Trái mắt cảnh lai căng tại những điểm du lịch
Đến dân tộc H’Mông chụp ảnh Mông Cổ, đến làng cổ Việt mặc hanbok!
Đầu xuân Nhâm Dần, nhiều bạn trẻ nô nức kéo nhau tới Hầu Thào, Sapa (Lào Cai) để chụp ảnh bộ ảnh “để đời”. Đây là nơi chủ yếu người dân tộc H’mông sinh sống, có trang phục và nền văn hóa dân tộc đặc sắc. Đáng lẽ, các bạn trẻ sẽ diện trang phục của người H’Mông để chụp ảnh kỷ niệm để tôn và quảng bá vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ riêng có của vùng Tây Bắc Việt Nam thì họ lại mặc trang phục theo phong cách du mục của người Mông Cổ hay Tây Tạng. Sapa có những nét thiên nhiên tương đồng với Mông Cổ: đồi núi trập trùng, nhiều vùng bản làng còn hoang sơ, cỏ dại mọc bạt ngàn.
Các chàng trai, cô gái Việt mặc trang phục, đeo phụ kiện và trang điểm như người Mông Cổ, Tây Tạng và với bối cảnh rừng núi hùng vĩ, họ tưởng tượng mình đang ở thảo nguyên Mông Cổ rộng lớn.
Do nhu cầu cao, nhiều cơ sở cho thuê trang phục Mông Cổ, Tây Tạng, dựng bối cảnh thảo nguyên mini được mọc lên như nấm và thường xuyên “cháy hàng”. Dù mức giá thuê trang phục khá đắt, khoảng 400-500 nghìn đồng/người nhưng các chàng trai, cô gái vẫn móc hầu bao để có bộ ảnh “để đời”. Chưa hết, họ còn chi số tiền khủng để thuê đồ, thuê nhiếp ảnh gia, mướn địa điểm chụp, tiền ăn ở, đi lại... Tổng chi phí cho một bộ ảnh mất 5-7 triệu/người.
Những bộ ảnh hóa thân thành người Tây Tạng, Mông Cổ theo phong cách du mục đang vướng vào nhiều sự tranh cãi trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng, trào lưu này dần dần đang khiến người Việt làm mất đi bản sắc các dân tộc vốn có. Những trang phục dân tộc đậm chất Việt như: H’Mông, Tày... vẫn rất độc đáo. Tại sao cần du nhập văn hóa nước ngoài về? Nhìn vào người xem sẽ lập tức liên tưởng đến Mông Cổ, Tây Tạng chứ đâu liên tưởng tới Sapa - vậy thì đang quảng bá cho du lịch nước nào? Tại sao các bạn trẻ lại thích “râu ông nọ cắm cằm bà kia” như vậy.
Nhiều bạn trẻ chọn mặc trang phục hanbok của Hàn Quốc để chụp ảnh với cây hồng 200 tuổi ở một ngôi làng cổ Việt.
Cũng đang gây ý kiến trái chiều là việc nhiều bạn trẻ chọn mặc trang phục hanbok của Hàn Quốc để chụp ảnh với cây hồng 200 tuổi ở một ngôi làng cổ Việt. Cây hồng trăm năm tuổi ở thôn Khê Hạ, xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) bất ngờ nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách khắp nơi tới tham quan, chụp ảnh. Hàng loạt bộ ảnh check-in tại địa điểm này được các bạn trẻ chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội. Điều đáng nói, nhiều bạn trẻ chọn mặc trang phục cổ trang Hàn Quốc để chụp ảnh với cây hồng cổ. Theo những bạn trẻ này, hình ảnh cây hồng trĩu quả nằm cạnh bức tường gạch phủ rêu phong, cánh cổng gỗ bạc màu tương đồng như cảnh tượng trong các bộ phim cổ trang Hàn Quốc. Chủ nhân và người dân sống quanh cây hồng cổ đã chớp thời cơ đặt may cổ trang Hàn Quốc cùng các kiện như: mũ, giày để cho du khách thuê.
Ngắm các bức ảnh đó, nhiều người không khỏi thốt lên: “Không gian xung quanh cây hồng cổ là cây đa, giếng nước, sân đình, mái ngói nhỏ - những hình ảnh đặc trưng của làng quê Việt Nam bình yên và hữu tình thế. Tại sao các bạn không mặc áo dài, áo tứ thân, đầu đội nón lá để có bức ảnh đẹp với niềm tự hào làng quê Việt mà lại đi mặc trang phục Hàn Quốc. Thật không hiểu nổi?”.
Với trào lưu chụp ảnh lạ thu hút rất nhiều bạn trẻ tới Hầu Thào, Khê Hạ đã giúp người dân nơi đây có thêm dịch vụ thuê trang phục Mông Cổ, Tây Tạng, Hàn Quốc và các dịch vụ trông xe, chụp ảnh, ăn uống, nghỉ ngơi đi kèm, cải thiện thêm thu nhập vụ mùa. Nhưng không ít người lo ngại nếu trào lưu này “nhân bản” tại nhiều làng quê, vùng núi Việt sẽ kéo theo hệ lụy về việc người Việt “bị xâm chiếm văn hóa một cách vô thức”.
Hãi hùng những bức tượng
Rất nhiều du khách bức xúc khi tại các khu du lịch, những bức tượng được dựng từ sự sao chép cẩu thả, thiếu thẩm mỹ, biến dạng một cách kệch cỡm và lố bịch.
"Nữ hoàng băng giá" được mô phỏng một cách kỳ dị.
