Trái cây thay thông điệp yêu thương trong ngày Tết của người châu Á
Ăn và tặng trái cây dịp Tết Nguyên đán là một nét đặc trưng trong nhiều nền văn hóa châu Á - Ảnh: NYT
Thông điệp yêuthương
Tại nhà của anh Viet Duong ở Houston, bang Texas (Mỹ), khi mọi người đã no bụng với thức ăn mừng năm mới, họ sẽ đem trái cây ra ăn.
Ngoài bưởi và táo, nhà anh còn có thanh long và khế - có ý nghĩa đem lại may mắn. Ba mẹ anh Duong luôn cắt sẵn trái cây để trong tủ lạnh để có thể đem ra ăn ngay sau bữa chính.
Tương tự với nhà một số gia đình gốc Á, đĩa trái cây đãi khách ngày Tết vừa thể hiện sự hiếu khách vừa là sự quan tâm lẫn nhau.
Linda Trang Vo, một giáo sư về nghiên cứu người Mỹ gốc Á tại Đại học California, cho biết trái cây là "ngôn ngữ của yêu thương" trong dịp Tết Nguyên đán và có thể được trao tặng theo nhiều cách khác nhau.
Một số gia đình tự trồng quýt hoặc quất để biếu hoặc mua trái cây trong những hộp quà đóng gói sẵn ở các cửa hàng tạp hóa.
"Nhiều người châu Á sống tại Mỹ vẫn ngại nói ‘tôi yêu bạn’, vì vậy họ làm điều đó thông qua việc tặng những món ngon đặc biệt này", cô Trang Vo giải thích.
May mắn và tài lộc
Báo New York Times nhận thấy dù truyền thống đón năm mới của các nền văn hóa châu Á có thể khác nhau, như lì xì hay ăn mì sợi dài, nhưng có một điểm chung là cầu mong may mắn và thịnh vượng. Trong đó, việc ăn và tặng trái cây dịp Tết là một nét văn hóa chung.
Người châu Á thường thích một số loại trái cây trong ngày Tết Nguyên đán có tên gọi hoặc màu sắc may mắn. Chẳng hạn, trong tiếng Trung Quốc, quả táo đọc giống như "yên bình", còn bưởi mang ý nghĩa là đem lại thịnh vượng. Những trái cây có màu vàng như cam, quất, quýt được cho là sẽ đem tới tài lộc.
Đó là lý do vì sao gia đình cô Daphne Wu ở California luôn ăn rất nhiều cam vào năm mới và đem tặng quýt cho người thân, bạn bè. Họ cũng sẽ mua một trái bưởi trước Tết Nguyên đán, chờ cho chín dần. Và trong ngày đầu năm, họ sẽ quây quần cùng nhau gọt vỏ và thưởng thức vị ngọt của múi bưởi.