Tổng Giám đốc AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị tuyên phạt 30 năm tù
Sau hai tuần xét xử và nghị án, sáng 4/1, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phạt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC) và 35 bị cáo trong vụ án vi phạm quy định về đấu thầu, lợi dụng chức vụ quyền hạn, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị có liên quan.
Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (sinh năm 1969, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC) 16 năm tù về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng," 14 năm tù về tội "đưa hối lộ." Tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Nhàn là 30 năm tù.
Bị cáo Trần Mạnh Hà (sinh năm 1971, Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC) bị tòa tuyên phạt 13 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng," 12 năm tù về tội "Đưa hối lộ." Tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Hà là 25 năm tù.
Bị cáo Trần Đình Thành (sinh năm 1955, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) bị tòa tuyên phạt 11 năm tù; bị cáo Đinh Quốc Thái (sinh năm 1959, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai) bị phạt 9 năm tù về cùng tội "Nhận hối lộ."
Bị cáo Phan Huy Anh Vũ (sinh năm 1967, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai) bị tuyên phạt 10 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", 9 năm tù về tội "Nhận hối lộ." Tổng hợp hỉnh phạt chung đối với bị cáo Vũ là 19 năm tù.
Bị cáo Bồ Ngọc Thu (sinh năm 1960, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai) bị phạt 3 năm 6 tháng tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ."
Bị cáo Trịnh Huy Cường (sinh năm 1975, Trưởng Phòng Quản lý xây dựng-Sở Xây dựng Đồng Nai, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Kiểm định và Tư vấn xây dựng Đồng Nai) bị phạt 30 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng."
Các bị cáo còn lại bị tòa tuyên phạt về cùng tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" gồm: Hoàng Thị Thúy Nga (sinh năm 1975, Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC) 12 năm tù, Phan Minh Trí (sinh năm 1979, Trưởng Phòng Hành chính quản trị Bệnh viện Đồng Nai) 6 năm 6 tháng tù, Nguyễn Thị Nhung (sinh năm 1960, nguyên Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Tư vấn Xây dựng Đồng Nai - nay là Trung tâm Tư vấn quy hoạch kiểm định xây dựng Đồng Nai) 4 năm 6 tháng, Đỗ Văn Sơn (sinh năm 1977, nguyên Kế toán trưởng Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế) 6 năm tù.
Hai bị cáo Đỗ Mỹ Hạnh (sinh năm 1982, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cát Vân Sa), Nguyễn Công Tiến (sinh năm 1965, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thẩm định giá và Tư vấn đầu tư xây dựng Thế hệ mới) cùng bị phạt 5 năm tù.
Bốn bị cáo: Ninh Văn Sinh (sinh năm 1979, Chuyên viên thẩm định giá Công ty Thẩm định giá Thế hệ mới); Hoàng Thế Quỳnh (sinh năm 1985, nhân viên Công ty AIC); Ngô Thế Vinh (sinh năm 1965, Giám đốc Công ty Việt Tiên); Nguyễn Thị Tích (sinh năm 1962, Tổng Giám đốc Công ty Mopha) cùng bị phạt 4 năm tù.
Bốn bị cáo: Nguyễn Thị Dung (sinh năm 1954, Tổng Giám đốc Công ty Mediconsult Việt Nam); Vũ Quang Ngọc (sinh năm 1981, nguyên Phó Giám đốc Công ty Medicosult Việt Nam); Ngô Quang Vinh (sinh năm 1975, kỹ sư Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng Đồng Nai); Nguyễn Thành Thái (sinh năm 1987, nhân viên Trung tâm Tư vấn xây dựng Đồng Nai) cùng bị phạt 3 năm 6 tháng tù.
Bốn bị cáo: Nguyễn Tiến Thu (sinh năm 1987, nhân viên Công ty AIC), Lê Thị Bích Thủy (sinh năm 1980, Giám đốc Công ty TNT), Lê Chí Tuân (sinh năm 1980, Trưởng nhóm hồ sơ - Ban Quản lý Dự án 1 Công ty AIC), Lê Thị Hương (sinh năm 1983, nguyên Phó ban Kế toán Công ty AIC) cùng bị phạt 3 năm tù.
Sáu bị cáo: Nguyễn Quang Minh (sinh năm 1986, nhân viên Công ty AIC), Lưu Văn Phương (sinh năm 1983, Kỹ sư, nguyên nhân viên Công ty AIC); Nguyễn Tấn Sỹ (sinh năm 1982, nguyên nhân viên Công ty TCI); Nguyễn Đăng Thuyết (sinh năm 1970, nguyên Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội); Huỳnh Tuấn Anh (sinh năm 1984, Giám đốc Công ty Tạ Thiên Ân); Nguyễn Thị Sen (sinh năm 1984, nguyên Giám đốc Công ty Thiết bị y tế và Môi trường) cùng bị phạt 30 tháng tù.
