TP.HCM: Tìm người vay tiền của Easy Credit bị nhắn tin đe dọa khủng bố
Điều tra mở rộng vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” tại địa điểm kinh doanh số 1 - Công ty Cổ phần mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng (phường 1, quận Tân Bình), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tân Bình (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết đang tìm những nạn nhân là người vay tiền, người thân và bạn bè của người vay tiền ở Công ty Tài chính cổ phần Điện Lực (Easy Credit) bị các nhân viên gọi điện, nhắn tin đe dọa “khủng bố” uy hiếp để trả nợ.
Trước đó, đầu tháng 3, Công an quận Tân Bình phối hợp với Phòng Cảnh sát Hình sự Công an thành phố, Cục Cảnh sát Hình sự Bộ Công an khám xét địa điểm kinh doanh số 1 - Công ty Cổ phần mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng (phường 1, quận Tân Bình) và Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Luật Thế hệ trẻ (phường 15, quận Tân Bình), bắt giữ nhiều đối tượng và thu giữ nhiều tài liệu.
Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tân Bình đã khởi tố 14 đối tượng về tội "Cưỡng đoạt tài sản" theo Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015, trong đó có 7 đối tượng làm quản lý, nhân viên thu hồi nợ tại Địa điểm kinh doanh số 1 - Công ty Cổ phần mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng gồm Nguyễn Minh Thành - quản lý; Võ Công Vân, Trần Thị Mỹ Duyên, Lê Văn Đạt, Nguyễn Hải Đăng, Nguyễn Thị Minh Tâm, Vũ Ngọc Chính - nhân viên thu hồi nợ.
Quá trình điều tra xác định, Công ty Cổ phần mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng là công ty có ngành nghề kinh doanh là mua bán nợ, môi giới mua bán nợ, môi giới xử lý nợ và tài sản tồn đọng, dịch vụ xử lý nợ. Từ năm 2020 đến 2022, Công ty này ký kết 8 hợp đồng mua nợ với Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (Easy Credit).
Sau khi mua nợ xong, Công ty này có danh sách khách hàng nợ tiền quá hạn của Công ty Tài chính cổ phần Điện lực và chuyển danh sách cho địa điểm kinh doanh số 1 - Công ty Cổ phần mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng "xử lý."
Đối tượng Nguyễn Minh Thành khai nhận thủ đoạn của nhóm nhân viên đòi nợ là công ty được chia ra 4 đội (mỗi đội từ 7-10 người). Mỗi tháng, một nhân viên trung bình thực hiện từ 2.500-3.000 cuộc gọi khủng bố, hăm dọa.
Nếu khách bị đòi nợ chối bỏ khoản vay, nhân viên sẽ liên tục gọi điện, nhắn tin qua SMS và qua mạng Zalo nhắc trả nợ, chửi bới, “khủng bố” tinh thần con nợ. Con nợ nếu không nghe điện thoại, nhân viên gọi điện và nhắn tin đe dọa người thân của họ.
Các nhân viên còn truy cập tìm địa chỉ Facebook, Zalo của con nợ, người thân con nợ lấy hình ảnh cá nhân. Sau đó, các nhân viên ghép, chỉnh sửa hình ảnh thô tục, xúc phạm đính kèm các dòng bình luận xúc phạm cá nhân gửi cho con nợ, bạn bè và người thân của họ yêu cầu trả nợ.
Mỗi tháng, một nhân viên trung bình thực hiện từ 2.500-3.000 cuộc gọi khủng bố, hăm dọa với tổng cộng số tiền đòi được từ 2-3 tỷ đồng. Với tần suất đòi nợ như trên, mỗi tháng có hơn 100 người phải trả tiền nợ và lãi suất cho nhóm đòi nợ thuê này.
Mỗi khi đòi nợ thành công, số tiền mà công ty này được hưởng từ đơn vị “bán nợ” (công ty tài chính có trụ sở tại Hà Nội) lên đến 86%. Như vậy, chủ nợ chỉ nhận 14% còn lại. Chính vì khoản lợi nhuận quá lớn, lãnh đạo công ty đòi nợ thuê này chỉ đạo nhân viên ráo riết khủng bố nạn nhân với tần suất và mức độ dày đặc.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty Tài chính cổ phần Điện Lực có trụ sở tại Tòa nhà EVN Tower ở 11 Cửa Bắc, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Công ty này có website thiết kế màu sắc, giao diện giống với các trang web của ngành điện.
