Trải nghiệm văn hóa Champa trong căn nhà lá
Căn nhà lá và chủ nhân, nữ sĩ Kiều Maily
Cũng như bao căn nhà lá ngày trước ở làng quê Quảng Nam, nhưng trang trí và vật dụng bên trong căn nhà bàng bạc âm hưởng văn hóa Champa. Chủ nhà sẽ nói về nghi thức thánh tẩy truyền thống trước khi vào đền tháp, Sang mưgik (nhà thờ của người Chăm theo đạo Bani), du khách rửa tay, rửa chân và súc miệng 3 lần từ lu nước ngoài hiên trước khi bước vào ngôi nhà. Không chỉ có du khách trong nước, nơi đây từng đón nhiều đoàn khách nước ngoài (thời điểm chưa bùng phát dịch).
Hiếm và sinh động
Đây quả là một địa chỉ du lịch hiếm và sinh động về văn hóa Champa. Amaravati là âm Phạn ngữ, chỉ một vùng đất xưa của vương quốc Champa, từ Hải Vân đến Quảng Ngãi. Hiếm, vì có lẽ chỉ duy nhất. Sinh động, vì chính chủ nhân ngôi nhà sẽ giao tiếp với du khách.
Tùy theo nội dung yêu cầu của từng chương trình, thời lượng 1 giờ 30 phút đến 2 giờ 30 phút, chủ nhà - một phụ nữ Chăm - sẽ trò chuyện về văn hóa, lịch sử, tôn giáo, ca múa các làn điệu Champa, trải nghiệm và thưởng thức ẩm thực Chăm, giao tiếp bằng tiếng Anh… Để sắp xếp và tính toán khả năng chuẩn bị, chủ nhà chỉ tiếp du khách theo đoàn, từ 8 - 15 người và có lịch hẹn trước.
Tôi không khỏi ngạc nhiên bởi Champa Amaravati House chỉ có duy nhất phụ nữ Chăm làm tất tần tật, từ liên hệ, đặt lịch, trò chuyện với du khách, ca múa, nấu ăn... Đấy là chị Kiều Maily, người từ làng Chăm Palei Papblap Birau, còn gọi là Palei Phước Nhơn, ở xã Xuân Hải, H.Ninh Hải (Ninh Thuận). Sau khi tốt nghiệp, với lòng say mê văn hóa và lịch sử, chị rong ruổi những nơi có làng Chăm, qua tận các làng Chăm ở Campuchia, đi nhiều làng quê ở Quảng Nam. Chị là hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Chị có sách viết về quê hương Palei Phước Nhơn của tôi, có truyện thiếu nhi Em đi lễ hội (song ngữ Việt - Anh) và đang viết về trang phục Chăm. Năm 2017, chị được một tổ chức phi chính phủ Nhật Bản mời biểu diễn múa và trình bày ẩm thực Chăm.
Về ẩm thực, Kiều Maily đã xuất bản cuốn Độc đáo ẩm thực Chăm, được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Văn hóa Nghệ thuật Ẩm thực làng nghề Việt Nam của Hiệp hội làng nghề Việt Nam. Thật thú vị, cũng như thông tin về hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, địa chỉ của chị trong danh hiệu Nghệ nhân Ẩm thực Chăm cũng đều ghi xuất xứ ở Quảng Nam… Cha mẹ từng có nhiều năm ra Hội An bán thuốc Nam, nên khi dự định chọn nơi đây tổ chức giới thiệu văn hóa Champa, chị đã được gia đình rất ủng hộ.
Vài cảm nhận của du khách:
- Một trải nghiệm mãnh liệt, ở đó người ta nghe được niềm đam mê về dân tộc mình.
- Ngọt ngào như rượu men nho những điệu múa của nàng khơi dậy những hồi ức sống động về một dân tộc xa xưa không quên nguồn cội.
- Một buổi tối vô cùng đẹp đẽ để hiểu biết thế giới Champa qua sự diễn tả của một phụ nữ Chăm đặc biệt.