Còn nhớ, ngày 18/7/2021, trên mạng xã hội chia sẻ rầm rộ hình ảnh bức tượng Nữ hoàng băng giá Elsa (nhân vật hoạt hình trong “Frozen”). Bức tượng Elsa được làm từ chất liệu nhựa, cao hơn 3m, phía dưới là kính chịu lực được lắp đặt tại một khu du lịch ở Sapa. Điều đáng bàn cãi là bức tượng được đánh giá không có tính thẩm mỹ, khác xa nguyên mẫu. Cư dân mạng đặt hàng loạt biệt danh cho tượng: Elsa phiên bản lỗi, Elsa thẩm mỹ viện hỏng, Elsa đột biến, Elsa nhái, Elsa lạc quẻ, Elsa đi đường quyền, Elsa trán dô… Việc Nữ hoàng băng giá Elsa - nhân vật nước ngoài, “ngự” trên khung cảnh núi rừng Tây Bắc với cuộc sống bà con dân tộc nom “chả giống ai” khiến nhiều người ngán ngẩm. Ngày 22/7, chỉ 4 ngày sau khi bị dư luận lên tiếng chê bai, bức tượng Elsa do Công ty AnSaPa làm chủ đầu tư đã bị dỡ bỏ theo yêu cầu của chính quyền thị xã Sapa với lý do mô hình nằm trong khuôn viên chưa được công nhận là điểm du lịch và chưa có giấy phép xây dựng.
Trước đó, cũng tại khuôn viên check-in AnSapa, tháng 4/2021, dư luận cũng bức xúc khi bức tượng Nữ thần Tự do phiên bản lỗi được dựng ở đây. “Nữ thần Tự do” được làm từ thạch cao và xi măng, bên trong có khung bằng thép trở thành hình ảnh dị hợm, gây cười trên mạng xã hội.
Việc sao chép những bức tượng nước ngoài đưa lên vùng cao khiến cho khung cảnh rừng núi như bị “xé nát”, như nồi lẩu thập cẩm. Khung cảnh dị hợm: “Tây không ra Tây, Ta chẳng ra Ta” khiến nhiều người dân Sapa và du khách xót xa, bức xúc.
Chuyện về những vật thể được gọi là tác phẩm điêu khắc ngoài trời nhưng xấu xí, phản cảm và hoàn toàn không phù hợp với truyền thống văn hóa, cảm quan thẩm mỹ của người Việt được đặt ở không gian công cộng, các điểm đến, khu tham quan du lịch… cho đến nay không phải là mới và hiếm.
Tượng 12 con giáp mặc… đồ bơi lố bịch.
Vườn tượng 12 con giáp có tạo hình “khỏa thân” nằm trong khu du lịch Hòn Dáu (Hải Phòng) khiến dư luận choáng váng. Tượng 12 con giáp rõ những bộ phận nhạy cảm gây sự bức xúc, xấu hổ cho du khách, nhất là trẻ em. Ngay sau khi bị cộng đồng mạng và du khách “ném đá”, chủ nhân 12 con giáp đã có “sáng kiến” khắc phục hậu quả bằng cách cho tượng mặc… quần bơi hoặc mảnh vải mỏng manh che những bộ phận nhạy cảm. Điều này càng khiến cho tượng 12 con giáp càng thêm lố bịch, thảm họa.
Cũng xây dựng tượng “khỏa thân”, kỳ dị là những bức tượng quỷ trong Khu du lịch Quỷ Núi thuộc quần thể du lịch Quỷ Núi - Suối Ma (xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng). Ngay khi mở cửa đón khách, dư luận phản ứng dữ dội vì cho rằng các tượng quỷ ở đây gây phản cảm, không phù hợp với cảnh quan chung và môi trường du lịch Đà Lạt. Chủ nhân Khu du lịch vội vàng “mặc quần áo” cho quỷ. Ngay sau đó, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã rà soát lại hoạt động du lịch tại đây.
Có thể thấy, những bức tượng trên không chỉ là sự xấu xí, phản thẩm mỹ đơn thuần mà còn là cảnh báo về sự tùy tiện trong thẩm mỹ cũng như trong quản lý loại hình du lịch mới phát sinh. Một thực tế, tại các địa phương, những năm qua xuất hiện nhiều điểm check-in du lịch, nhưng đa số là tự phát, chủ cơ sở thích mô hình nào thì sẽ làm mô hình đó để tạo tò mò cho du khách đến tham quan.
Hầu hết các tượng check-in khu du lịch đều sao chép vụng về từ nước ngoài hay tạo ra các sản phẩm “kém duyên”, phản cảm, vi phạm bản quyền trí tuệ. Tranh, tượng là những tác phẩm nghệ thuật, vì thế việc sao chép phải tuân thủ nghiêm theo quy định về bản quyền, không thể thích sao chép lại như thế nào là tùy thích. Chưa kể, chủ nhân các bức tượng “thảm họa” vi phạm Nghị định 113/2013/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật, bảo đảm môi trường văn hóa, thẩm mỹ, nhân văn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam.
Không ít người bày tỏ ngao ngán: “Khách du lịch thích sống ảo, người làm du lịch lại thiếu sáng tạo. Họ chỉ đơn giản là đi cóp nhặt mỗi nơi một tí về ghép thành một mớ hỗn độn, để rồi văn hoá bản địa bị nhạt nhòa, méo mó, dị hợm bởi những thứ ngoại lai. Riết chả biết đang ở Việt Nam hay ở một phương trời xa lạ nào. Mình cũng làm du lịch, nhưng thật sự là nhìn những chỗ này cảm thấy ngán ngẩm cho tư duy làm du lịch ăn xổi”.