Tổng kết lý luận và thực tiễn 40 năm Đổi mới: Kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn
Nhiệm vụ quan trọng
Theo Quyết định số 103-QĐ/TW ngày 7/4/2023 của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc Đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong 40 năm qua ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo) được thành lập với 21 thành viên, do Chủ tịch nước làm Trưởng Ban.
Cùng dự Phiên họp có các Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP HCM và các thành viên Ban Chỉ đạo.
Theo TTXVN, tại Phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận, cho ý kiến và cơ bản thống nhất về kế hoạch tổng kết một số vấn đề lý luận, thực tiễn lớn phải tổng kết; đề cương báo cáo tổng kết; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên và thảo luận một số yêu cầu có tính nguyên tắc về cách thức, phương pháp hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, việc tổng kết một số vấn đề lý luận thực tiễn 40 năm Đổi mới đất nước là nhiệm vụ quan trọng nhằm nhận thức sâu sắc hơn một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong quá trình Đổi mới đất nước mà Đảng ta đã tổng kết qua nhiều lần Đại hội, nhất là những cuộc tổng kết để bổ sung phát triển Cương lĩnh năm 2011, sửa đổi Hiến pháp năm 2013, các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Trung ương và các đề tài cấp Nhà nước, từ đó góp phần tiếp tục làm sáng tỏ, hoàn thiện đường lối Đổi mới của Đảng, lý luận về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH, chuẩn bị cho việc xây dựng các văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng, trang bị cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân sự tự tin về đường lối và mục tiêu đi tới của dân tộc.
Chủ tịch nước nêu rõ, quá trình tổng kết phải trên cơ sở quán triệt đầy đủ, nghiêm túc Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung phát triển năm 2011); Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; các chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”. Đặc biệt là phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị
Tổng kết công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương, theo đó, Tổng Bí thư yêu cầu: “Không thể để kéo dài tình trạng còn lạc hậu của lý luận so với sự vận động và đòi hỏi của thực tiễn. Lý luận phải vươn lên dẫn đường, “phải có tầm nhìn vượt trước”; phải khai thông những “điểm nghẽn” về tư duy, nhận thức, quan điểm phục vụ cho việc hoàn thiện thể chế, xây dựng đường lối, chủ trương, định hướng, chính sách phát triển; khơi dậy khát vọng và phát huy ý chí, quyết tâm vươn lên của cả dân tộc; phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra”.
Bảo đảm nguyên tắc kế thừa và phát triển, kiên định và đổi mới
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng yêu cầu, quá trình tổng kết còn phải bảo đảm nguyên tắc kế thừa và phát triển, kiên định và đổi mới, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa tổng kết kinh nghiệm Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm biện chứng, khoa học, khách quan, dân chủ, phát huy trí tuệ của các cơ quan, tổ chức, các nhà nghiên cứu.
Phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém về tư duy, nhận thức nếu có, cũng như trong quá trình tổ chức thực hiện. “Không được rơi vào chủ nghĩa kinh nghiệm, giáo điều, cũng không hồ hởi, dễ dãi với những sáng kiến, đề xuất chưa được kiểm nghiệm, chứng minh trong quá trình thực tiễn phát triển của thế giới. Vì “lý luận đi trước dẫn đường”, có những điều chúng ta chưa kiểm nghiệm từ thực tiễn Việt Nam được nhưng trong nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm thế giới thì chúng ta cũng phải chắt lọc được những kinh nghiệm mà thế giới đã chứng minh là đúng, đã có thành quả, đã có thành tựu và đang phát huy tác dụng thì chúng ta phải chú ý”, Chủ tịch nước lưu ý.
Về phạm vi tổng kết, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu cần tập trung đi sâu vào các vấn đề lớn, coi trọng cập nhật những vấn đề mới, đặc biệt là tình hình, xu hướng phát triển của thế giới, thuận lợi và thách thức, các yêu cầu quan trọng của giai đoạn phát triển mới, nhất là sau đại dịch COVID-19 thế giới đánh giá có nhiều thay đổi lớn; chỉ rõ những phát triển mới về tư duy lý luận. Việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế có chọn lọc, chú ý tại các quốc gia có cùng thể chế, quốc gia có điểm xuất phát và điều kiện phát triển tương đồng, quốc gia dẫn đầu về xu hướng phát triển trên các lĩnh vực khoa học - công nghệ, kinh tế.
Nhấn mạnh đây là nội dung rất quan trọng góp phần trực tiếp vào việc xây dựng Văn kiện Đại hội XIV của Đảng cũng như xác định tầm nhìn dài hạn phát triển đất nước, Chủ tịch nước đề nghị Hội đồng Lý luận Trung ương - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của các thành viên Ban Chỉ đạo để hoàn thiện, ban hành. Các cơ quan phân công, chọn lựa những cán bộ có tâm huyết, năng lực, trách nhiệm với công việc để tham gia thực hiện và các cán bộ được phân công cần dành thời gian thỏa đáng để thực hiện nhiệm vụ được giao, đạt yêu cầu về chất lượng và tiến độ đề ra.