Ba bị cáo: Cao Thị Tám (sinh năm 1964, nguyên Trưởng phòng Tư vấn đấu thầu-Trung tâm Tư vấn, Xây dựng Đồng Nai-Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai); Phan Thành An (sinh năm 1973, nguyên Trưởng phòng Quản lý dự án-Đấu thầu Trung tâm Kiểm định và Tư vấn xây dựng tỉnh Đồng Nai); Chu Văn Hiếu (sinh năm 1966, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn Phát triển công nghiệp, Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai) cùng bị phạt 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Hai bị cáo: Lê Lâm Đồng (sinh năm 1977, chuyên viên Phòng Quản lý đô thị thành phố Biên Hòa, nguyên nhân viên phòng Quản lý dự án-Đấu thầu của Trung tâm Kiểm định và tư vấn xây dựng Đồng Nai); Nguyễn Văn Bằng (sinh năm 1970, nguyên Giám đốc Công ty Tâm Hợp) cùng bị phạt 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Các bị cáo hưởng án treo được Hội đồng xét xử tuyên trả tự do ngay tại tòa nếu như không bị tạm giam trong một vụ án khác.
Bản án sơ thẩm nhận định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của các bị cáo đã xâm phạm quy định quản lý của Nhà nước về đấu thầu, gây thiệt hại tài sản lớn cho Nhà nước, cần phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc, tương xứng với mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo, nhằm cảnh cáo, răn đe và nâng cao chất lượng công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay.
Hội đồng xét xử đánh giá trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã bỏ trốn ra nước ngoài, cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã quốc tế đặc biệt nhưng không có kết quả.
Căn cứ vào các lời khai của các bị cáo: Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái, Bồ Ngọc Thu, Phan Huy Anh Vũ, Hoàng Thế Quỳnh, Lê Chí Tuân, Nguyễn Quang Minh, Nguyễn Tiến Thu, Lưu Văn Phương; lời khai của Giám đốc, nhân viên các công ty "quân xanh"; kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an về chữ ký đứng tên Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các tài liệu, chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án…, Hội đồng xét xử xác định Nguyễn Thị Thanh Nhàn chỉ đạo một số Phó Tổng Giám đốc và nhân viên cấp dưới liên hệ, phối hợp với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, thẩm định giá để thực hiện các hành vi thông thầu, gian lận trong đấu thầu, hạn chế hoặc loại trừ cạnh tranh trong đấu thầu giúp Công ty AIC trúng 16 gói thầu (2 gói thầu thiết bị xây lắp và 14/17 gói thầu thiết bị y tế chuyên môn) gây thiệt hại cho Nhà nước tại 14/16 gói thầu là hơn 148 tỷ đồng.
Sau khi trúng thầu, Nhàn còn thông đồng với Phan Huy Anh Vũ điều chỉnh mức phạt hợp đồng gây thiệt hại số tiền hơn 3,5 tỷ đồng. Tổng số tiền thiệt hại cho Nhà nước là hơn 152 tỷ đồng.
Trong số các bị cáo thuộc Công ty AIC, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty là người chủ mưu, cầm đầu, trực tiếp chỉ đạo các nhân viên thực hiện hành vi phạm tội, sau đó bị cáo Nhàn bỏ trốn, gây khó khăn cho công tác điều tra vụ án. Tòa xác định Nguyễn Thị Thanh Nhàn là bị cáo đầu vụ, phải chịu hình phạt cao nhất trong số các bị cáo.
Bị cáo Trần Mạnh Hà (Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC) giữ vai trò thứ 2, nhận hình phạt thấp hơn bị cáo Nhàn.
Đối với bị cáo Trần Đình Thành, Hội đồng xét xử kết luận, với cương vị là Bí thư Tỉnh ủy, bị cáo Thành đã nhiều lần nhận tổng số tiền 14,5 tỷ đồng từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn để chỉ đạo, tác động đến Đinh Quốc Thái, Bồ Ngọc Thu, Phan Huy Anh Vũ tạo điều kiện cho Công ty AIC được trúng 16 gói thầu thiết bị y tế theo yêu cầu của Nguyễn Thị Thanh Nhàn, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 148 tỷ đồng. Hành vi của bị cáo Trần Đình Thành đã bị Viện Kiểm sát truy tố về tội "nhận hối lộ" là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Ngoài tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần, Hội đồng xét xử cũng xem xét bị cáo Thành có nhiều tình tiết giảm nhẹ như khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, chủ động hợp tác, cung cấp thông tin có giá trị với cơ quan điều tra để nhanh chóng làm rõ vụ án, gia đình bị cáo đã nộp lại toàn bộ số tiền nhận hối lộ, bị cáo Trần Đình Thành là con của Mẹ Việt Nam Anh hùng, bị cáo có hai anh trai là liệt sỹ, trước khi phạm tội có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, tuổi cao, sức khỏe yếu… nên được xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo Đinh Quốc Thái bị tòa xác định là đã nhiều lần nhận từ hai bị cáo Nhàn và Hà tổng số tiền 14,5 tỷ đồng để ký quyết định phê duyệt, điều chỉnh Dự án; phê duyệt kế hoạch đấu thầu Dự án trái quy định của pháp luật và tác động Phan Huy Anh Vũ tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu 16 gói thầu trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 148 tỷ đồng. Hành vi của Đinh Quốc Thái đã phạm vào tội "nhận hối lộ."
