ hàng trăm nghìn USD cho các nhà khoa học và thinktank để tạo ra những nghiên cứu khoa học, nhìn thì có vẻ trung lập nhưng thường cố tình nhắm vào cách Uber “tạo ra vô vàn việc làm tích cực cho mọi người”, “tạo ra giải pháp giao thông giá rẻ cho người dùng" và “tăng cường năng suất lao động.”



Sau đó những nghiên cứu này được gửi cho các chính trị gia và báo giới để họ đưa ra những quyết định theo hướng có lợi cho Uber.

Lấy ví dụ ở Pháp, giáo sư Augustin Landier của đại học kinh tế Toulouse được trả 100 nghìn Euro để tạo ra một bản báo cáo “có thể dùng để quảng bá trực tiếp để chứng minh vai trò kinh tế tích cực của Uber.” Tương tự như vậy là với David Thesmar của một trường kinh doanh danh tiếng khác ở Pháp, École des Hautes Études Commerciales de Paris. Những báo cáo như vậy tạo ra những dòng viết đầy tích cực như “hầu hết tài xế kiếm được hơn 20 Euro một giờ, hơn gấp đôi lương cơ bản” trong bài viết của Financial Times.

Công tắc chặn cảnh sát truy xuất dữ liệu


Trong những bức thư điện tử nội bộ của Uber, nhân sự startup này hiểu rõ tình hình vận hành không theo luật pháp nhiều nước của họ, ví dụ như ở Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Tây Ban Nha, cộng hòa Séc, Thụy Điển, Pháp, Đức và Nga.

Khắp thế giới, cảnh sát, quan chức ngành giao thông và các cơ quan quản lý tìm cách quản Uber. Ở nhiều thành phố, cơ quan quản lý tải app về máy để gọi chuyến xe. Sau khi xe đến, họ sẽ tiến hành phạt xe đón chở khách trái phép rồi tịch thu xe. Văn phòng Uber ở nhiều nước bị cảnh sát khám xét.



Để giải quyết chuyện này, Uber phát triển ra một giải pháp phức tạp, gọi tên là “kill switch.” Khi văn phòng Uber bị khám xét, các giám đốc của Uber gửi tin nhắn yêu cầu chuyên viên IT cắt nguồn tiếp cận và truy xuất dữ liệu từ hệ thống dữ liệu chính, từ đó ngăn chặn cơ quan chức năng thu thập thông tin. Ít nhất 12 lần “kill switch” đã được kích hoạt khi những cuộc khám xét diễn ra ở Pháp, Hà Lan, Bỉ, Ấn Độ, Hungary và Romania.

Người phát ngôn Uber nói kỹ thuật này được các luật sư của Uber phê duyệt, và nó không phải một hành vi ngăn chặn nhà chức trách điều tra.



Còn trong khi đó, Uber còn dựa vào dữ liệu điện thoại mà họ thu thập được để xác định những chiếc máy của các nhà chức trách tìm xe để phạt. Họ cập nhật phiên bản Uber của những chiếc điện thoại đó để gọi được xe nhưng đều là xe ảo, và chẳng có chiếc xe nào tới để cho nhà chức trách phạt cả. Giải pháp này gọi là Greyball, và nó được ứng dụng ở rất nhiều quốc gia và thành phố, ví dụ như Boston, Paris, Las Vegas, Úc, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Trốn thuế


Đã có một sự kiện, giám đốc của Uber tại Anh Quốc Fraser Robinson được yêu cầu chuyển tới Amsterdam để lừa phía thuế vụ Anh Quốc rằng Uber không có nhân sự quản lý trong lãnh thổ nước Anh. Luật Anh yêu cầu nếu có nhân sự quản lý tại Anh, thì sẽ phải đóng thuế tại quốc gia này. Robinson từ chối vì còn gia đình, và từ chức.

Lờ đi sự an toàn của tài xế và hành khách


Tất cả những chiến lược đốt tiền đổi tài xế và nỗ lực vận động hành lang, không phải ở nơi nào Uber cũng thành công. Có nơi họ thành công trong việc kích thích chính phủ viết lại luật theo hướng có lợi cho họ. Nhưng ở những nơi khác, tài xế Uber bị những nghiệp đoàn taxi, đôi khi vận hành theo cách vô cùng mờ ám nhắm vào, và trở thành mục tiêu của bạo lực.



Khi Uber mở cửa vận hành ở Ấn Độ, những giám đốc Uber tại châu Á yêu cầu những giám đốc Uber tại Ấn Độ chỉ tập trung vào việc tăng trưởng. Kalanick từng nói thế này: “Hãy chấp nhận sự hỗn loạn. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn đang làm một thứ có ý nghĩa.” Ngay cả khi biểu tình và bạo loạn nổ ra ở Pháp, Kalanick thậm chí còn ra lệnh cho phía Uber Pháp phản pháo bằng cách đoàn kết các tài xế Uber lại để trả đũa: “Tôi nghĩ là đáng. Bạo lực đảm bảo thành công. Và những người đó cũng phải chống lại sự phản đối chứ?”



Nói cách khác, Uber sẵn sàng đưa tài xế làm việc cho họ vào vùng bạo lực để có được kết quả có lợi cho startup. Điều này xảy ra nhiều tới mức một cựu giám đốc của Uber đã nói rằng họ đã có cả công thức để biến tài xế trở thành vũ khí, từ đó đạt được mục tiêu họ muốn. Chiến lược này đã được ứng dụng ở Ý, Bỉ, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ và Hà Lan.

Khi những tài xế Uber ở Hà Lan bị những người lạ mặt đóng giả tài xế taxi tấn công ở Amsterdam hồi tháng 3/2015, nhân viên Uber kêu gọi tài xế báo cảnh sát, rồi chia sẻ những thông tin đó cho tờ De Telegraaf. Một giám đốc viết: “Chúng ta giữ bạo lực diễn ra trong vài ngày, rồi đưa ra giải pháp.” Họ tận dụng bạo lực để tạo sức ép tới chính phủ, ép phía Hà Lan viết lại luật theo hướng có lợi cho Uber.



Ngày 5/12/2014, một hành khách đi Uber bị tấn công trong xe ở New Delhi, Ấn Độ. Sau đó, Uber phải tạm dừng hoạt động, rồi kế đến là vận hành tạm thông qua một công ty con ở Ấn Độ. Cũng ở thị trường Nam Á này, Uber gặp rắc rối với ngân hàng, với sở thuế và tòa án bảo vệ người tiêu dùng. Cũng từ đây giải pháp kill switch được ứng dụng để ngăn chặn những nhà chức trách thu thập dữ liệu từ máy chủ của Uber.