Cơ quan Công an đề nghị ai là người vay tiền, người thân và bạn bè của người vay tiền ở Công ty Tài chính cổ phần Điện Lực bị các nhân viên gọi điện, nhắn tin đe dọa “khủng bố” uy hiếp để trả nợ cần liên hệ Đội Cảnh sát Hình sự, Công an quận Tân Bình ở số 340 đường Hoàng Văn Thụ, phường 4, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh để trình báo, hỗ trợ việc điều tra.
Tình trạng các công ty chuyên đòi nợ thuê gọi điện, nhắn tin đe dọa “khủng bố” uy hiếp để trả nợ không chỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Gần đây ngày 31/3, Công an tỉnh Tiền Giang cho biết qua công tác điều tra chuyên án cưỡng đoạt tài sản liên quan đến Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Pháp Việt (có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh), đến nay, Công an tỉnh Tiền Giang đã khởi tố 54 bị can ( hai Phó Giám đốc, 20 Trưởng phòng, một thư ký và 31 nhân viên) theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Các bị can thừa nhận hành vi cùng đồng bọn đe dọa, uy hiếp tinh thần của người vay tiền và người thân, bạn bè của họ để ép buộc người vay phải trả nợ.
Hai đối tượng cầm đầu là Trần Văn Châu (43 tuổi) và Hồ Quốc Hùng (36 tuổi, cùng ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh, cùng là Phó Giám đốc Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Pháp Việt) thừa nhận việc phân công nhiệm vụ từ các trưởng phòng, trưởng nhóm và từng nhân viên hoạt động phạm tội rộng khắp trên phạm vi cả nước.
Theo kết quả điều tra ban đầu, vào lúc 10 giờ ngày 14/2, dưới sự phối hợp, hỗ trợ của Cục Cảnh sát Hình sự và Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động hơn 120 cán bộ, chiến sỹ tiến hành khám phá chuyên án, khám xét khẩn cấp trụ sở Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Pháp Việt.
Cơ quan chức năng đã thu giữ 233 CPU máy tính bàn, 4 laptop, trên 300 điện thoại di động và nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động khủng bố, cưỡng đoạt tài sản, đồng thời, triệu tập làm việc 133 đối tượng có liên quan, phát hiện có nhiều dữ liệu điện tử, tin nhắn có nội dung liên quan đến việc đòi nợ.
Ngày 18/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Tiền Giang đã khởi tố vụ án "Cưỡng đoạt tài sản", khởi tố và ra lệnh tạm giam đối với hai bị can gồm: Hà Thị Hiệp (nhân viên Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Pháp Việt - là đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi khủng bố tại Trường Tiểu học Phan Văn Kiêu, Phường 1, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) và Nguyễn Thanh Hải (nhóm Trưởng của Hà Thị Hiệp) về tội "Cưỡng đoạt tài sản" theo quy định tại khoản 1 Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015.
Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Tiền Giang đã ra lệnh tạm giữ hình sự khẩn cấp đối với 13 đối tượng khác và đang củng cố chứng cứ truy bắt các đối tượng có liên quan.
Qua kết quả làm việc ban đầu, các đối tượng khai nhận đây là tổ chức tội phạm hoạt động "núp bóng" công ty tư vấn luật, có quan hệ hợp tác với một số tổ chức ngân hàng, công ty tài chính dưới danh nghĩa hợp đồng trợ giúp pháp lý, do Trần Văn Châu và Hồ Quốc Hùng cầm đầu.
Tổ chức tội phạm này có sự phân công cụ thể từng công việc cho nhân viên công ty thông qua trưởng phòng và các nhóm trưởng.
Công ty nhận từ các ngân hàng, công ty tài chính trung bình mỗi tháng từ 141.000 đến 241.000 hợp đồng vay tiền của các khách hàng chưa trả được để phân chia cho các nhân viên công ty đòi nợ bằng hình thức đe dọa, khủng bố như đã nêu ở trên.
Công ty được các ngân hàng và công ty tài chính trả cho từ 25-35% trên tổng số tiền thu được. Ban Giám đốc công ty sử dụng số tiền này để trả lương cho nhân viên và mua các công cụ, phương tiện phục vụ việc đe dọa, khủng bố khách hàng còn nợ tiền.
Hiện nay, Công an tỉnh Tiền Giang đang tiếp tục điều tra mở rộng, làm rõ vụ việc để xử lý theo quy định của pháp luật./.