Quá trình điều tra, Đinh Quốc Thái đã thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của mình, hợp tác khai báo với cơ quan điều tra, gia đình bị cáo đã nộp lại toàn bộ số tiền nhận hối lộ, trước khi phạm tội, Đinh Quốc Thái nhiều có thành tích xuất sắc trong công tác, sức khỏe yếu… nên được xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Hội đồng xét xử xác định bị cáo Thái giữ vai trò thấp hơn bị cáo Thành trong vai trò chỉ đạo thực hiện tại vụ án, nên mức án thấp hơn bị cáo Thành, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.
Đối với nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ, Hội đồng xét xử nhận định, bị cáo Vũ đã nhiều lần nhận tiền 14,8 tỷ đồng của hai bị cáo Nhàn và Hà.
Bị cáo Vũ đã trực tiếp chỉ đạo bị cáo Phan Minh Trí thực hiện hành vi thông thầu giúp Công ty AIC trúng 16 gói thầu trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước 152 tỷ đồng. Bị cáo Vũ có tình tiết tăng nặng là phạm nhiều tội, phạm tội nhiều lần.
Tuy nhiên, Hội đồng xét xử xem xét hành vi phạm tội của bị cáo Vũ thực hiện một phần là do sức ép của cấp trên là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, bản thân bị cáo là bác sỹ, phụ trách dự án đầu tư xây dựng là không thuộc chuyên môn của bị cáo Vũ nên không thể tránh khỏi sai sót… Do vậy, tòa quyết định xem xét giảm nhẹ hình phạt, cho bị cáo Vũ được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Theo bản án sơ thẩm, dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai được phê duyệt năm 2007, tổng vốn đầu tư hơn 889 tỷ đồng, bao gồm chi phí xây lắp và thiết bị kèm theo xây lắp.
Năm 2010, dự án được phê duyệt lại với tổng vốn đầu tư 1.904 tỷ đồng, bao gồm chi phí xây lắp, thiết bị kèm theo xây lắp và thiết bị y tế chuyên môn (hạng mục được bổ sung vào dự án).
Sau đó, qua 5 lần phê duyệt điều chỉnh, dự án có tổng vốn đầu tư 2.076 tỷ đồng. Quá trình thực hiện dự án, Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành 4 quyết định phê duyệt kế hoạch đấu thầu đối với 70 gói thầu; trong đó có 9 gói thầu thiết bị kèm theo xây lắp (gói số 7 và số 56), 17 gói thầu thiết bị y tế chuyên môn (gói số 52 và từ số 64 đến 79).
Thực tế, dự án được phân chia thành 123 gói thầu, trong đó có 17 gói thiết bị y tế chuyên môn. Dự án khởi công ngày 27/11/2008, hoàn thành ngày 30/1/2018 và đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai phê duyệt quyết toán hơn 1.977 tỷ đồng.
Trong số 26 gói thầu được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai phê duyệt kế hoạch đấu thầu nêu trên (9 gói thiết bị kèm theo xây lắp và 17 gói thiết bị y tế chuyên môn), Công ty AIC tham gia đấu thầu và trúng thầu toàn bộ 16 gói thầu, gồm: 2 gói thiết bị kèm theo xây lắp (gói số 7, 56) và 14 gói thầu thiết bị y tế chuyên môn (gói số 52, 64, 65, 67, 68, 69, 70, 71, 72, 73, 74, 75, 76, 77). Trong đó, Công ty AIC đứng tên trúng thầu 12 gói, chỉ định các Công ty khác đứng tên hộ và trúng 4 gói thầu.
Để thuận lợi trong việc trúng các gói thầu thiết bị y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chỉ đạo bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC) và nhân viên mua Hồ sơ mời thầu, lập Hồ sơ dự thầu cho cả Công ty "quân đỏ" và Công ty "quân xanh" để nộp Hồ sơ dự thầu cho đủ số lượng theo quy định để Công ty AIC trúng 16 gói thầu thiết bị y tế.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Nhàn ký và chỉ đạo bị cáo Trần Mạnh Hà (Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC) ký các Phụ lục hợp đồng điều chỉnh điều khoản phạt hợp đồng trái quy định, gây thiệt hại hơn 3,5 tỷ đồng.
Với cách thức nêu trên của Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Công ty AIC và các Công ty do Công ty AIC chỉ định tham gia 16/19 gói thầu thiết bị y tế và trúng toàn bộ 16 gói thầu với tổng giá trị hơn 665 tỷ đồng. Trong số đó: Công ty AIC đứng tên trúng 12 gói thầu, còn lại là các công ty "quân xanh" như Công ty BMS, TNT... ký hợp đồng thực hiện 4 gói thầu với chủ đầu tư nhưng thực tế Công ty AIC thực hiện cung ứng toàn bộ thiết bị của các gói thầu này và đã nhận lại toàn bộ số tiền chủ đầu tư thanh toán cho các công ty "quân xanh"./.